Ngày 18/10, Bộ Ngoại giao Đức công bố tuyên bố chung sau Hội nghị Đức-Bỉ lần thứ 6 cho hay, trong bối cảnh Đức có kế hoạch giảm phụ thuộc năng lượng vào Nga, Bỉ đã trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai cho Đức.
Tuyên bố chung nêu: “Đức và Bỉ đã từ lâu duy trì mối quan hệ chặt chẽ trong lĩnh vực chính sách năng lượng và là đối tác tại các diễn đàn khu vực như Diễn đàn Năng lượng 5 bên gồm Đức, Bỉ, Áo, Pháp, Luxembourg, Hà Lan, Thụy Sỹ để phối hợp cung cấp năng lượng ở Tây Âu. Các trung tâm năng lượng của chúng ta được kết nối với nhau bằng đường ống và đường dây diện. Trong quá trình đa dạng hóa khỏi khí đốt của Nga; Bỉ, với các kho chứa LNG lớn tại Zeebrugge, đã trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai cho Đức”.
Tuyên bố cũng nhấn mạnh, liên quan công suất điện gió lắp đặt ngoài khơi, Bỉ đứng thứ 6 trên thế giới và Đức đứng thứ 3. Ngoài ra, như đã nêu rõ trong tài liệu, cả hai quốc gia đang phối hợp với Đan Mạch và Hà Lan trong một dự án xuyên quốc gia nhằm sử dụng tiềm năng năng lượng của biển Bắc và Baltic.
Tuyên bố chung hai nước khẳng định, việc mở rộng sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo là trụ cột quan trọng nhất của chủ quyền châu Âu và hỗ trợ nền kinh tế của lục địa này trong dài hạn.
Trong một diễn biến liên quan, trước đó, tập đoàn điều hành hệ thống vận chuyển khí đốt của Pháp - GRTgaz - sáng 13/10 cho biết, đã chính thức cung cấp khí đốt trực tiếp cho Đức.
Theo thông báo từ phía Pháp, việc cung cấp khí đốt trực tiếp cho Đức bắt đầu lúc 6h sáng 13/10 theo giờ địa phương. Khí đốt được vận chuyển từ thành phố Obergailbach thuộc tỉnh Moselle của Pháp nằm sát biên giới Pháp - Đức đến điểm kết nối vào hệ thống khí đốt của Đức. Công suất vận chuyển là 31 Ggwh mỗi ngày và có thể tăng lên tối đa 100 Ggwh mỗi ngày nếu cần thiết.
Việc Pháp cung cấp khí đốt cho Đức được thực hiện trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu chưa có dấu hiệu suy giảm khi các nước châu Âu không chỉ phải lo lắng về việc thiếu hụt nguồn cung khí đốt sưởi ấm cho mùa Đông mà còn đang chật vật ứng phó với việc giá năng lượng tăng cao gấp nhiều lần so với trước kia. Trong các nước châu Âu, Pháp đã sớm hoàn tất việc trữ đầy 100% kho dự trữ khí đốt và được cho là có nhiều lợi thế hơn Đức trong nguồn cung năng lượng nhờ số lượng nhà máy điện hạt nhân đông đảo.
Trong khi đó, mặc dù cũng đã đạt mức dự trữ khí đốt là 95%, sớm hơn thời hạn đặt ra 3 tuần, nhưng Đức vẫn đang gấp rút tìm kiếm các nguồn cung bổ sung bởi theo các chuyên gia năng lượng Đức, kể cả khi kho dự trữ khí đốt của Đức đạt mức 100%, nước này cũng chỉ có thể trụ được khoảng 75 ngày nếu như Nga cắt đứt toàn bộ nguồn cung khí đốt ít ỏi hiện nay cho châu Âu thông qua đường ống ở Ukraine hay Thổ Nhĩ Kỳ.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, VOV)