Chuyến tàu đầu tiên chở ngũ cốc của Ukraine rời cảng Odessa
Theo thông báo từ Ukraine, tàu Razoni chở 26.000 tấn ngô, rời cảng Odessa lúc 6h15 giờ GMT (13h15 - giờ Hà Nội) hôm 1/8. Đây là chuyến ngũ cốc đầu tiên rời Odessa từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2. Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, các tàu hộ tống khác cũng sẽ đi theo hành lang hàng hải đã được vạch sẵn trước đó vì các thủ tục liên quan đã được hoàn tất.
Động thái diễn ra sau khi Nga và Ukraine ký thỏa thuận ngũ cốc do Liên Hợp Quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tại Istanbul ngày 22/7. Thỏa thuận được kỳ vọng nhằm xoa dịu khủng hoảng lương thực và giảm giá ngũ cốc toàn cầu. Theo thỏa thuận, nhóm nhân viên Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và LHQ giám sát hoạt động chất ngũ cốc lên tàu tại cảng của Ukraine, trước khi chúng đi qua tuyến đường được vạch sẵn trên Biển Đen.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine, Oleksandr Kubrakov, nhấn mạnh rằng Ukraine đã làm “mọi thứ” để khôi phục các cảng và việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa sẽ mang lại cho nền kinh tế Ukraine 1 tỷ USD doanh thu ngoại hối.
Về phía Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã hoan nghênh tin tức về chuyến tàu đầu tiên chở ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine rời cảng Odessa trong khuôn khổ thỏa thuận do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian. "Chuyến tàu ngũ cốc đầu tiên khởi hành là diễn biến rất tích cực. Đây là một cơ hội tốt để kiểm tra tính hiệu quả của cơ chế được nhất trí tại Istanbul".
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã “nhiệt nhiệt hoan nghênh” chuyến tàu xuất khẩu ngũ cốc đầu tiên của Ukraine theo thỏa thuận dỡ bỏ phong tỏa cảng biển với Nga. Ông Antonio Guterres hy vọng rằng sẽ tiếp tục có thêm nhiều chuyến tàu thương mại di chuyển theo thỏa thuận trên, đồng thời nhấn mạnh rằng "điều này sẽ giúp tái ổn định và mang lại sự cứu trợ cấp thiết cho an ninh lương thực toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình nhân đạo đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết".
Cả Nga và Ukraine đều là những nước xuất khẩu nông sản lớn của thế giới, nhưng cuộc xung đột giữa hai bên khiến mùa màng tổn thất, cảng biển bị phong tỏa đã làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động xuất khẩu lúa mì của Ukraine.
Mỹ tỏ ý sẵn sàng hợp tác với Nga, Moscow hoài nghi
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 1/8 tuyên bố Washington đã sẵn sàng đàm phán một "khuôn khổ mới để kiểm soát vũ khí” với Nga nhằm thay thế cho Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (New START).
Trong một tuyên bố được đưa ra trước thềm Hội nghị rà soát Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) lần thứ 10, ông Biden cho biết: “Hôm nay, chính quyền của tôi đã sẵn sàng nhanh chóng đàm phán một khuôn khổ mới kiểm soát vũ khí để thay thế New START khi hiệp ước này sẽ hết hạn vào năm 2026. Song cuộc đàm phán đòi hỏi một đối tác sẵn sàng hoạt động có thiện chí”.
Dù vậy, trong tuyên bố trên, Tổng thống Biden cũng đưa ra lời chỉ trích đối với Nga, nói rằng chính Moscow “đã phá hủy hòa bình ở châu Âu” bằng chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, tấn công vào "các nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế”. “Trong bối cảnh này, Nga nên chứng tỏ rằng họ sẵn sàng nối lại việc kiểm soát vũ khí hạt nhân với Mỹ”, ông Biden nhấn mạnh.
Phản hồi về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã lên tiếng bác bỏ lời kêu gọi đàm phán hạt nhân tới từ Tổng thống Mỹ Joe Biden. “Tất nhiên, tất cả những điều này đều tốt. Nhưng để tôi nhắc lại một lần nữa, tình hình hiện nay tồi tệ hơn nhiều so với thời Chiến tranh Lạnh. Nó tệ hơn rất nhiều và lỗi không phải ở chúng tôi. Cái chính là chúng tôi có thật sự cần cái hiệp ước này hay không. Thế giới hiện đã khác rồi”, ông Medvedev nói với hãng tin Reuters đêm 1/8.
Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đưa ra bình luận trong một bức thư gửi những người tham gia hội nghị rà soát NPT, nói rằng không có ai thắng lợi trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và không bao giờ một cuộc chiến tranh như vậy được phép bắt đầu.
Trong một diễn biến khác, phát biểu trước báo giới sau các cuộc đàm phán tại LHQ ở New York về vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân hôm 1/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho hay, những hành động của Nga xung quanh nhà máy điện hạt nhân lớn nhất của Ukraine Zaporizhzhia là "đỉnh cao của sự vô trách nhiệm", đồng thời cáo buộc Moscow sử dụng nhà máy này làm "lá chắn hạt nhân" cho các cuộc tấn công vào lực lượng của Ukraine. "Washington quan ngại sâu sắc rằng Moscow đang sử dụng nhà máy Zaporizhzhia như một căn cứ quân sự và nhắm bắn vào các lực lượng Ukraine từ các địa điểm xung quanh nó. Tất nhiên, người Ukraine không thể bắn trả vì sợ sẽ xảy ra một tai nạn khủng khiếp liên quan đến nhà máy hạt nhân", ông Blinken nói.
Ngược lại, phái bộ Nga tại LHQ đã thẳng thừng bác bỏ những cáo buộc của ông Blinken. Các đại diện của Moscow nhấn mạnh: "Chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố rằng, các hành động của lực lượng vũ trang Nga không làm suy yếu an ninh hạt nhân của Ukraine hoặc cản trở hoạt động bình thường của nhà máy điện hạt nhân". Phái bộ Nga giải thích, mục đích duy nhất của việc quân Nga tiếp quản Zaporizhzhia là nhằm "ngăn chặn các lực lượng dân tộc chủ nghĩa Ukraine và lính đánh thuê nước ngoài lợi dụng tình hình hiện tại ở Ukraine để thực hiện một vụ khiêu khích hạt nhân với những hậu quả khó lường nhất".
Tuy nhiên, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tin, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), cơ quan chuyên trách giám sát hạt nhân của LHQ, cần được phép tiếp cận nhà máy. "Mặc dù chiến sự vẫn tiếp diễn ác liệt nhưng không hành động gì là vô lương tâm. Nếu một tai nạn xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine, chúng ta sẽ không thể đổ lỗi cho thảm họa thiên nhiên nào. Chúng ta sẽ chỉ có thể tự chất vấn chính mình", Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi nói.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Mykola Tochytskyi ngày 1/8 cho rằng “cần có những hành động chung mạnh mẽ để ngăn chặn thảm họa hạt nhân” và kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng cửa bầu trời trên các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine bằng hệ thống phòng không. Trước đó, hồi tháng 3/2022, giới chức Kiev từng cáo buộc quân Nga nã đạn pháo nguy hiểm gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của nước này, khi các lực lượng Moscow giành quyền kiểm soát cơ sở ngay trong tuần đầu tiên của chiến sự bùng phát ngày 24/2.
Trong khi đó, Phát biểu tại Hội nghị rà soát Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân ngày 1/8, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, cảnh báo căng thẳng địa chính trị gia tăng trên khắp thế giới đã làm cho nhân loại có nguy cơ bị xóa sổ bởi vũ khí hạt nhân. Ông Guterres kêu gọi các quốc gia trên thế giới “đưa nhân loại đi trên một con đường mới hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.
Mỹ tiếp tục chuyển vũ khí “xịn” cho Ukraine
Lầu Năm Góc ngày 1/8 thông báo, chính quyền Tổng thống Biden sẽ cung cấp cho Ukraine gói viện trợ an ninh mới trị giá lên tới 550 triệu USD, bao gồm đạn dược bổ sung cho HIMARS và các hệ thống pháo cỡ nòng 155mm. Thông báo của cơ quan trên nêu rõ: "Nhằm đáp ứng những yêu cầu đang ngày càng thay đổi trên chiến trường, Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp với các đồng minh và đối tác nhằm cung cấp cho Ukraine những năng lực chủ chốt". Với gói hỗ trợ này, Mỹ nâng tổng số tiền hỗ trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine lên hơn 8 tỷ USD kể từ khi Moscow phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt".
"Mỹ tiếp tục sát cánh với các đồng minh và đối tác từ hơn 50 quốc gia trong việc hỗ trợ an ninh quan trọng để Ukraine bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói. "Cam kết của chúng tôi với người dân Ukraine sẽ không dao động". Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã lên tiếng cảm ơn người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã "hỗ trợ mạnh mẽ" Kiev.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine OleksiiReznikov xác nhận, Kiev đã nhận lô hàng gồm 4 hệ thống rocket pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Mỹ chế tạo. Trên trang Twitter, ông Reznikov viết: “Thêm 4 hệ thống M142 HIMARS nữa đã tới Ukraine. Tôi rất biết ơn Tổng thống Mỹ Joe Biden, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và người dân Mỹ vì đã tăng cường sức mạnh cho quân đội Ukraine. Chúng tôi đã chứng tỏ bản thân là những người sử dụng loại khí tài này một cách thông minh”. HIMARS có tầm bắn xa hơn và chính xác hơn so với pháo phản lực phóng loạt của Ukraine từ thời Liên Xô trước đây, qua đó cho phép các lực lượng nước này tấn công những mục tiêu chưa từng tiếp cận được.
Cũng trong ngày 1/8, Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu gửi cho nước này 1 tỷ Euro hỗ trợ ngân sách và tháo gỡ những khó khăn về tài chính trong bối cảnh xung đột tiếp diễn. Chia sẻ trên Telegram, ông Shmygal cho biết, 1 tỷ Euro kể trên là một phần trong gói hỗ trợ có tổng giá trị là 9 tỷ Euro dành cho Ukraine. Theo đó, phần đầu tiên trị giá 500 triệu Euro đã được chuyển tới Ngân hàng Trung ương Ukraine và phần còn lại cũng sẽ được gửi tới ngân hàng này trong ngày 2/8. Khoản hỗ trợ này sẽ được sử dụng cho các ưu tiên ngân sách.
Nga mở rộng danh sách trừng phạt đối với công dân Anh
Ngày 1/8, Bộ Ngoại giao Nga đã đưa thêm cựu Thủ tướng Anh David Cameron cùng 38 chính trị gia, doanh nhân và nhà báo Anh vào danh sách trừng phạt, với hình thức cấm nhập cảnh vào Liên bang Nga.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, quyết định áp đặt trừng phạt được đưa ra nhằm đáp trả việc Chính phủ Anh tiếp tục sử dụng cơ chế trừng phạt đối với đại diện các giới chính trị xã hội của Nga, các nhà điều hành kinh tế trong nước và giới truyền thông Nga. Bộ Ngoại giao Nga cho biết thêm, các công dân Anh bị đưa vào danh sách đen lần này vì có những hành động "đóng góp vào đường lối thù địch của London" nhằm làm xấu hình ảnh nước Nga cũng như cô lập Moscow trên trường quốc tế.
Trước đó, Nga cũng đã trừng phạt hàng trăm công dân Anh, gồm các nghị sĩ quốc hội, quan chức Chính phủ, nhà báo, vì ủng hộ Ukraine và có các hành động bị coi là "không thân thiện" với Moscow.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ ngày 24/2, Anh là một trong những nước áp đặt nhiều lệnh trừng phạt nhất đối với Nga. Hiện, Anh đã áp đặt trừng phạt hơn 1.100 cá nhân, trong đó có cả Tổng thống Vladimir Putin và hơn 100 pháp nhân tại Nga
Cũng trong ngày 1/8, các nghị sĩ Hạ viện Nga đã đệ trình dự luật cấm công dân các nước thuộc danh sách "không thân thiện" nhận nuôi trẻ em có quốc tịch Nga. Dự luật cần được lưỡng viện Quốc hội Nga thông qua trước khi Tổng thống Putin ký thành luật. Từ 2012, Moscow đã cấm công dân Mỹ nhận nuôi trẻ em Nga. Thời điểm đó, một số ý kiến chỉ trích quyết định của Moscow khiến nhiều trẻ mồ côi Nga mất đi cơ hội được nhận nuôi, trở thành nạn nhân xung đột chính trị giữa hai Chính phủ.
Hiện, 51 quốc gia nằm trong danh sách các nước không thân thiện của Nga, gồm toàn bộ 27 thành viên Liên minh châu Âu, Mỹ, Canada, Anh, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, New Zealand và nhiều nước khác.
TÚ ANH (T/h)