Từ câu chuyện của gia đình Gayle McCormick…
Bà Gayle McCormick là một nhân viên an ninh tại nhà tù bang California (Mỹ), nay đã về hưu. Bà vốn là một người theo phe Dân chủ, vì vậy bà đã cảm thấy vô cùng “choáng váng” khi năm ngoái, chồng bà thừa nhận rằng ông có ý định bỏ phiếu cho ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump, nay đã trở thành Tổng thống Mỹ, trong cuộc bầu cử vừa qua.
Ông Bill đã tiết lộ ý định trên vào một bữa ăn trưa hồi năm ngoái cùng với những người bạn. Dù đã chung sống với nhau suốt 22 năm nhưng bà McCormick vẫn quyết định bỏ đi vì cho rằng chồng mình là “kẻ phá vỡ thỏa thuận” giữa hai người.
“Tôi thực sự cảm thấy tổn thương và bị phản bội khi biết ông ấy muốn bỏ phiếu cho ông Donald Trump”, bà McCormick nói và cho biết thêm rằng bà là người ủng hộ của ứng viên Dân chủ Bernie Sanders.
“Chuyện này khiến tôi cảm thấy như mình bị lừa dối. Nó khiến chúng tôi phải đối mặt với những chuyện chưa từng có trước đây. Tôi nhận ra rằng tôi đã dần biết chấp nhận những điều mà trước đây khi còn trẻ bản thân không bao giờ cho phép”, bà McCormick chia sẻ.
Sau một thời gian dài suy nghĩ khi vợ đã ra đi, ông Bill đã thay đổi quan điểm và cả hai đã quay lại với nhau. Dẫu vậy, hai vợ chồng ông không phải là những người duy nhất rơi vào trường hợp như vậy sau kỳ bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua.
… đến một thực trạng trong xã hội Mỹ
Trên đây là câu chuyện của gia đình ông Bill và bà McCormick, một câu chuyện được coi là điển hình trong đời sống xã hội của Mỹ hiện nay. Ba tháng sau khi diễn ra cuộc bầu cử gây chia rẽ nhất trong nền chính trị Mỹ hiện đại, nhiều mối quan hệ gia đình và bạn bè đã trở nên xa cách, cho tới nay vẫn chưa có dấu hiệu hàn gắn.
Một cuộc khảo sát ý kiến của Reuters/Ipsos cho thấy tình trạng trên ngày càng tồi tệ hơn, ngày càng “đào sâu” những bất đồng giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa trong ý thức hệ của họ. Các nhà xã hội học và nghiên cứu chính trị cho rằng điều đó khiến gia tăng số lượng người dân mất niềm tin vào chính phủ Mỹ và khiến sự thỏa hiệp chính trị ngày càng khó khăn.
Cụ thể, cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 27/12/2016 tới 18/1/2017 đối với 6.426 người cho thấy số lượng người tranh cãi với gia đình và bạn bè về chính trị tăng 6% so với thời điểm trước khi bầu cử diễn ra, tức tăng từ 33% lên 39%.
16% số người được hỏi khẳng định họ đã ngừng nói chuyện với một thành viên trong gia đình hoặc bạn bè vì cuộc bầu cử, 22% trong số đó là những người ủng hộ cho ứng viên Dân chủ Hillary Clinton. Trong khi đó, 13% số người tham gia khảo sát nói rằng họ đã hoàn toàn chấm dứt một mối quan hệ với gia đình, bạn bè sau cuộc bầu cử.
Tuy nhiên, kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2016 cũng đã khiến nhiều tình bạn mới chớm nở giữa những người từng xa lạ. 21% số người tham gia khảo sát nói rằng, sau bầu cử, họ đã kết bạn với một người mà họ chưa từng biết trước đó.
Sandi Corbin, một người đã về hưu và hiện đang sinh sống ở Đông Galesburg, bang Illinois (Mỹ) cho biết, sau cuộc bầu cử, cô đã có thêm bạn mới, những người cùng ủng hộ bà Hillary Clinton. Họ gặp nhau thường xuyên và cùng nói chuyện, chia sẻ mọi sở thích.
Ngoài ra, cuộc đua vào Nhà Trắng giữa ông Donald Trump và bà Hillary Clinton cũng gây ra nhiều mâu thuẫn cá nhân trên những trang mạng xã hội. 17% số người tham gia khảo sát cho hay họ đã bị chặn kết nối ở trên các trang mạng xã hội sau kỳ bầu cử.
Thông qua những kết quả trên của cuộc khảo sát, giới quan sát nhận định rằng cuộc đua giữa hai ứng viên tổng thống năm nay là một trong những kỳ bầu cử phức tạp nhất trong lịch sử hiện đại Mỹ và cho tới nay tác động của nó vẫn còn đang tiếp diễn.
Cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos được thực hiện trực tuyến bằng tiếng Anh ở tất cả 50 bang, tiểu bang của Mỹ, có độ sai số khoảng 1%.
Xem thêm: Ái nữ Ivanka - 'chìa khóa' giúp Trung Quốc tiếp cận Donald Trump
Danh Tuyên