Bị uốn ván, cứng hàm chỉ vì dằm đâm

Bị uốn ván, cứng hàm chỉ vì dằm đâm

Nguyễn Thị Huệ

Nguyễn Thị Huệ

Thứ 2, 06/08/2018 17:05

Sau khi bị dằm đâm, ông M. chỉ tự lấy dằm ra khỏi tay và uống kháng sinh tại nhà. Tuy nhiên, vài ngày sau, nam bệnh nhân bị chẩn đoán uốn ván toàn thể giai đoạn khởi phát.

Cách đây không lâu, ông B.V.M (52 tuổi, ở Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội) bị dằm cây tre mục đâm vào lòng bàn tay. Vì đây chỉ là vết thương nhỏ nên ông M. chủ quan. Mặc dù đã lấy dằm ra khỏi tay, vết bị đâm sau đó sưng nề gây đau nhức.

Thấy chồng kêu đau, vợ ông M. mua thuốc kháng sinh. Ông M. uống thấy đỡ nên không đi thăm khám gì thêm. Tuy nhiên, 2 ngày trước khi vào viện, ông M. có các triệu chứng cứng hàm, cứng gáy, khó há miệng, nuốt khó. Ngay sau đó ông được gia đình đưa đi khám tại trung tâm Y tế và được chẩn đoán theo dõi viêm khớp thái dương hàm sau đó chuyển bệnh viện Đa khoa Đức Giang để tiếp tục theo dõi và điều trị.

“Từ trước tới nay tôi khỏe mạnh, chưa có tiền sử tiêm phòng vắc-xin uốn ván”, ông M. nói.

Sức khỏe - Bị uốn ván, cứng hàm chỉ vì dằm đâm

Vết thương nhỏ nhưng do chủ quan, bệnh nhân vị uốn ván toàn thể

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định điều trị cho bệnh nhân theo phác đồ điều trị bệnh uốn ván. Đó là, đảm bảo yên tĩnh và tránh các kích thích cho người bệnh. Dùng kháng sinh tiêu diệt trực khuẩn uốn ván, khống chế co cứng cơ, co giật, và các rối loạn thần kinh thực vật. Duy trì chức năng sống bằng các điều trị hỗ trợ (hô hấp, tuần hoàn, loét, stress, dinh dưỡng…).Theo các bác sĩ bệnh viện Đa khoa Đức Giang, khi vào viện bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, nói khó, vết thương bàn tay phải kích thước 1cm x 1cm, đau sưng nề, chảy mủ, hàm há 2cm. Dấu hiệu đè lưỡi tăng, tăng trương lực cơ nhẹ cổ, lưng, bụng, chưa có cơn giật. Không có dấu hiệu nhiễm trùng, không có dấu hiệu màng não, không suy hô hấp. Bệnh nhân được chẩn đoán uốn ván toàn thể giai đoạn khởi phát.

Trước đó, bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn cũng tiếp nhận trường hợp bé Phún Văn L. (6 ngày tuổi, người dân tộc Dao ở huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn) được chuyển đến từ trung tâm Y tế huyện Đình Lập do bị nhiễm trùng uốn ván rốn. Bệnh này mới xuất hiện trở lại tại bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn sau gần 20 năm.

Bé nhập viện trong tình trạng sốt, co giật toàn thân, môi tím, cứng hàm. Mẹ của bé trong các lần mang thai không tiêm phòng uốn ván và đều tự sinh tại nhà, không đến cơ sở y tế. Lần này, sau khi sinh bé L. người nhà tự cắt cuống rốn bằng kéo chưa được vô khuẩn. Bé được chẩn đoán nhiễm trùng uốn ván rốn. Tại đây các y bác sĩ đã tích cực điều trị nhưng do nhiễm trùng nặng, thể trạng bé yếu nên đã không qua khỏi.

Trao đổi với PV, BS. Lê Xuân Sơn – Trưởng khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho hay, bệnh uốn ván là bệnh hiếm gặp, bệnh khó và nặng. Việt Nam nằm trong vùng có tỷ lệ mắc cao. Thời gian điều trị thường kéo dài, diễn biến bệnh phức tạp nên tiên lượng tử vong cao.

Cũng theo BS. Xuân Sơn, giai đoạn đầu của bệnh uốn ván dễ nhầm với các bệnh lý về hàm mặt mà đưa nhầm vào các khoa như chấn thương chỉnh hình, khoa hàm mặt. Trường hợp bệnh nhân M. ban đầu được khám tại phòng khám răng hàm mặt trước khi vào khoa truyền nhiễm.

“Khi khám bệnh và hỏi bệnh, các bác sĩ cần khai thác kỹ các tiền sử chấn thương trong 2 tháng trước đó cũng như khám kỹ các vết thương trên người bệnh nhân để tìm đường vào. Bệnh uốn ván tuy hiếm và nặng nhưng có thể phòng tránh được bằng việc xử trí vết thương đúng cách, tiêm phòng vắc-xin và huyết thanh kháng độc tố uốn ván”, BS. Lê Xuân Sơn nói.

Uốn ván sơ sinh (dân gian gọi là sài uốn ván) là một bệnh nguy hiểm, gây tử vong cao. Bệnh do trực khuẩn uốn ván gây ra. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do dụng cụ cắt cuống rốn không đảm bảo vô khuẩn, nhất là những trẻ được đỡ đẻ tại nhà, làm cho vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể. Một số trường hợp, việc chăm sóc cuống rốn cho trẻ sau khi sinh không đảm bảo vệ sinh, dẫn tới bị bệnh.

Giai đoạn đầu của bệnh, trẻ khóc nhiều, sau đó xuất hiện dấu hiệu chum môi, không bú được, co giật. Với bất cứ kích thích nhẹ nào, như âm thanh, ánh sáng đều lên cơn co giật, cơn co giật mạnh liên tục sẽ kèm theo những cơn ngừng thở, có thể đe dọa đến tính mạng trẻ. Tỷ lệ trẻ tử vong do uốn ván sơ sinh khá cao (34-50%). Một số trường hợp mặc dù được điều trị qua khỏi nhưng để lại những di chứng nặng nề như động kinh, kém phát triển tinh thần, trí tuệ, vận động…

Nguyễn Huệ

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.