Theo Sohu, người đàn ông đáng thương bị vợ hành hung tên Zhao, 28 tuổi, đến từ Trùng Khánh, Trung Quốc. Mới đây nhất (tháng 2/2021) anh phải nhập viện cấp cứu do bị người vợ họ Gao dùng dao chém vào đầu. Trước đó, anh cũng từng suýt mất mạng khi bị vợ đâm vào ngực.
Lần khác, vợ còn dùng chai bia đập vào vai khiến Zhao chảy nhiều máu. Trong hầu hết cuộc cãi vã, cô luôn dùng bạo lực để giải quyết.
Dù sống với cô vợ “sư tử Hà Đông” nhưng anh Zhao vẫn nín nhịn bỏ qua. Cho tới lần bị đâm gần đây nhất, anh mới quyết tâm nộp đơn xin ly hôn và lệnh bảo vệ từ tòa án.
Cụ thể, vào ngày 9/2, anh này đã đệ đơn lên Tòa án Nhân dân quận Lương Bình (thuộc thành phố Trùng Khánh) để xin cấp lệnh bảo vệ. Trong đơn, anh đề nghị tòa yêu cầu vợ dừng việc đánh đập và chửi bới chồng.
Sau khi xem xét nội dung đơn và các bằng chứng liên quan, tòa án đã cấp lệnh bảo vệ cho người chồng và nhanh chóng giải quyết vụ việc. Cơ quan pháp luật cho rằng việc sống chung thực sự gây nguy hiểm cho tính mạng của anh này.
Trước đó, vào năm 2016, một người đàn ông họ Trương ở Bắc Kinh cũng gửi đơn ly hôn đến tòa án vì bị vợ bạo hành thân thể. Sau khi có kết quả điều tra, tháng 12 cùng năm, tòa án đã ra quyết định cấm mọi hành vi bạo lực và quấy rối của người vợ.
Theo Tòa án, việc ông Trương xin được bảo hộ là phù hợp với quy định về điều kiện xin được bảo hộ trong luật Chống bạo lực gia đình. Đây cũng là trường hợp đầu tiên tòa án Bắc Kinh áp dụng lệnh bảo vệ đối với một đương sự là đàn ông.
Theo dữ liệu của cục Thống kê quốc gia Trung Quốc và Liên đoàn phụ nữ toàn Trung Quốc công bố vào năm 2018, có 19,9% nam giới và 22,9% nữ giới chịu cảnh bạo lực gia đình. Điều này đồng nghĩa với việc số nạn nhân chịu cảnh bạo lực gia đình ở Trung Quốc ở hai giới gần như tương đương.
Khác với suy nghĩ của nhiều người, đàn ông cũng có thể trở thành nạn nhân của vấn nạn này. Khi bị bạo hành, họ thường nhẫn nhịn hoặc giải quyết bằng cách ly hôn. Đàn ông ít khi chọn cách làm ầm ĩ, tố cáo hay nhờ sự giúp đờ từ người khác như phụ nữ.
Minh Hoa (t/h)