Theo báo Tuổi trẻ, giá bí xanh chỉ còn 2.000 đồng/kg nhưng cũng không có người thu mua khiến bà con nông dân xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương, Nghệ An như đang ngồi trên đống lửa.
“Lần đầu tiên trồng bí lại rớt giá thảm hại. Nếu để ngoài đồng thì sợ mưa bão làm đổ nên gia đình phải cắt bí đem về nhà bảo quản, chờ thương lái đến thu mua", ông Nguyễn Văn Liên (70 tuổi) chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Thanh Lĩnh cho hay ở xã có khoảng 30 hộ dân chuyên độc canh cây bí trên diện tích khoảng gần 5ha nằm cạnh sông Lam, mỗi năm trồng 4 vụ, từng cho thu nhập ổn định khoảng từ 500 - 600 triệu đồng/ha.
"Bí rớt giá chỉ còn 2.000 đồng/kg, chắc chắn bà con sẽ phải chịu lỗ. Hiện nay, dù giá bí xuống thấp nhưng không có thương lái đến thu mua, lượng bí tồn đọng còn cả trăm tấn. Xã đang liên hệ một số siêu thị tìm thị trường tiêu thụ, giải cứu bí giúp bà con", ông Hồng nói.
Không riêng gì bí xanh, nhiều loại nông sản khác như cà, dưa chuột, dưa hấu… ở các vùng trồng rau của Nghệ An cũng rơi vào tình cảnh được mùa mất giá khiến bà con nông dân thất thu.
Gần 30ha cà tím ở xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn đang trong thời kỳ thu hoạch 30 đến 40 tấn/ha nhưng bà con bỏ héo ngoài ruộng. Nếu như năm trước giá mỗi kg cà dao động từ 8.000-10.000 đồng thì đến nay giá rớt chỉ còn 700 đồng/kg.
Tình trạng bí xanh mất giá không chỉ diễn ra ở Nghệ An. Từ Kim Bôi đến Yên Thủy, đến bất cứ địa phương nào trồng nhiều bí xanh của Hòa Bình thời điểm này cũng bắt gặp cảnh bí xanh chất đầy nhà mà không có đầu ra, theo Danviet.vn.
Người dân xã Nam Thượng, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) đang đứng ngồi không yên vì hàng trăm tấn bí xanh đã được thu hoạch nhưng vẫn thiếu vắng thương lái đến hỏi mua, hoặc có mua thì cũng với giá rất thấp.
Chị Vũ Phượng, một người dân trong xã cho biết, chị vừa cắt 6 tấn bí xanh, xếp ngay ngắn ở nhà, chỉ chờ người đến thu mua nhưng thương lái rất thưa vắng. “Họ chỉ trả với giá 3.000 đồng/kg, với giá này, nông dân chúng tôi lỗ nặng”, chị Phượng than thở.
Tại xã Bảo Hiệu (huyện Yên Thủy) người dân cũng đang “ngồi trên đống lửa” vì giá bí rớt thê thảm, chỉ còn 1.500 - 2.500 đồng/kg. Mặc dù bà con đã tính đến yếu tố thị trường nên trồng rải rác để đảm bảo nguồn cung không quá nhiều cùng một lúc nhưng vẫn không thể cứu vãn được.
Đ.V (Tổng hợp)