Dư luận vẫn đang chấn động vì vụ thảm sát kinh hoàng diễn ra chiều 11/3 tại huyện Hóc Môn, TP.HCM: Nghi phạm Nguyễn Hoàng Nam (SN 1993) đã ra tay sát hại cùng lúc 4 người, trong đó có bà nội và bố mẹ đẻ của y. Điều đáng nói, cho đến trưa 12/3, Nam vẫn trong tình trạng "ngáo đá”, chưa tỉnh táo để cảnh sát tiến hành lấy lời khai.
Vụ án này và nhiều vụ án tương tự xảy ra trước đây có liên quan đến người sử dụng ma túy đá, ma túy tổng hợp khiến người dân ngày càng cảm thấy bất an khi vẫn phải chung sống với tệ nạn xã hội này.
Chỉ mới cách đây một tuần, ngày 5/3/2019, Võ Văn Giàu (21 tuổi) và Phạm Văn Son (23 tuổi; cùng ngụ xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) rủ nhau chơi ma túy đá trong một căn nhà hoang. Trong cơn ảo giác, Giàu lấy dao đâm Son khiến nạn nhân tử vong. Khi bị lực lượng công an khống chế, Giàu đã lấy dao đâm trúng mắt một thiếu úy cảnh sát gây thương tích nặng.
Trước đó, hôm 25/12/2018, Đỗ Thành Trung (24 tuổi, quê Bắc Giang) bị "ngáo đá", liên tục cầm dao lao ra đường chặn xe. Trung tá Trần Văn Dũng - Trưởng Công an xã Tiến Lợi, TP Phan Thiết - đến giải quyết vụ việc thì bị Trung đâm tử vong.
Và có lẽ một trong những vụ án liên quan đến đối tượng “ngáo đá” gây chấn động nhất thời gian gần đây chính là vụ ca sĩ Châu Việt Cường giết người bằng… tỏi cách đây 1 năm.
Theo đó, rạng sáng ngày 5/3/2018, nhóm ca sĩ gồm Châu Việt Cường, Nam Khang (tức Đoàn Quý Nguyên, quê Thừa Thiên - Huế) rủ một cô gái tên H. (20 tuổi ở Chương Mỹ, Hà Nội) và một cô gái có tên Phượng Anh đến căn phòng Phạm Đức Thế đang ở để sử dụng ma túy.
Sau đó, Châu Việt Cường bị ảo giác, nghĩ H. bị ma nhập nên ghì cổ, nhét 33 nhánh tỏi vào miệng cô gái khiến nạn nhân tắc thở, tử vong.
Ngoài ra là hàng trăm, hàng nghìn vụ việc đối tượng “ngáo đá” gây đảo lộn trật tự xã hội nhưng được khống chế kịp thời như cầm dao uy hiếp người thân, lao ra đường chặn đầu xe ô tô, trèo lên nóc nhà, cột điện nhảy múa…
Vậy làm thế nào để nhận diện đối tượng “ngáo đá” và bảo toàn tính mạng bản thân trước những đối tượng này?
Điều nguy hiểm nhất cho xã hội hiện nay là khó phát hiện người đang dùng ma túy tổng hợp nên tội phạm có thể ngay bên cạnh chúng ta, những người mà ta không hề có ý thức đề phòng.
Bởi vì, nếu như công tác phát hiện người nghiện heroin hoàn toàn dễ dàng thông qua các biện pháp kỹ thuật (thử nước tiểu) thì việc phát hiện người sử dụng ma túy tổng hợp khó khăn hơn nhiều.
Người có nghi vấn sử dụng ma túy tổng hợp không có biểu hiện rõ ràng từ đầu mà phải đợi 1-2 ngày đối tượng mới bộc lộ triệu chứng nghiện (ảo giác, kích động…). Do đó rất nhiều trường hợp đối tượng “ngáo đá” bất ngờ cầm hung khí xông vào giết người trong khi trước đó không có biểu hiện khác thường, khiến nhiều nạn nhân trở tay không kịp.
Theo Luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý (Đoàn Luật sư TP.HCM), một số loại ma túy tổng hợp, đặc biệt là methamphetamin (ma túy đá) đã xuất hiện ở nước ta nhưng chưa có hướng dẫn chẩn đoán nghiện. Quyết định số 5075/QĐ-BYT và Quyết định số 3556/QĐ-BYT đều đưa ra tiêu chuẩn xác định tình trạng nghiện là đủ cả hai điều kiện, gồm: lâm sàng và xét nghiệm, tuy nhiên những tiêu chuẩn này còn nặng về đo lường cảm tính.
Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Công an (đăng trên báo Người Lao Động), cả nước có 222.582 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó trên 67,5% người đang sinh sống ngoài xã hội; chỉ có 13,5% người trong cơ sở cai nghiện bắt buộc; 19% người đang trong trại tạm giam, tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.
Điều đó cho thấy, công tác quản lý, giám sát, điều trị đối với các đối tượng này của các ngành chức năng cũng như gia đình vẫn còn nhiều bất cập.
Riêng đối với người nghiện ma túy tổng hợp, con số còn nhức nhối hơn nhiều. Theo ước tính, tỉ lệ sử dụng ma túy tổng hợp chiếm khoảng 60%-70% trong số người nghiện.
Theo Viện Nghiên cứu Sức khỏe tâm thần, sau 3 năm sau sử dụng ma túy tổng hợp hầu hết các con nghiện bị chứng loạn thần, trong đó hoang tưởng chiếm tỉ lệ 68,2%; ảo giác: 72,7%; trầm cảm: 23,8%.
Và một hệ quả tất yếu là, chừng nào các quy định của pháp luật về tệ nạn ma túy còn chưa theo kịp cuộc sống, công tác tuyên truyền, quản lý, giáo dục của cơ quan chức năng cũng như gia đình còn bất cập thì môi trường sống vẫn tiềm ẩn nhiều mối hiểm nguy, những vụ án thương tâm sẽ còn diễn ra mà nguyên nhân đôi khi chỉ là cha mẹ không thể đề phòng chính đứa con ruột thịt máu mủ của mình.
H.Y (tổng hợp)