Liên quan đến hiện tượng người dân lao vào tranh giành, “cướp” lộc hoa tre tại lễ hội Gióng (thuộc đền Sóc – huyện Sóc Sơn – Hà Nội) gây tranh cãi trong dư luận, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi cùng ông Phạm Xuân Phương - Bí thư huyện ủy Sóc Sơn.
Trả lời PV, ông Phạm Xuân Phương chia sẻ: "Chuyện cướp lộc ở hội Gióng trước đây diễn ra ngay tại sân đền. Nhưng bây giờ, sau khi xong mọi thứ (lễ - PV) thì đưa về đền Hạ”.
Theo chia sẻ của Bí thư huyện ủy Sóc Sơn, cướp lộc ở hội Gióng là một phong tục địa phương mà nếu cấm không cho “cướp” lộc thì các bô lão và người dân sẽ buồn đồng thời các bô lão quan niệm rằng nếu không để “cướp” lộc thì người dân địa phương sẽ không làm ăn được trong năm đó.
“Trước khi quán triệt, các bô lão trong làng nói thẳng với tôi rằng “nếu không để cướp lộc thì lộc chúng tôi làm ra để làm gì và dân chúng tôi sẽ không làm ăn được”, đấy là phong tục địa phương. Kể cả không cho cướp thì ngay những người khiêng kiệu người ta cũng buồn”, Bí thư huyện ủy Sóc Sơn chia sẻ.
Cũng theo ông Phương, do là phong tục nên việc cấm đoán đối việc “cướp” lộc là không thể. “Nếu đưa vào hậu cung thì ai cướp được nhưng tôi không được phép làm thế. Nếu như không cho “cướp” mà cứ để như thế thì các cụ buồn và rất thương. Khi người ta cầm lộc ra (cướp được lộc cầm ra – PV) thì người ta rất vui, nhìn thấy khuôn mặt ai cũng tươi cười. Vào đêm mùng 5 rạng sáng mùng 6 khi chúng tôi phát lộc thì người dân lại chẳng lấy mà chỉ đợi lấy ở cây tế thánh”, ông Phương chia sẻ thêm.
Bí thư huyện ủy Sóc Sơn cũng khẳng định, trong “cướp” lộc hội Gióng không có chuyện đánh nhau đổ máu hay sự việc quá đáng xảy ra mà mọi người đều vui vẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Nam Nho - Giám đốc Trung tâm Quản lý khu Di tích đền Sóc cho biết, hội Gióng là lễ hội trận và việc tranh lộc là tất yếu của lễ hội.
Theo ông Nho, trong Hồ sơ quốc gia hội Gióng ở đền Sóc trình UNESCO xem xét công nhận là một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại ghi rất rõ: Sau khi lễ đi đến đền thì người chủ tế làm lễ cho hô “Tất lễ tranh lộc” thì nhân dân ùa vào tranh lộc. Từ “cướp lộc” là văn nói, còn từ chuẩn xác “các cụ để lại” khi phục hồi lại lễ hội là “Tất lễ tranh lộc”.
GS. TS Nguyễn Chí Bền - Trưởng ban xây dựng Hồ sơ quốc gia "Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc" trình UNESCO xem xét, công nhận trước đó, cho biết: Qua nhiều nghiên cứu cho thấy, hội Gióng ở đền Sóc không có nghi thức cướp lễ vật bởi tranh giành, cướp, lễ vật sẽ mất thiêng. Lễ hội Gióng chỉ có nghi thức phát lễ vật cho dân làng hoặc du khách.
GS. TS Nguyễn Chí Bền cũng khẳng định: “Trong tất cả các lễ hội của người Việt không có nghi thức cướp lễ vật”.
Ông Bền bày tỏ, ông rất buồn khi chứng kiến cảnh người dân lao vào cướp hoa tre, lễ vật tại hội Gióng đền Sóc. Đồng thời cho rằng, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của lễ hội cổ truyền. Giúp người dân hiểu đúng giá trị của từng trò diễn. Bên cạnh đó, cần đổi mới hội Gióng cho phù hợp với tình hình hiện nay nhưng vẫn đảm bảo giá trị của lễ hội đã được UNESCO vinh danh.
Theo GS. TS Nguyễn Chí Bền, ông mong muốn nghi thức tranh lộc ở hội Gióng sẽ được đổi mới như việc phát ấn ở Đền Trần (Nam Định). GS.TS Nguyễn Chí Bền cũng nêu ý kiến, thay bằng việc để người dân lao vào tranh cướp, ban tổ chức có thể đổi mới thực hiện nghi lễ tung hoa tre, nếu hoa tre rơi vào vị trí của người nào thì người ấy nhận.
Nhất Nam