Liên quan đến việc ông Mai Quốc Hân bị “tố” đem cả gia đình ra sinh sống tại trạm bơmXuân Phương còn nhà của gia đình được ông cho thuê lại để thu tiền hàng tháng, ông Nguyễn Tiến Dũng – chủ tịch UBND xã Xuân Phương cho biết: “Hiện gia đình ông Hân đang sống tại trạm bơm, dân đã nhiều lần phản ánh sự việc lên huyện và huyện đã mời ông Hân lên làm việc”
Bản thân ông Mai Quốc Hân khi được hỏi về sự việc trên cũng thừa nhận: “Gia đình tôi sống ở trạm bơm Xuân Phương từ năm 2006. Cách đây khoảng 1 tháng UBND huyện Từ Liêm đã gọi tôi lên làm việc về những đơn thư liên quan đến sự việc này”.
“Tôi sẽ đưa gia đình dọn về nhà cũ trong vài ngày tới”, ông Hân nói.
Cũng liên quan đến ông Mai Quốc Hân, nhiều người dân tại xã Xuân Phương cho biết, hai em trai của ông là ông Mai Quốc Hưng và ông Mai Quốc Hanh đã tự ý xây dựng, kinh doanh trên đất công, đất nông nghiệp trong khi ông Hân là cán bộ xã đã không xử lý một cách nghiêm minh, chặt chẽ.
-> Dân 'tố' cán bộ xã bao che người nhà tư lợi trên đất công
Trạm bơm xã Xuân Phương nơi gia đình ông Hân sinh sống nhiều năm nay
Trả lời những ý kiến trên, ông Mai Quốc Hân cho biết: “Có việc ông Hưng và ông Hanh cơi nới đất công và xã đã xử lí nhiều lần nhưng hai ông này vẫn tái phạm và hiện nay vẫn buôn bán trên đất công”. Thậm chí, theo ông Hân, “năm 2009 thanh tra xây dựng huyện đã xử lí sự việc này vì phần đất ông Hưng, ông Hanh đang sử dụng kinh doanh là đất nông nghiệp và đã 2 lần thanh tra huyện cho người xuống dỡ nhà xây dựng trái phép của ông Hưng và ông Hanh”.
Lãnh đạo xã thừa nhận có sai phạm đối với hai cá nhân là người nhà của ông, thậm chí cơ quan chức năng huyện đã ra tay xử lí nhiều lần nhưng điều khó hiểu là chính quyền cứ xử lí còn người sai phạm vẫn tiếp tục nhởn nhơ tư lợi trên đất công. Phải chăng tiếng nói của chính quyền đối với hai trường hợp sai phạm này là không có trọng lượng?
Không chỉ liên quan đến những phản ánh “tư lợi” của cán bộ xã, cũng tại xã Xuân Phương, nhiều hộ dân còn tố cáo sai phạm của chính quyền xã liên quan đến việc xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp dọc tuyến đường 32.
Thừa nhận những sai phạm như phản ánh của người dân, chủ tịch UBND xã Xuân Phương cho biết: “Tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp dọc tuyến đường 32 đã diễn ra từ nhiều năm nay và sự việc đang trong quá trình điều tra của thanh tra thành phố”.
“Xã đã ra quyết định cưỡng chế bắt tháo dỡ đối với 4 trường hợp xây dựng trái phép trên địa bàn xã và đang trong quá trình xác minh thêm các sai phạm khác để xử lí trong thời gian sắp tới”, chủ tịch UBND xã Xuân Phương nói.
Trước đó, trong phản ánh về trách nhiệm của bà Đỗ Hồng Nhung – phó chủ tịch UBND xã Xuân Phương trong công tác quản lý xây dựng trên địa bàn xã, một người dân tại xã Xuân Phương cho biết: “Từ khi bà Nhung lên nắm quyền đến nay có khoảng 7 – 8 nhà cao tầng được xây lên trên dọc tuyến đường 32”.
Bốn trường hợp bị cưỡng chế là con số rất nhỏ trong rất nhiều các trường hợp sai phạm theo phản ánh của người dân. Câu hỏi đặt ra là chính quyền xã không nắm bắt được việc nhiều hộ dân tự ý xây dựng trên đất nông nghiệp hay “sự việc đang được thanh tra xây dựng thành phố điều tra” nên xã đang phó mặc việc quản lý xây dựng cho thanh tra cấp trên?
P.V