Báo Lao Động vừa có bài nêu ý kiến phản hồi của ACV đối với văn bản của UBND tỉnh Điện Biên.
Trước đó, trong văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện dự án đầu tư nâng cấp cảng Hàng không Điện Biên (CHK) theo quy hoạch, UBND tỉnh Điện Biên nhận định thời gian qua, bộ GTVT, tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), tổng công ty Quản lý bay Việt Nam có quan tâm đến hàng không Điện Biên, nhưng chưa thật sự đúng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước mà chỉ quan tâm đến các khu vực có thuận lợi cho nhóm lợi ích cụ thể.
Cụ thể, UBND tỉnh Điện Biên cho rằng do độc quyền khai thác tuyến Hà Nội - Điện Biên nên ACV và doanh nghiệp thường xuyên hủy chuyến (có tuần hủy ba ngày liên tiếp); giá vé chặng bay Hà Nội - Điện Biên trong một giờ bay lên đến 1.985.000 đồng/lượt/người, cao nhất trong khu vực và trong nước. Chính những điều này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân dân, đặc biệt là nhân dân ở tỉnh đặc biệt khó khăn, trọng yếu về quốc phòng, an ninh.
UBND tỉnh Điện Biên đề nghị cần kiểm tra hoạt động của ACV, nếu có lợi ích nhóm thì cần thay thế nhân sự để đảm bảo phục vụ và kinh doanh theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước và kiến nghị Chính phủ, bộ Giao thông vận tải sớm triển khai nâng cấp cảng Hàng không Điện Biên theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Trao đổi với báo Lao Động về văn bản này, đại diện ACV cho biết sân bay Điện Biên là cảng sân bay cấp 3C, hiện có 3 vị trí đậu, đảm bảo khai thác các loại tàu bay ATR72 và tương đương.
Nhà ga hành khách có diện tích 2.809,873m2, công suất thiết kế 300.000 hành khách/năm. Năm 2017, sân bay này phục vụ 70.486 hành khách và tính đến hết tháng 7/2018 đã phục vụ gần 34.000 hành khách.
Phản hồi về tình trạng huỷ chuyến, ACV cho rằng việc chậm/hủy chuyến trong quá trình khai thác của VASCO do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt do nguyên nhân thời tiết xấu – thiên tai, mưa bão.
Khi xảy ra trường hợp bất khả kháng do thời tiết xấu, sân bay không đủ điều kiện khai thác, CHK Điện Biên, VASCO bắt buộc ra quyết định đối với các chuyến bay chậm hoặc hủy chuyến. Ngoài ra, không có bất kỳ chuyến bay chậm/hủy chuyến nào xảy ra do lỗi khai thác của cảng hàng không Điện Biên.
Liên quan đến việc mở rộng sân bay này, ACV cho biết đã đề xuất xây dựng mới nhà ga hành khách, hệ thống sân đỗ, các công trình phụ trợ đồng bộ để đảm bảo công suất CHK Điện Biên đáp ứng 1 – 2 triệu hành khách/năm theo đúng quy hoạch được duyệt, giai đoạn thực hiện trước năm 2025.
Riêng việc đầu tư hạng mục công trình thuộc khu bay (xây dựng đường hạ cất cánh, đường lăn) sẽ triển khai theo chỉ đạo của bộ GTVT theo quy định.
Còn trong năm 2018, ACV tiếp tục triển khai đầu tư các trang thiết bị phục vụ bay, phục vụ hành khách, tiến hành bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng, đảm bảo nâng cao chất lượng khai thác và an ninh an toàn tuyệt đối cho sân bay.
Mở rộng thông tin, báo điện tử VOV cho biết, trong văn bản số 2335 gửi Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ với nội dung đề nghị Trung ương kiểm tra hoạt động của tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), UBND tỉnh Điện Biên cho rằng ACV có những dấu hiệu về nhóm lợi ích trong độc quyền khai thác phục vụ kinh tế của ngành.
Ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên ký văn bản nói trên cho biết, tình trạng giá vé cao và thường xuyên hủy chuyến nói trên gây ra tình trạng nhiều du khách từ Sài Gòn bay lên Điện Biên phải có từ 2 - 3 lần từ Sân bay Nội Bài về Hà Nội nghỉ qua đêm, sau đó chán nản không lên Điện Biên nữa.
Ông Mùa A Sơn nói: “ACV thì lâu nay chủ yếu quan tâm tập trung đầu tư vùng có lợi, do đó độc quyền nên giá vé rất cao, cũng cần phải xem xét. Mong muốn của tỉnh là khẩn trương thực hiện đầu tư nâng cấp sân bay, chứ nếu cứ đùn đẩy trách nhiệm cơ quan này sang cơ quan nọ thì Điện Biên sẽ rất khó khăn.
Nếu sân bay được nâng cấp, các loại máy bay to bay vào thì sẽ khai thác được tiềm năng thế mạnh của Điện Biên vì sẽ có chuyến bay dài, như vậy sẽ tăng cường hoạt động du lịch cho tỉnh sẽ rất tốt, thu hút đầu tư sẽ được tăng lên, chuyện hủy chuyến liên tục sẽ không có nữa. Mà nếu như quan điểm của ACV chỉ muốn đầu tư vào những vùng thuận lợi mà lại không quan tâm đầu tư vào khu vực biên giới khó khăn này thì rõ ràng quyền lợi của nhân dân tỉnh Điện Biên sẽ thiệt thòi rất lớn”.
Mặc dù ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch HĐQT ACV cho biết, các trường hợp bổ nhiệm cán bộ nêu trên hoàn toàn là quá trình xem xét triển khai, quyết định của tập thể ACV chứ không phải quyết định của cá nhân ông Hùng, tuy nhiên việc bổ nhiệm “bất thường” này vẫn bị thanh tra sau đó.
Ngày 19/7/2018, ông Lê Mạnh Hùng nghỉ hưu theo chế độ. Người thay thế ông Hùng ngồi ghế Tổng Giám đốc ACV là ông Vũ Thế Phiệt (sinh năm 1973), vừa được bổ nhiệm hôm 10/8.
H.Y (tổng hợp)