Huy động vốn rồi rút hồ sơ niêm yết
Theo đơn kiến nghị của ông Nguyễn Văn T. (trú tại Hà Nội), năm 2015 ông mua 70.000 cổ phiếu của công ty Cổ phần may Tiên Sơn Thanh Hóa (Cty Tiên Sơn - mã chứng khoán: TSH) - một công ty may xuất khẩu lớn ở xứ Thanh.
Tuy nhiên đã gần 2 năm, ông T. chưa một lần được Cty Tiên Sơn mời họp đại hội cổ đông và cũng chưa nhận được bất kỳ một khoản cổ tức nào do Cty Tiên Sơn chi trả.
Theo hồ sơ, Cty Tiên Sơn đã trở thành công ty đại chúng theo công văn số 5947/UBCK-TT của vụ Quản lý phát hành, UBCKNN vào năm 2014 và hiện tại vẫn nằm trong danh sách công ty đại chúng của UBCKNN.
Cty Tiên Sơn có vốn điều lệ 348 tỷ đồng, theo quy định tại khoản 2, Điều 2, Thông tư 155/2015/TT-BTC ngày 06/10/2015 của bộ Tài chính (có hiệu lực từ ngày 01/01/2016) thì đây là một công ty đại chúng quy mô lớn.
Ngày 15/07/2015, Cty Tiên Sơn đăng thông báo về việc chốt danh sách cổ đông để chuẩn bị nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lên sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Thời điểm chốt danh sách là 16h ngày 28/07/2015.
Ngày 21/08/2015, HNX có công bố thông tin về việc nhận được bộ hồ sơ đăng ký niêm yết chứng khoán của TSH.
Tuy nhiên, ngày 07/03/2016, Cty Tiên Sơn có công văn số 18/TSH gửi HNX về việc tạm rút hồ sơ niêm yết để hoàn thiện báo cáo tài chính và kiểm toán.
Ngày 9/3/2016, HNX đã ra Thông báo số: 109/TB-TĐNY về việc rút hồ sơ đăng ký niêm yết chứng khoán tại sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đối với Cty Tiên Sơn.
Cũng theo ông T, từ khi rút hồ sơ niêm yết trên HNX, Cty Tiên Sơn không có bất cứ một động thái nào thông báo đến các cổ đông về việc đại hội cổ đông và phương án xử lý số cổ phần mà công ty này đã bán ra. Ông T. cùng các cổ đông khác đã nhiều lần liên lạc với Chủ tịch HĐQT Cty Tiên Sơn là ông Trịnh Xuân Lâm, nhưng chỉ nhận được các câu trả lời lần khất, hứa hẹn rất chung chung của vị lãnh đạo này.
Lỗi là do công ty tư vấn (!)
Ông T. cho biết, ngày 21/8 vừa qua, ông đã đến trụ sở Cty Tiên Sơn để làm việc về các vấn đề liên quan đến số cổ phần thì được một người giới thiệu là Thuyết, Phó tổng Giám đốc cho biết:
“Năm 2014, công ty Tiên Sơn cùng với công ty tư vấn môi giới mong muốn đưa Tiên Sơn lên sàn để huy động vốn trong thời điểm TPP đang chuẩn bị thực hiện. Tiên Sơn không trực tiếp bán cổ phiếu cho bất kỳ một người nào mà bán thông qua kênh môi giới, giá bán bao nhiêu công ty không nắm được. Vừa rồi công ty mới nhận được biên bản về việc vi phạm không báo cáo định kỳ của Ủy ban Chứng khoán Quốc gia. Lúc đó Tiên Sơn mới biết là công ty vi phạm, trong khi công ty chứng khoán cũng không hề tư vấn cho Tiên Sơn phải làm như thế nào, như đại hội cổ đông hằng năm, phải thông báo hoặc phải công khai thông tin. Hiện nay công ty Tiên Sơn vẫn đề nghị công ty môi giới hoàn tất thủ tục, chậm nhất là hết năm nay sẽ đưa Tiên Sơn lên sàn chứng khoán còn nếu không thì phải rút”.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Chủ tịch HĐQT Cty Tiên Sơn - ông Trịnh Xuân Lâm cho biết, tổng số tiền huy động khi bán cổ phần được khoảng hơn 8 tỷ đồng. Ông cũng thừa nhận TSH chưa tổ chức đại hội cổ đông cũng như chi trả cổ tức lần nào.
Lý do được ông Lâm đưa ra là mấy năm qua công ty gặp khó khăn. Để giải quyết, ông Lâm đưa ra ba phương án: Thứ nhất là nhà đầu tư tự thỏa thuận tìm người chuyển nhượng, công ty sẽ hỗ trợ tối đa về mặt thủ tục; Thứ hai là công ty có thể giới thiệu nhà đầu tư khác để mua và chuyển nhượng lại cổ phiếu; Thứ ba là công ty có thể thỏa thuận với cổ đông để mua lại cổ phiếu đó theo lộ trình.
Đồng thời ông Lâm cũng khẳng định với PV rằng TSH đang làm việc với đơn vị tư vấn, yêu cầu họ hoàn thiện hồ sơ để chậm nhất cuối năm nay phải đưa TSH lên sàn, nếu không buộc phải thanh lý hợp đồng tư vấn.
Tuy nhiên, khi PV hỏi danh tính đơn vị tư vấn thì ông Lâm nói không nắm được việc này vì đã giao cấp dưới làm. (!)
Theo quy định của pháp luật, tại khoản 2, Điều 7, Thông tư 180/2015/TT-BTC hướng dẫn đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết do Bộ trưởng bộ Tài chính ban hành: “Trong vòng một (01) năm kể từ ngày Thông tư có hiệu lực, công ty đã là công ty đại chúng và công ty đại chúng đã hủy niêm yết trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực phải hoàn tất thủ tục đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom”.
Điều đáng nói, công ty TSH đã trở thành công ty đại chúng quy mô lớn từ 2014, tuy nhiên đến nay vẫn chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán, chưa niêm yết, chưa trả cổ tức, khiến nhiều nhà đầu tư cho rằng công ty có dấu hiệu chiếm dụng vốn của cổ đông để sử dụng vào mục đích khác.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thế Truyền – Giám đốc công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, hiện nay có hiện tượng nhiều công ty đại chúng hàng năm sẵn sàng bỏ tiền chịu phạt để trì hoãn việc lên sàn, vì nhiều lý do khác nhau.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc trên.