Giữa hai kỳ họp
Người Đưa Tin: Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai những công việc trọng tâm nào sau kỳ họp thứ 5 và đã chuẩn bị những gì cho kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, thưa ông?
Ông Hoàng Trung Dũng: Sau kỳ họp thứ 5, Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đã kịp thời thông tin kết quả kỳ họp đến cử tri, nhân dân; báo cáo giám sát chuyên đề ba chương trình mục tiêu quốc gia; tham gia Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội; phối hợp Thường trực HĐND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; tổ chức tiếp công dân, giải quyết đơn thư, kiến nghị, phản ánh của công dân; triển khai các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ nhiều đối tượng chính sách, đối tượng gặp hoàn cảnh khó khăn.
Qua tiếp xúc cử tri, nhân dân đánh giá cao kết quả đạt được của tỉnh trên các lĩnh vực: Kinh tế tăng trưởng khá; thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc; thu ngân sách tăng cao; lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm chăm lo, đạt nhiều kết quả nổi bật; an sinh xã hội được chú trọng, nhất là thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng khó khăn; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội đảm bảo.
Để chuẩn bị tham gia kỳ họp thứ 6, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ động nghiên cứu nội dung các dự án luật, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023, quyết định kế hoạch năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021- 2026; công tác quản lý cán bộ, công chức; lộ trình cải cách chính sách tiền lương và các nội dung liên quan. Trên cơ sở đó, kết hợp với các kiến nghị, phản ánh của cử tri, Đoàn tổng hợp để báo cáo Quốc hội.
Người Đưa Tin: Qua các hội nghị tiếp xúc cử tri, được biết chương trình nghị sự của Quốc hội kỳ họp này sẽ thảo luận, thông qua nhiều Dự án luật. Xin ông cho biết công tác chuẩn bị của Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh để tham gia công tác xây dựng pháp luật tại kỳ họp?
Ông Hoàng Trung Dũng: Tại kỳ họp thứ 6, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 dự án Luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến lần đầu 8 dự án luật. Các dự án luật tác động sâu rộng đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước cũng như các địa phương, như: Luật Đất đai, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, Luật Nhà ở, Luật Đường bộ, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ...
Để chủ động tham gia công tác xây dựng pháp luật đảm bảo chất lượng, Đoàn ĐBQH tỉnh đã thu thập tài liệu, tham vấn chuyên gia, các cơ quan liên quan, tổ chức khảo sát tại các đơn vị, địa phương, các đối tượng chịu tác động của chính sách, pháp luật; phân công các đại biểu Quốc hội tập trung nghiên cứu, tham gia thảo luận các nội dung chuyên sâu; đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng dự án luật khi trình Quốc hội, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Những điều cử tri Hà Tĩnh mong muốn
Người Đưa Tin: Thời gian giữa 2 kỳ họp này, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiếp nhận được những tâm nguyện nào của cử tri, nhất là liên quan trực tiếp đến sự phát triển của tỉnh Hà Tĩnh?
Ông Hoàng Trung Dũng: Sau kỳ họp thứ 5 đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiếp nhận và chuyển nhiều kiến nghị của cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền. Các vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm tập trung chủ yếu vào triển khai quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, việc làm, đời sống của người lao động; chính sách đối với người có công; sắp xếp các đơn vị hành chính; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng; vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm; giá cả sản phẩm nông nghiệp thấp, thị trường tiêu thụ; công tác phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa tai nạn đuối nước ở trẻ em...
Về công tác quy hoạch, Hà Tĩnh là địa phương thứ hai được Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại Hội nghị công bố quy hoạch gắn với xúc tiến đầu tư (tháng 5/2023), đã có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đến với Hà Tĩnh đăng ký đầu tư gần 230 ngàn tỷ đồng. Tin tưởng, với những dự án đã được cấp quyết định đầu tư sẽ tạo động lực, dư địa mới để Hà Tĩnh phát triển, tăng thu ngân sách, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở ra cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục kiến nghị, đề xuất với các Bộ, ngành và Chính phủ sớm thẩm định, phê duyệt điều chỉnh các quy hoạch liên quan.
Người Đưa Tin: Hà Tĩnh có hai khu kinh tế trọng điểm là Vũng Áng và Cầu Treo. Để phát huy hiệu quả vai trò của các khu kinh tế, Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh sẽ có những đề xuất gì?
Ông Hoàng Trung Dũng: Sau 17 năm đi vào hoạt động kể từ khi thành lập đến nay, Khu kinh tế Vũng Áng đã phát huy tốt vai trò động lực phát triển của tỉnh. Đến nay, Khu kinh tế Vũng Áng có 151 dự án còn hiệu lực, với 95 dự án trong nước, 56 dự án FDI, tổng vốn đăng ký gần 18,4 tỷ USD, giải quyết việc làm cho khoảng 20 ngàn lao động, đóng góp gần 60% ngân sách tỉnh, chiếm 92,5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn tỉnh.
Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển mới, khu kinh tế chưa đáp ứng. Phần lớn diện tích đất công nghiệp cơ bản đã phủ kín các dự án, quỹ đất còn lại không nhiều để triển khai các dự án quy mô. Vì vậy, tỉnh đang triển khai các thủ tục mở rộng khu kinh tế. Hà Tĩnh mong muốn các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ để sớm hoàn thành việc mở rộng Khu kinh tế Vũng Áng theo mục tiêu đề ra. Trước mắt, đề nghị các bộ, ngành sớm thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thị xã Kỳ Anh, đồng thời phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển vùng nước, cảng biển để Hà Tĩnh có cơ sở xây dựng Đề án mở rộng Khu kinh tế Vũng Áng.
Đối với Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, là một trong tám khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm được Thủ tướng Chính phủ quyết định tập trung đầu tư giai đoạn 2021 - 2025. Tuy vậy, diện tích chật hẹp, hạ tầng xuống cấp, thường xuyên xảy ra ùn tắc. Hai tháng gần đây, tuyến đường phía Lào nối cửa khẩu bị sạt lở nghiêm trọng do ảnh hưởng của thiên tai, lưu lượng hàng hóa thông quan qua Hà Tĩnh giảm 60 - 70%, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu, thu ngân sách. Tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Bolikhămxay (Lào) đã thống nhất đề nghị hai Chính phủ Việt Nam và Lào hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình đường giao thông cửa khẩu Cầu Treo - Nậm Phao (đoạn phía Lào), góp phần thúc đẩy phát triển Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, cũng như phục hồi, phát triển thương mại biên giới hai nước Việt Nam - Lào.
Người Đưa Tin: Trong thời gian qua, dư luận cán bộ, đảng viên và cử tri Hà Tĩnh mong muốn có một quyết định cuối cùng về dự án mỏ sắt Thạch Khê. Vậy Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh có đưa vấn đề này đến nghị trường Quốc hội sắp tới không, thưa ông?
Ông Hoàng Trung Dũng: Mỏ sắt Thạch Khê cách Tp.Hà Tĩnh hơn 5km, cách bờ biển 300m, trong khi công nghệ khai thác mỏ theo đề án chưa đảm bảo, nếu khai thác đến độ sâu hàng trăm mét chắc chắn có nhiều rủi ro, nhất là vào mùa mưa bão triều cường, nước biển dâng cao. Việc khai thác và xả thải ra biển không chỉ gây ô nhiễm vùng biển Hà Tĩnh mà còn ảnh hưởng đến các tỉnh trong khu vực do tác động của dòng hải lưu... Những vấn đề trên không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường mà còn tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự.
Thời gian qua, khi dự án tiến hành bóc đất tầng phủ sâu 34m đã xảy ra hiện tượng tụt nước ngầm, ô nhiễm môi trường, thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng; các gia đình ở khu vực dự án không được xây dựng, nâng cấp, làm nhà mới, tách hộ, rất ảnh hưởng đến đời sống dân sinh... Trên cơ sở đánh giá toàn diện, khách quan, nghiêm túc và tâm tư, nguyện vọng của cử tri, Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh sẽ tiếp tục kiến nghị Trung ương sớm chấm dứt Dự án. Hà Tĩnh nhất quán quan điểm không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Người Đưa Tin: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!
Quốc Hoàn
(Thực hiện)