Nữ doanh nhân cho biết kể từ khi sinh con thứ ba vào tháng 8/2019, cô được chồng nâng niu vì trải qua nhiều vất vả trong lần vượt cạn này. "Chúng tôi trân trọng hạnh phúc hiện tại và yêu thương con cái. Cả hai đều dành trọn sự quan tâm cho tổ ấm nhỏ", cô bảo.
Hương Baby thấy thương chồng trước những thông tin sai sự thật về anh trên mạng. Đây là lần đầu cặp đôi bị đồn rạn nứt nhưng quyết định lên tiếng luôn, trước khi mọi chuyện đi quá xa. "Khi cảm giác khó chịu qua đi, chúng tôi nhắn nhủ đối phương rằng phải tin tưởng, quan tâm đến nhau nhiều hơn và đừng để ngoại cảnh tác động tới cuộc sống của cả hai", Hương tâm sự.
Hương Baby tiết lộ từ khi trở thành ông bố ba con, chồng cô chín chắn, chững chạc hơn nhiều. Tuấn Hưng thường xuyên thay vợ thức đêm trông con. Những khi đi hát về khuya, anh vẫn dành thời gian trò chuyện, lắng nghe những tâm tư của vợ. Trong mắt Hương, chồng cô là người đàn ông tâm lý, luôn tôn trọng và yêu chiều vợ. Cô thấy mọi thử thách của những lần sinh con trở nên nhẹ nhàng hơn vì có chồng ở bên. Cô cũng không phải đối diện tình trạng trầm cảm sau sinh và nhanh chóng bắt nhịp trở lại với công việc.
Những thông tin thất thiệt về nghệ sĩ thường được nhiều người chia sẻ trên mạng với vận tốc chóng mặt, trước Tuấn Hưng, một số nghệ sĩ đã bị tung tin đồn thất thiệt như: Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Khánh Ly...
Theo luật sư Đỗ Mạnh Hà, những thông tin bịa đặt, vu khống như vậy đã vi phạm pháp luật. Tội vu khống được quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định. Cụ thể là người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Chia sẻ thêm với PV, luật sư Mạnh Hà cho hay, ngày 3/2/2020, Thủ tướng vừa ký ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin (CNTT) và giao dịch điện tử.
Nghị định mới quy định rõ mức xử phạt hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi tung thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội.
Nghị định mới của Chính phủ quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: Bưu chính, Viễn thông, Tần số vô tuyến điện, CNTT (gồm phát triển công nghiệp CNTT; đầu tư, mua sắm; an toàn thông tin mạng; chống thư rác, tin nhắn rác; mạng xã hội, trang thông tin điện tử...) và các giao dịch điện tử.
Hình thức xử phạt vi phạm hành chính gồm có cảnh cáo và phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung khác như tước giấy phép có thời hạn đối với giấy phép bưu chính, viễn thông, thiết lập mạng viễn thông, giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, giấy phép kinh doanh sản phẩm, thiếp lập mạng xã hội…; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 đến 24 tháng; trục xuất.