Đảo ngọc mấy ngày qua đã chứng kiến ngập sâu lịch sử 100 năm. Nhiều nơi ở Phú Quốc ngập sâu tới 1 m, bất chấp việc đảo được bao quanh bởi biển, vốn được mặc định là nơi thoát nước lũ dễ dàng.
Trao đổi với Zing.vn, ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết, không phải toàn bộ đảo Phú Quốc bị ngập, mà chỉ có một số khu vực. Đó là một số tổ dân phố tại thị xã Dương Đông, khu vực Bến Tràm, Cây Thông Trong, đường dọc bãi Trường bị ngập cục bộ…
Theo ông Huỳnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập cục bộ trên địa bàn. Một số nguyên đó là do biển đổi khí hậu.
Hệ thống thoát nước trong nội ô thị trấn được đầu tư từ 2002, quy mô thời điểm đó phù hợp với mật độ dân cư thưa thớt. Tuy nhiên, đến nay, dân cư Phú Quốc đã phát triển nhanh, cộng thêm khách du lịch, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Một số ao hồ tự nhiên bị san lấp, tôn nền xây dựng kè, làm hẹp dòng chảy.
Trước ý kiến của một số chuyên gia cho rằng đảo ngọc phát triển quá "nóng", cấp phép ồ ạt các dự án, dẫn tới hạ tầng chưa theo kịp với yêu cầu, ông Huỳnh tâm tư: "...Phú Quốc đã có quy hoạch do đơn vị tư vấn nước ngoài thực hiện và được Thủ tướng phê duyệt. Không thể nói là Phú Quốc phát triển không có căn cơ. Nhiều người nói không đúng về Phú Quốc như thiếu quy hoạch, thiếu tầm nhìn, khiến tôi rất buồn. Cần có đánh giá và nhận xét công bằng với Phú Quốc, sát với thực tế".
Tuy nhiên, Bí thư huyện đảo Phú Quốc cũng thừa nhận: "Chúng tôi không chối cãi những yếu kém trong quản lý Nhà nước. Rất nhiều địa phương cũng có những hạn chế nhất định, và chúng tôi đang dần khắc phục".
"Chúng tôi sẽ đúc rút và dần hoàn thiện những bất cập bằng việc điều chỉnh quy hoạch. Đến khi nào chúng tôi xây dựng hoàn chỉnh như quy hoạch mà vẫn xảy ra ngập lụt hay bất cập thì tôi thừa nhận sai.
Bất kỳ dự án nào được cấp phép cũng phải đảm bảo có tiêu chuẩn, tỷ lệ cây xanh, quy hoạch hạ tầng… đúng như đồ án phê duyệt quy hoạch. Chúng tôi không để doanh nghiệp phát triển một cách tùy tiện", ông Huỳnh nói trên Zing.vn.
Trước đó, chia sẻ trên báo chí, một số chuyên gia chỉ ra đảo ngọc phát triển quá nóng, dẫn tới hạ tầng không đồng bộ. Hơn nữa, năng lực quản lý một hòn đảo phát triển nhanh với hàng chục tỷ USD vốn đầu tư đang có phần quá sức với chính quyền địa phương.
Theo báo Tuổi trẻ, PGS.TS Lê Anh Tuấn (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ) cho biết, mưa lớn bất thường vừa qua khiến hàng chục kilômet đường dọc vành đai quanh đảo, đặc biệt ở khu vực Dương Đông - Cửa Cạn, bị ngập sâu.
Tại sao ngập? Ngập bởi các ao hồ có tác dụng điều tiết nước thì bị thu hẹp, san lấp; các công trình, nhà cửa mọc lên nhanh chóng; tuyến đường giao thông quanh đảo Phú Quốc mới được nâng cấp như một tuyến đê bao cản đường tiêu nước tự nhiên.
Ngoài ra, hệ thống cống rãnh thoát nước vẫn cũ kỹ, còn ngập rác khá nhiều. Nhìn trên bản đồ Google Map, dễ thấy khu vực có đô thị hóa cao như thị trấn Dương Đông, vùng thoát nước sông Cửa Cạn đã trở thành các khu ngập nghiêm trọng.
Có thể nói cả thiên tai và "nhân tai" đều là tác nhân gây ra những thiệt hại do ngập úng nặng nề mấy ngày qua ở Phú Quốc. Phát triển đô thị là một xu hướng nhưng cần hạn chế tối đa việc làm hạn chế tuyến thoát nước và giảm khả năng thấm nước mặt đất tự nhiên.
Đó là những giải pháp cần phải tính toán ngay từ hôm nay (dù đã muộn) cho những nhà hoạch định, quy hoạch nếu không muốn Phú Quốc sẽ còn bị ngập nghiêm trọng hơn ở tương lai.
Trong khi đó, theo TS Nguyễn Chí Thành (nguyên Phân viện trưởng Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam Bộ), cần xem lại quy hoạch Phú Quốc.
Qua theo dõi thông tin báo đài những ngày qua, tôi thấy tình trạng ngập ở đây chủ yếu tập trung tại thị trấn Dương Đông - nơi phát triển đô thị nóng nhất tại Phú Quốc trong thời gian vừa qua. Khi ngập, người ta nghĩ tới các nguyên nhân như tình trạng phá rừng đầu nguồn. Tuy nhiên qua đánh giá, tôi có thể nói cần loại trừ yếu tố này vì rừng đầu nguồn của Dương Đông còn rất tốt.
Vấn đề còn lại là quy hoạch phát triển đô thị ở Dương Đông. Hiện tại khi mưa nước đổ dồn vào các con rạch trước khi chảy ra sông Dương Đông và ra biển. Thế nhưng, chúng ta đánh giá phải chăng có tình trạng lấn chiếm, san lấp sông, rạch tại khu vực này hay không? Ngoài ra, chúng ta cũng phải xem xét yếu tố hệ thống thoát nước hiện hữu đã đáp ứng được yêu cầu thoát nước hay chưa?... Đó là những vấn đề cần có khảo sát kiểm tra, làm rõ.
Nhân câu chuyện ngập ở Phú Quốc và việc chính quyền tỉnh Kiên Giang xin ý kiến Thủ tướng làm lại quy hoạch cho Phú Quốc thì phải tính tới việc tích hợp các quy hoạch sao cho đồng bộ, phù hợp nhất trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
GS.TS Đào Xuân Học (nguyên thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi VN) cho biết, nhiều người nghĩ một nơi như Phú Quốc có điều kiện tự nhiên thoát nước thuận tiện ra biển, nhưng để tiêu thoát nước được còn phụ thuộc vào hai vấn đề.
Thứ nhất, phải có những "bể chứa" tiếp nhận nguồn nước tiêu thoát gồm biển, sông lớn và kênh rạch. Trường hợp "bể chứa" mà cao hơn nơi cần tiêu nước thì bất khả kháng trong thoát nước tự nhiên, phải sử dụng các giải pháp bơm cưỡng bức.
Thứ hai, thực tế tại Phú Quốc, nơi có hướng thoát nước thuận tiện ra biển, vấn đề thấy rõ là hệ thống đường cống tiêu thoát nước đã không còn phù hợp, không thoát kịp so với thực tế mưa lớn đã xảy ra.
Chung quan điểm với ông Học, theo GS.TS Trần Thục (chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn VN), không thể đổ hết cho thời tiết. Phú Quốc là nơi có điều kiện thoát nước ra biển nhanh nhưng vẫn ngập lụt, tôi cho rằng nếu đổ hết lý do cho nguyên nhân thời tiết thì cũng không hẳn đúng. Thời tiết, khí hậu diễn biến bất thường chỉ là một trong những nguyên nhân.
Ngoài ra còn có vấn đề về quy hoạch, xây dựng đô thị chưa tính hết đến năng lực thoát nước trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu. Vì thế, dù là nơi thuận lợi để tiêu thoát nước ra biển nhưng hệ thống cống thoát nước của Phú Quốc đã quá tải, không tiêu thoát kịp.
Hoàng Mai (tổng hợp)