Chú trọng phân cấp quản lý Nhà nước
Phát biểu tại kỳ họp thứ 17 HĐND thành phố Hồ Chí Minh ngày 15/7, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đánh giá, đây là kỳ họp có khối lượng công việc rất lớn khi bàn và cho chủ trương nhiều quyết sách quan trọng để thành phố Hồ Chí Minh thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, qua đó nâng cao đời sống người dân cả trong trước mắt, trung hạn và dài hạn.
Nhìn lại kết quả trong nửa đầu năm, ông Nguyễn Văn Nên đánh giá chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều biện pháp, thực hiện kịp thời và có hiệu quả các nghị quyết, bám sát chủ đề của năm.
"Dù vậy, khi nhìn lại các mục tiêu, yêu cầu đặt ra thì còn nhiều điểm chưa đạt, có những chỉ tiêu thụt lùi so với ban đầu, nhiều vấn đề chưa được tháo gỡ đến nơi đến chốn", Bí thư Nguyễn Văn Nên chỉ ra.
Do đó, Bí thư thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các cấp các ngảnh cần phải nhìn nhận rõ hơn, cụ thể hơn, có giải pháp khả thi, phân công rạch ròi và đề ra nhiệm vụ, thời gian để triển khai với quyết tâm cao nhất.
Đồng thời, người đứng đầu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu cần phải chỉ ra "nguyên nhân nào là khách quan, chủ quan, do tập thể hay cá nhân, cụ thể là ai chưa làm tốt thì củng cố, chấn chỉnh, uốn nắn, xử lý trong thời gian tới".
Mặc dù chỉ số tăng trưởng kinh tế trong nửa đầu năm 2024 của thành phố Hồ Chí Minh cho thấy tín hiệu khả quan nhưng tình hình trước mắt còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, với khối lượng công việc lớn là về thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Trung ương để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của thành phố Hồ Chí Minh.
Bí thư Nguyễn Văn Nên cho hay, Chính phủ ban hành Nghị định 84/2024/NĐ-CP về thí điểm thẩm quyền của thành phố Hồ Chí Minh trong quản lý nhà nước về kinh tế, tài chính, ngân sách nhà nước là bước chuyển biến mạnh mẽ về cơ chế, chính sách.
Nghị định này nhằm thể chế hóa cơ chế trong Nghị quyết 98 của Quốc hội. Vì vậy, thành phố Hồ Chí Minh "phải triển khai thật nhanh, sớm vào cuộc sống, phổ biến ban hành kịp thời những văn bản thuộc thẩm quyền của mình".
"Thành phố đã có cơ chế thì phải làm nhanh, phân công cụ thể, rõ ràng để đưa những điều này vào cuộc sống. Bởi người dân đang chờ. Đây là cơ hội và cần tận dụng sớm", ông Nguyễn Văn Nên nói thêm.
Cần tiếp tục triển khai các chương trình bình ổn giá
Luật đất đai 2024 sắp có hiệu lực, có phạm vi tác động lớn đến đời sống người dân, doanh nghiệp. Do đó, ông Nguyễn Văn Nên yêu cầu các cơ quan sớm vận dụng, lành mạnh hóa các mối quan hệ dựa trên cơ luật mới, qua đó đóng góp cho sự phát triển kinh tế- xã hội của thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó là tăng cường kiểm tra, giám sát, giải quyết có hiệu quả những vướng mắc liên quan đến vấn đề sử dụng đất. Quan tâm đến chính sách an sinh xã hội, đảm bảo quyền lợi người dân, quan tâm thu hút đầu tư nước ngoài…
Bởi lẽ, thành phố Hồ Chí Minh có độ mở lớn, hội nhập sâu rộng với cả các địa phương trong nước và cả các nước trên thế giới, vì vậy cần chủ động hiện thực hóa các cơ chế chính sách mà thành phố Hồ Chí Minh đã thỏa thuận, hợp tác, kể cả với cấp Trung ương.
Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng yêu cầu HĐND thành phố Hồ Chí Minh tăng cường vai trò giám sát, có hiệu quả hơn, đi sâu vào quản lý lao động việc làm, thực hiện Nghị quyết 98, quản lý trật tự xây dựng, giám sát về vấn đề môi trường, xử lý rác, chống ngập…
Ông Nguyễn Văn Nên đề nghị chính quyền thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục triển khai các chương trình bình ổn giá, nhất là trong bối cảnh tăng lương cơ sở từ ngày 1/7.
"Thành phố cần tiếp tục triển khai chương trình bình ổn giá để góp phần kiểm soát lạm phát chung. Làm cái gì thì làm, lương tăng mà nếu giá cả không giữ được, không bình ổn được, lạm phát tăng cao thì cái tăng đó nó cũng không có ý nghĩa. Cho nên Thành phố chúng ta phải góp phần để cùng với cả nước giữ bình ổn", ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cũng đề nghị Thành phố quan tâm đến các vấn đề an sinh xã hội như cụ thể hóa nhiều nội dung, thẩm quyền trong Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.