Sáng 11/3, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị quán triệt, thực hiện công tác quản lý trật tự đô thị trong thời gian tới trên địa bàn thành phố.
Ông Bùi Xuân Cường (Giám đốc Sở GTVT TP.HCM) cho biết, hầu hết các quận, huyện đều có sự nỗ lực trong việc thực hiện cam kết về giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, nhất là trên 159 tuyến đường trọng điểm đã đăng ký từ đầu năm 2012 với UBND thành phố.
Tuy nhiên, theo ông Cường, việc giải quyết trật tự lòng lề đường, vỉa hè tại một số quận, huyện như “bắt cóc bỏ dĩa”. Vẫn còn tình trạng đỗ xe tràn lan trước các siêu thị, trung tâm tiệc cưới, nhà hàng, trường học và trên nhiều tuyến đường khu vực trung tâm có biển báo cầm dừng, cấm đỗ; vẫn còn tình trạng xe gắn máy chạy trên vỉa hè, ảnh hưởng lớn đến người đi bộ…
Ông Cường cho rằng, nguyên nhân là do tính phối hợp giữa các đơn vị chức năng trong cùng địa phương cũng như sự phối hợp giữa các địa phương chưa cao, đặc biệt tại các khu vực giáp ranh của nhiều phường, nhiều quận như khu vực Bệnh viện Chợ Rẫy.
Một nguyên nhân khác là lãnh đạo chính quyền nhiều quận, huyện chưa thật sự quan tâm công tác này, chưa quyết liệt chỉ đạo, chưa giao nhiệm vụ và kiểm điểm cấp phường không thực hiện tốt công tác này.
Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận cho biết, từ ngày 16/1/2017 đến nay, quận 1 tổ chức ra quân lập lại trật tự đô thị, tổ chức lại vỉa hè với 23 lượt tại 45 tuyến đường trọng điểm. Đến nay, Đội quản lý trật tự đô thị quận 1 và UBND 10 phường đã xử lý lập biên bản 1.177 trường hợp vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường và vệ sinh môi trường, xử phạt với số tiền gần 700 triệu đồng.
Ngoài ra, quận còn vận động tháo dỡ và trực tiếp tháo dỡ 822 vật cản trên vỉa hè như: bục bệ bằng bê tông, sắt, chậu kiểng, bồn hoa, biển quảng cáo…. Chủ tịch quận 1 khẳng định đến nay đã có 45/134 tuyến đường trên địa bàn quận thay đổi diện mạo, không còn tình trạng lấn chiếm của các hộ kinh doanh, buôn bán.
Ông Lê Văn Thưng - Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho rằng, người dân vẫn có thói quen mua thức ăn ở vỉa hè, tình trạng mua bán kinh doanh lòng lề đường ở quận diễn biến rất phức tạp. Ông Thưng đề nghị phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ngắt lời: “Các quận phải đẩy mạnh tuyên truyền chứ kiến nghị gì nữa!”.
“Quận có trách nhiệm quản lý vỉa hè, trong quá trình triển khai có vấn đề gì thì phối hợp với Sở giao thông. Tôi thấy trách nhiệm quản lý vỉa hè của chúng ta chưa cao. Chúng ta đã có cơ sở pháp lý về vấn đề này, giờ làm thôi, có vướng mắc thì phát biểu, các đồng chí đến đây không nên đọc tham luận nữa!”, ông Phong nói.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng hỏi cụ thể về tình hình lập lại trật tự hè phố tại phường Đa Kao, một trong những phường trọng điểm tại quận 1. Bà Ngô Hải Yến, Chủ tịch UBND phường Đa Kao thừa nhận, trên địa bàn phường có hơn 1.600 hộ kinh doanh trên vỉa hè, thường xuyên lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, để xe nên rất phức tạp.
“Đây là một thách thức của phường. Phường ra quân rất quyết liệt, cả sáng, chiều và ban đêm - hiện nay tình hình đã có sự chuyển biến. Chúng tôi xác định đây là việc khó khăn, chúng tôi đề ra một số giải pháp. Công tác tuyên truyền rất quan trọng…”, bà Yến nói.
Thấy vị Chủ tịch phường trả lời không vào trọng tâm, Bí thư Thăng đề nghị bà Yến trả lời ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề là có làm được không?
Bà Yến trả lời: “Chúng tôi sẽ làm được, tiếp tục ra quân không để tái lấn chiếm, khảo sát các hộ kinh doanh buôn bán để có giải pháp căn cơ!”.
Đến đây, Bí thư Thăng nhắc nhở, việc ra quân quản lý trật tự đô thị ở quận 1 thời gian qua chỉ thấy ông Đoàn Ngọc Hải (Phó Chủ tịch UBND quận 1) mà không thấy các Bí thư, Chủ tịch phường đâu.
Bí thư nói: “Các anh đừng để ông Hải một mình trên đường, thành “ngôi sao cô đơn”! Tôi đề nghị phải có Bí thư, Chủ tịch phường, Công an phường tham gia cùng thì sẽ giải quyết hết được, vì những ai lấn chiếm những ông này sẽ hiểu rõ nhất!”.
Theo Dân trí