Chưa bao giờ cũng như chưa ở đâu, những đấng trượng phu hào sảng khí lớn bụng to Đại Việt của thời Lý Trần Lê Nguyễn lại ngồi trong tửu quán mà nhâm nhi uống bia. Bởi rượu là hành Mộc nơi đắc địa là phương Đông, còn bia thuộc hành Kim có xuất xứ từ trời tây. Lịch sử hành tiến, người Pháp vào Việt Nam, và trong cái hành trang “khai hóa” lổn nhổn vừa hay vừa dở mà họ cầm theo tự nhiên có một thùng bia hơi.
Cho đến thập kỷ sáu mươi của thế kỷ hai mươi, nhiều đấng mày râu người Hà Nội khi rụt rè uống bia vẫn phải pha thêm xi-rô, có lẽ họ sành điệu cho rằng nó chỉ là giải khát. Thế rồi với xu hướng khó cưỡng, thế giới dần dần phải phẳng (thuật ngữ trắng trợn của nhà báo Mỹ Thomas Friedman) thì cách ăn uống của đàn ông Việt bỗng chốc trở nên lộn xộn mất dần bản sắc vùng miền.
Bia ồn ào lên ngôi, tất nhiên cho đến giờ vẫn chỉ là ngôi vị Á hậu. Khi thấy đàn ông đang đỏ mặt loạng choạng liêu xiêu đi lại, những đàn bà đẫm đầy đạo đức buông ngay một câu “rõ là đồ bia rượu”. Chao ôi, phải chăng nhân loại đã đến thời mạt pháp, bia mà lại được đứng cạnh rượu.
Tất nhiên bình tĩnh công tâm mà nói, thì bia cũng có nhiều cái hay. Khí chất của bia tuy nông nổi nhưng dịu dàng vô tư tươi mát, nó chính là thứ uống tuyệt hảo để thư giãn giải độc giữa cữ nghỉ của cuộc hội thảo phê bình văn học và là đồ giải khát hạng nhất sau khi đã cãi nhau với người tình. Nếu miễn cưỡng phải so sánh thì bia vừa hồn nhiên vừa ngây thơ giống hệt Thúy Vân “khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”. Còn rượu thì vừa đau đớn vừa trầm luân giống hệt Thúy Kiều “giật mình, mình lại thương mình xót xa”. Có lẽ là thế, tuyệt chưa thấy ai tiêu sầu bằng cách cô đơn ngồi nốc bia.
Về hình tướng, bia dễ đoán hơn rượu. Bia thường đựng trong cốc lớn, khi giao hòa với người uống thì bộ phận vất vả nhất là miệng. Theo “Ma Y tướng pháp” thì miệng còn gọi là “Xuất nạp quan, thuộc hành Thủy. Cửa ngoài của Tâm mà cũng là biên ải của thị phi phải trái. Miệng trúng phong thì Tâm tuyệt, bỗng dưng mồm há ba ngày tất sẽ tử vong”. Từ đấy suy ra miệng mà trúng bia thì Tâm thông, mồm nuốt hết cốc to mà há liền trong ba phút thì sinh lực dồi dào lời lẽ khoái hoạt.
Thời bao cấp quý nhất là lấy được vợ làm nghề bán gạo hoặc bán thực phẩm, nhưng sang nhất là yêu được một cô bán bia. Hàng bia là nơi quần long tụ hội, quần ngư tranh thực, quần chúng tranh ẩm. Nó luôn đông nghìn ngịt, cỡ li vờ sâu của Thanh Lam Hồng Nhung Mỹ Linh của thời bây giờ cũng không thể sánh bằng. Mua được bia mà không phải xếp hang đã là điều khác thường, còn có được bia mà không có đồ kèm thì đúng thực phi thường. Nhìn tổng thể cả quán, bàn nào bàn nấy giữa lác đác vài cốc bia là ngồn ngộn đen sì thịt bò xào phở (cứ một cốc lại bị một đĩa kèm). Đấy là còn may, chứ có hôm là cơm rang, là cháo lòng, là bíp tết thịt trâu ế từ buổi sáng.
Dân chơi sành điệu của Hà Nội là ba bốn thanh niên tóc dài, mặt mũi vươn cao hút thuốc phì phèo tỏa khói lên trên mặt bang xâm xấp khoảng chục cốc bia hơi và xung quanh chỉ trịnh thượng cô đơn một đĩa lạc. Lạy Chúa, cái bàn bia ấy toát một ngạo khí kinh người, các đại gia tham nhũng của trọc phú thời nay ngồi ăn tôm hùm hoặc ba ba trong khách sạn năm sao vĩnh viễn không sánh nổi.
Mối tình đầu của kẻ viết bài này là một thiếu nữ bán bia. Chỗ nàng ngồi bán đơn sơ nhếch nhác vài cái ghế gỗ đang âm thầm ao ước lên hoành trang một cửa hang. Giống như những đàn ông trong trắng bắt đầu yêu, khi tỏ tình thì phải là thơ. Mấy chục năm rồi mà đoản thi ấy vẫn sóng sánh trong trí nhớ.
Em bán bia ơi em bán bia
Nhìn em nước mắt bỗng đầm đìa
Tình em cũng giống bia em rót
Chỉ thấy bọt thôi chẳng thấy bia
Này cô em đong bia có hơi điêu tay của ngày ấy, bây giờ em ở đâu.
Nhà văn Nguyễn Việt Hà (trích tản văn Mặt của đàn ông)