Bị Vingroup thâu tóm, Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng lại đổi chủ

Bị Vingroup thâu tóm, Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng lại đổi chủ

Nguyễn Hoàng Yến

Nguyễn Hoàng Yến

Chủ nhật, 11/03/2018 09:02

Thị trường M&A Việt Nam vừa chứng kiến một thương vụ thâu tóm chóng vánh giữa công ty con của tập đoàn Vingroup đối với doanh nghiệp từng được coi là “ông lớn” thủy sản khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, từ tay một ông lớn thủy sản khác.

Lộ diện cổ đông lớn thâu tóm 60% Việt Thắng

Công ty Cổ phần Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (OTC: VTF) đã thông qua việc chuyển nhượng thêm 37,6 triệu cổ phần cho công ty TNHH Đầu tư Sản xuất Phát triển Nông nghiệp VinEco tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 vừa diễn ra vào ngày 9/3/2018.

Trước đó có thông tin một tập đoàn tư nhân lớn trong nước đã mua lại thành công 25 triệu cổ phần VTF vào ngày 1/3/2018, tương đương với 24% vốn điều lệ. Đến nay, tập đoàn đó đã được xác định chính là VinEco.

Bị Vingroup thâu tóm, Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng lại đổi chủ

Vingroup vừa thâu tóm xong công ty CP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng

Với việc nhận thêm tối đa hơn 37,6 triệu cổ phần VTF (tương đương với 36%), VinEco sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại VTF lên 60% và trở thành cổ đông lớn nhất của VTF. Đáng chú ý, giao dịch chuyển nhượng thêm cổ phần tại VTF không cần phải chào bán công khai.

VinEco là đơn vị trực thuộc Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC). Tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ sở hữu của Vingroup tại VinEco là 95,8%.

Theo báo cáo kinh doanh 2017 của VTF, doanh thu thuần cả năm đạt 3.429 tỷ đồng, giảm 11% so với năm 2016 và mới thực hiện được gần 52% kế hoạch cả năm. Công ty ghi nhận lỗ 375 tỷ đồng trong năm 2017. Chốt sổ năm 2017, VTF lỗ luỹ kế 292 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2017, số nợ phải trả của VTF là 2.456 tỷ đồng, chiếm gần 77% tổng tài sản và cao gấp 3 lần vốn chủ sở hữu (839 tỷ đồng).

Mặc dù lỗ lớn trong năm 2017 nhưng VTF tự tin đặt kế hoạch năm 2018 với doanh thu thuần tăng gần gấp đôi lên 6.303 tỷ đồng, còn lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt là 479 tỷ đồng và 383 tỷ đồng.

Từng bị “vua cá tra” Hùng Vương làm cho khốn đốn

VTF được thành lập ngày 21/11/2002, địa chỉ tại Lô II-1,2,3 Khu C mở rộng - KCN Sa Đéc - X.Tân Khánh Đông - TX.Sa Đéc - T.Đồng Tháp, vốn điều lệ 8,1 tỷ đồng. Lĩnh vực kinh doanh chính là: Sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản, kinh doanh thức ăn và nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi thủy sản.

Đã có thời, VTF phất lên như diều gặp gió, chiếm lĩnh thị trường thức ăn chăn nuôi thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long, là một trong số ít doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động kinh doanh cao nhất thị trường chứng khoán lúc bấy giờ. Điều này khiến VTF lọt vào "mắt xanh" của nhiều đại gia cùng ngành, trong đó có đại gia thủy sản Hùng Vương (HVG), một "ông lớn" thủy sản đang lên với hàng loạt thương vụ M&A với các DN cùng ngành khác.

Khoảng cuối năm 2012, thương vụ Hùng Vương thâu tóm Việt Thắng diễn ra khá chóng vánh. Không phải chào mua công khai, Hùng Vương chỉ mất chừng 1 tháng để hoàn tất việc tăng tỉ lệ sở hữu từ 28,54% lên 55,31%.

Đến tháng 7/2014, HVG xem như đã nắm quyền chi phối VTF sau khi nâng tỉ lệ sở hữu lên 66,39%. Đến cuối năm 2015, thương vụ thâu tóm trở nên trọn vẹn sau khi HVG gom xong 90,38% cổ phần của VTF.

Bị Vingroup thâu tóm, Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng lại đổi chủ (Hình 2).

Cơ cấu cổ đông của VTF trước khi bị VinEco thâu tóm

Từ khi về với Hùng Vương, Việt Thắng từ một doanh nghiệp hoạt động kinh doanh khá ổn định đang lâm vào cảnh khốn đốn khi mà lợi nhuận teo tóp, còn nợ vay tăng mạnh.

Nguyên nhân được cho là do năm 2015, trong tay Hùng Vương, Việt Thắng đầu tư mở rộng nhà máy Lai Vung với 2 dây chuyền sản xuất thức ăn cá công suất 120.000 tấn/năm/dây chuyền, nâng tổng công suất toàn công ty lên trên 700.000 tấn/năm. Số tiền đầu tư mở rộng nhà máy này là khoản vay từ ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam - BIDV.

Ngoài ra, Việt Thắng cũng lấn sân sang lĩnh vực nuôi gia súc khi đầu tư trại heo giống cụ kỵ tại An Giang, đầu tư trại heo giống ông bà với 2.500 con nái tại Bình Định, xây dựng chuỗi sản xuất kinh doanh khép kín bằng việc đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn gia súc gia cầm ở Long An với công suất 500.000 tấn/năm.

Do quá nhiều tham vọng lớn, triển khai đầu tư nhiều dự án cùng một lúc đã khiến nguồn vốn từ tích lũy không đủ để tài trợ mà công ty chủ yếu sử dụng vốn vay để đầu tư bất chấp rủi ro.

Kết quả là, tính đến 30/9/2017, nợ vay ngắn và dài hạn của VTF đã tăng lên hơn 2.400 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần so với cuối năm 2014. Số nợ này đã gần gấp đôi so với vốn chủ sở hữu và chiếm 60% tổng tài sản. Lãi vay của VTF cũng tăng mạnh khiến bức tranh kinh doanh thêm u ám.

Đang nắm 90,38% vốn của VTF song Hùng Vương cũng bất lực trước nhu cầu bổ sung nguồn vốn để đầu tư VTF vì Hùng Vương cũng đang phải vật lộn với những khó khăn của chính mình. Nguyên nhân do tăng trưởng nóng, dùng nợ vay tài trợ cho các hoạt động đầu tư, M&A trước đó.

Hiện Hùng Vương đang phải gánh gần 8.150 tỷ đồng nợ vay, chiếm hơn 1 nửa cơ cấu nguồn vốn, lãi vay hàng năm phải trả lên đến hàng trăm tỷ đồng. Sau khi báo lỗ 49 tỷ đồng trong năm 2016, Hùng Vương tiếp tục ghi nhận mức lỗ ròng gần 138 tỷ đồng trong 9 tháng kể từ 01/10/2016 đến nay.

Mới đây, doanh nghiệp này đã phải bán đi “gà đẻ trứng vàng” là công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC), bán 2 lô đất giải quyết trên 80% hàng tồn kho.

Quyết định bán VTF của “vua cá tra” Hùng Vương được coi là động thái “cắt da xẻ thịt” bất đắc dĩ với hy vọng giảm bớt phần nào khó khăn hiện tại.

 

 

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.