Câu chuyện “vỗ mông” chỉ là chào hỏi trong mấy ngày đang nóng trên các diễn đàn. Bỏ qua giới showbiz, nhiều người đặt câu hỏi: Vậy người phụ nữ nếu bị đồng nghiệp “vỗ mông” chào hỏi thì họ sẽ xử lý như thế nào?
Trước câu hỏi này, PV đã có cuộc nói chuyện với nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất.
Ông Nguyễn An Chất cho rằng: “Trước hết chúng ta cần phải hiểu rõ như thế nào là chào hỏi và chào hỏi cách nào là đúng. Khi đến nơi làm việc gặp đồng nghiệp, ra đường gặp bạn bè, người quen thì gật đầu, mỉm cười nhìn nhau cũng là chào hỏi.
Hoặc đứng giữ khoảng cách nói chuyện, hỏi thăm sức khỏe, công việc cũng là cách chào hỏi. Còn nếu như nói “vỗ mông” chào hỏi thì đó là cách ngụy biện, một hành vi không chấp nhận được”.
Cũng theo nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất, nếu một người phụ nữ thường xuyên bị đồng nghiệp nam chào hỏi bằng cách “vỗ mông”, cầm tay, vuốt tóc trước hết cần xem xét lại bản thân. Xem mình có ăn mặc kín đáo, lịch sự, cách giao tiếp có đúng chuẩn.
Nếu như khẳng định mình đứng đắn, lịch thiệp mà bị đối xử thiếu văn hóa như thế thì nên gặp trực tiếp người “thích vỗ mông” chào hỏi nói rõ quan điểm. Tỏ thái độ không đồng ý và yêu cầu người đó bỏ ngay cách chào hỏi “vỗ mông” như vậy.
Audio: Chuyên gia tâm lý "mách" cách đối phó khi bị "vỗ mông" chào hỏi.
“Nếu đã thông điệp cho người đàn ông ấy một cách đầy đủ và vài lần vẫn xảy ra những trường hợp tương tự, người phụ nữ nên thẳng thắn trao đổi với mọi người xung quanh để họ gửi lời cảnh báo, nhắc nhở. Phương án này vẫn chưa thành công thì bạn nên báo cáo với cấp cao nhất, sau đó có đơn thư kiến nghị.
Nếu như họ vẫn đi quá giới hạn, cuối cùng bạn hãy tâm sự với chồng để tìm cách giải quyết cụ thể. Bởi, khi bạn bị chào hỏi bằng cách “vỗ mông” mà bạn “mách” ngay với chồng, chồng bạn sẽ ghen tuông, muốn bảo vệ vợ, khi ấy có thể sẽ xảy ra xung đột. Hoặc chồng bạn sẽ không hiểu vấn đề cho rằng bạn đang ngụy biện điều gì đó”, nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất phân tích.
Cùng chia sẻ với PV, chuyên gia tâm lý Ánh Tuyết (Hà Nội) cho rằng: “Tôi đã nhận được khá nhiều lời tâm sự về việc bị sàm sỡ nơi làm việc, nhưng chính bản thân họ không biết làm gì và xử lý như thế nào. Thậm chí, có người còn tìm cách bỏ việc, chạy khỏi nơi đó.
Những lúc như vậy tôi chỉ biết nói với họ rằng hãy bình tĩnh xử lý sự việc và học thêm những kỹ năng xử lý tình huống. Các bạn cũng không nên im lặng để cho những người như vậy “được đằng chân lân đằng đầu”, chúng ta cần phải dứt khoát trong từng lời nói”.
Mai Thu