Bản án với Phan Quốc Việt tính thế nào?
Trong vụ án Việt Án, Phan Quốc Việt - Tổng Giám đốc Công ty Việt Á là một trong số ít bị cáo được đưa ra xét xử ở cả toà quân sự và toà án Nhân dân, đồng thời cũng là người chịu tổng mức án cao nhất.
Cụ thể, theo bản án của TAND Tp.Hà Nội tuyên chiều 12/1, Phan Quốc Việt phải chịu 15 năm tù về tội "Đưa hối lộ"; 14 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hình phạt là 29 năm tù.
Trước đó, ngày 27/12/2023, Việt bị Tòa án Quân sự Thủ đô tuyên 15 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng mức án 25 năm tù.
Vậy trường hợp này, bản án cho bị cáo sẽ được tính thế nào?
Giải đáp vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Công Tín - Công ty Luật AMI, Đoàn Luật sư Tp. Đà Nẵng cho hay, nếu theo phép cộng thông thường, tổng hình phạt tù đối với Phan Quốc Việt là 54 năm.
Tuy nhiên, theo Điều 55, 56 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) thì các bản án của Phan Quốc Việt phải được tổng hợp thành hình phạt chung là tù có thời hạn và không vượt quá 30 năm.
“Đây là một trong những chế định thể hiện tính nhân đạo của pháp luật Việt Nam, coi trọng mục đích giáo dục, phòng ngừa chung hơn là trừng trị”, vị luật sư đánh giá.
Thông thường, cơ quan thi hành án trong quân đội (cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu) sẽ tổ chức thi hành các bản án hình sự do tòa án quân sự tuyên.
Tuy nhiên, trong trường hợp người phải thi hành án vừa bị kết án bởi tòa án nhân dân, vừa bị kết án bởi tòa án quân sự thì việc tổ chức thi hành án thuộc thẩm quyền của ngành công an hay quân đội, hiện nay pháp luật về thi hành án hình sự chưa có quy định rõ ràng.
Trong bối cảnh chưa có pháp luật điều chỉnh, các cơ quan thi hành án hình sự thuộc ngành công an và quân đội cần phối hợp với nhau để tổ chức thi hành án, bảo đảm người bị kết án được thi hành bản án theo đúng thời hạn và được hưởng các chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế và các chế độ khác theo đúng Luật Thi hành án hình sự năm 2019.
Miễn trách nhiệm hình sự thì còn án tích không?
Trong vụ án, người duy nhất được HĐXX tuyên miễn trách nhiệm hình sự là Nguyễn Thành Danh - cựu Giám đốc CDC Bình Dương. Trước đó ông Danh bị tạm giam 10 tháng, 4 ngày về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Về trường hợp này, Luật sư Tín cũng cho biết, có thể hiểu miễn trách nhiệm hình sự là không buộc người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội mà họ đã phạm phải.
Theo Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) thì người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau: Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; hoặc khi có quyết định đại xá.
Cũng theo điều này, người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu có một trong các căn cứ như: Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội.
Hay, trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận;
Ngoài ra, người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.
Trong đại án Việt Á, ông Nguyễn Thành Danh đã không vụ lợi cá nhân, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, có cống hiến đặc biệt được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tòa án tuyên miễn trách nhiệm hình sự đối với bị cáo là có căn cứ và phù hợp với Điều 29 Bộ luật Hình sự.
Về án tích, Điều 69 Bộ luật Hình sự quy định người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích. Do đó, trường hợp của ông Nguyễn Thành Danh không bị coi là có án tích, mặc dù trước đó đã bị tạm giam.