Bình thường, da sẽ có màu nhạt hơn khi bạn ấn tay vào da. Tuy nhiên, hiện tượng này sẽ không xảy ra đối với các mảng xuất huyết dưới da.
Theo báo Sức khỏe & Đời sống, khi máu (chủ yếu là hồng cầu) thoát ra khỏi thành mạch do mạch máu bị tổn thương sẽ gây hiện tượng xuất huyết, biểu hiện trên da là những nốt tím hay mảng tím hỗn hợp.
Mảng xuất huyết có đường kính lớn hơn 1cm. Màu sắc của mảng xuất huyết biến đổi theo thời gian, lúc mới đầu nó có màu đỏ sẫm, sau trở thành tím, rồi chuyển thành màu xanh và cuối cùng chuyển thành màu vàng rồi mất hẳn. Mảng xuất huyết không nổi gờ trên mặt da, không ngứa, không đau, ấn phiến kính và căng da không mất.
Xuất huyết dưới da đôi khi cho thấy dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Thông tin từ viện Y học ứng dụng Việt Nam, các nguyên nhân phổ biến của tình trạng xuất huyết dưới da bao gồm:
• Chấn thương
• Phản ứng dị ứng
• Nhiễm trùng máu
• Rối loạn tự miễn
• Sinh nở
• Bầm tím
• Thiếu vitamin
• Tác dụng phụ của thuốc
• Tác dụng phụ của hóa trị
• Tác dụng phụ của xạ trị
• Quá trình lão hóa bình thường
Đồng thời, một số tình trạng nhiễm trùng và bệnh có thể gây ra xuất huyết dưới da như:
• Viêm màng não
• Bệnh bạch cầu
• Viêm họng
• Nhiễm trùng huyết
• Sốt xuất huyết
Các chuyên gia khuyến cáo, đối với những bệnh nhân bị xuất huyết dưới da nhiều và thường xuyên, đặc biệt là không rõ nguyên nhân thì tuyệt đối không nên coi thường, bỏ qua hiện tượng này hoặc tự mua thuốc uống.
Xuất huyết dưới da không liên quan đến chấn thương nên người bệnh cần đi kiểm tra tại các bệnh viện chuyên khoa huyết học để được theo dõi bởi các bác sĩ, chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh và từ đó có phương pháp điều trị kịp thời.
N.H (tổng hợp)