Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, chiều ngày 23/10, nhiều đại biểu đóng góp hàng loạt ý kiến liên quan đến dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Hai nhóm vấn đề chính được dư luận và cử tri cả nước đặc biệt quan tâm thời gian qua đó là đề xuất giảm giờ làm việc từ 48 tiếng/tuần xuống 40 tiếng/tuần và nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ/năm.
Về vấn đề giờ làm việc bình thường, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng quá trình công nhân các nước tiên tiến đấu tranh giảm giờ làm từ 10-16 tiếng/ngày còn 8 tiếng/ngày.
Từ năm 1886, công nhân biểu tình ở Chicago đòi giảm giờ làm việc từ 10 tiếng còn 8 tiếng/ngày và không giảm tiền lương. Qua các giai đoạn, đến năm 1940, Mỹ đã có luật của Quốc hội quy định làm việc 40 giờ/tuần.
Đến những năm 50-60 của thế kỷ trước, các nước cũng chuyển từ 48 giờ/tuần sang 40 giờ/tuần, tức làm việc 5 ngày/tuần.
"Thế nhưng ở nước ta, đến năm 1999 mới chuyển sang làm 5 ngày theo thông lệ quốc tế, tức là ta đã chậm hơn thế giới gần nửa thế kỷ", ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Bí thư Thành uỷ TP.HCM phân tích, hiện nay ở Việt Nam có 2 nhóm người: Người làm cho Nhà nước thì làm 5 ngày/tuần, lao động tại doanh nghiệp thì làm 6 ngày, tương đương 48 giờ/tuần.
"Rõ ràng điều này không bình đẳng. Ở các nước không có luật lao động nào tách riêng, công chức làm ít giờ và công nhân làm nhiều giờ, họ chỉ quy định chung cho đất nước", bất cập trong việc quy định giờ làm việc được ông Nhân chỉ rõ.
Từ sau năm 2000, các nước trên thế giới đã giảm dần giờ làm trong tuần, chỉ còn 2 nước quy định làm việc trên 40 giờ/tuần bao gồm Mexico 48 giờ/tuần và Hàn Quốc làm 43 giờ/tuần. Còn các nước khác hầu hết đã giảm xuống dưới 40 giờ/tuần, điển hình như Đức còn hơn 26 giờ, trong khi nền kinh tế của quốc gia này đứng thứ 4 thế giới, đứng đầu Châu Âu.
"Chúng tôi cho rằng Việt Nam cần có lộ trình chuyển số giờ lao động từ 48 giờ xuống còn 40 giờ/tuần trong vòng 10 năm, có thể trước mắt xuống 44 giờ/tuần. Đến sau năm 2030 thì sẽ làm 5 ngày/tuần với người lao động. Tuy nhiên, như vậy vẫn đi sau thế giới 80 năm", ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân đề xuất.
Về vấn đề quy định khung giờ làm thêm, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân nhận định: "Trong ngắn hạn thì doanh nghiệp có thêm lợi nhuận, người lao động ngắn hạn có thêm thu nhập, nhưng hậu quả trước mắt là sức khoẻ người lao động giảm sút. Năng suất lao động không tăng nếu công nhân làm việc trên 40 giờ/tuần".
Vị Bí thư Thành uỷ TP.HCM đặt câu hỏi: "Người Việt Nam muốn gì?".
Ông đưa ra một nghiên cứu gần đây trong cuốn sách nói về hạnh phúc của người Việt Nam. "Về kinh tế, người Việt mong muốn có thu nhập, có việc làm, có nhà. Nhưng về gia đình thì chiếm giá trị lớn nhất, có 95,4% người mong muốn có gia đình hoà thuận, 73% số người hy vọng con cháu ngoan và tiến bộ, 60% số người được hỏi mong sức khoẻ tốt".
"Vậy mà nếu chúng ta làm việc mỗi ngày 9 – 10 giờ quanh năm thì không thể có gia đình hạnh phúc đâu, không có điều đó đâu. Trên thế giới từ bỏ điều này 133 năm nay rồi", ông Nhân nhấn mạnh.
Một vấn đề khác khiến ông lo lắng, đó là nếu tăng khung giờ làm thêm theo thoả thuận thì trên thực tế không có sự tự nguyện: "Ví dụ một dây chuyền may, nếu một dây chuyền mà có quá nửa công nhân nghỉ làm thêm thì số còn lại không thể may được cái áo, không làm được đôi giày. Nên nói tự nguyện chỉ là một phần thôi".
"Muốn tăng năng suất lao động thì nguồn gốc phải đổi mới công nghệ, chứ tăng giờ làm thì sẽ giảm năng suất lao động. Điều đó ai cũng thấy. Mục tiêu đất nước muốn tăng năng suất thì hãy đổi mới công nghệ và giảm giờ làm", ĐBQH Nguyễn Thiện nhân đưa ra vấn đề cốt lõi cần thảo luận về Bộ luật Lao động (sửa đổi) trước hội trường Quốc hội.
Clip: ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm bật khóc phản đối tăng giờ làm thêm đối với người lao động
Hoa Liên - Công Luân