Theo báo cáo tài chính năm 2023 hợp nhất đã được kiểm toán của Công ty CP Bia Hà Nội – Thanh Hóa (Bia Thanh Hóa) cho thấy, trong năm công ty này dùng gần 1.130 tỷ đồng để thực hiện mua bia từ Công ty CP Bia rượu và nước giải khát Hà Nội (Bia Hà Nội). Ngoài ra, trong kỳ này Bia Thanh Hóa cũng ghi nhận gần 60 tỷ đồng cho hoạt động mua nguyên liệu bia và gần 500 triệu cho phí nhãn hiệu bia mua từ công ty mẹ.
Ở chiều ngược lại, Bia Thanh Hóa cũng nhận được hơn 58 tỷ đồng phí hỗ trợ từ Bia Hà Nội. Đây là khoản tiền được trả cho hoạt động hỗ trợ phân phối các sản phẩm từ công ty mẹ mà Bia Thanh Hóa thực hiện trong năm.
Động thái Bia Thanh Hóa chi số tiền lớn để nhập bia từ công ty mẹ cũng đã cho thấy sự dịch chuyển trong cơ cấu kinh doanh của Bia Thanh Hóa, trong đó, tích cực gia tăng tỷ trọng doanh thu từ các hoạt động thương mại.
Điều này cũng đã được lý giải phần nào trong báo cáo tài chính năm 2023. Cụ thể, tại ngày 31/12/2023, Bia Thanh Hóa giữ tới hơn 60 tỷ các khoản tiền và tương đương tiền, trong đó, tiền gửi ngân hàng là hơn 29 tỷ đồng, còn lại là các khoản tương đương tiền (thường là các sản phẩm tài chính có kỳ hạn dưới 3 tháng) là 30 tỷ đồng; còn lại là gần 800 triệu tiền mặt tại quỹ.
Có thể thấy, việc nắm giữ một lượng lớn “tiền mặt” tại một công ty thuần sản xuất là ít thấy, tuy nhiên điều này lại tương đối phù hợp đối với một doanh nghiệp có thiên hướng thương mại, khi luôn cần duy trì lượng vốn lưu động lớn để quay vòng.
Bên cạnh đó, trong năm 2023, Bia Thanh Hóa không ghi nhận biến động lớn trong việc đầu tư về dây chuyền sản xuất, mua sắm tài sản cố định. Kỳ này, nguyên giá tài sản cố định hữu hình đơn vị chỉ ghi nhận tăng thêm 8,5 tỷ đồng lên mức 580 tỷ đồng. Khoản tăng thêm này chủ yếu tới từ việc mua sắm thiết bị hơn 3,5 tỷ đồng; hoàn thành đầu tư xây dựng cơ bản 4,4 tỷ đồng... Hiện, giá trị tài sản cố định mà đơn vị này ghi nhận trên bảng cân đối kế toán còn hơn 53 tỷ đồng.
Với việc “kiêm nhiệm” hỗ trợ phân phối sản phẩm cho Bia Hà Nội cũng khiến các khoản chi phí liên quan như chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của Bia Thanh Hóa “phình to”.
Theo đó, trong năm 2023, chi phí bán hàng Bia Thanh Hóa ghi nhận 132 tỷ đồng. Trong đó, chiếm chủ yếu là chi phí khuyến mãi, hỗ trợ ghi nhận 86 tỷ đồng; chi phí nhân viên hơn 15 tỷ đồng’ chi phí công cụ hơn 9 tỷ; và chi phí khác hơn 21 tỷ đồng... Trong khi, chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận 36,8 tỷ đồng. Các chi phí chủ yếu có thể kể tới như: chi phí nhận viên quản lý 16 tỷ đồng; chi phí quản lý khác ghi nhận 14 tỷ đồng...
Đáng chú ý, hai khoản mục chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp kể trên đã ghi nhận gần 170 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận gộp của công ty chỉ hơn 114 tỷ đồng, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị âm 51,9 tỷ đồng. Tuy vậy, trong năm Bia Thanh Hóa vẫn ghi nhận lợi nhuận thuần sau thuế hơn 5 tỷ đồng do nhận được khoản hỗ trợ hơn 58 tỷ đồng từ Bia Hà Nội.
Trong kế hoạch năm 2023, Bia Thanh Hóa đặt mục tiêu sản xuất hơn 41,4 triệu lít bia các loại. Trong khi lượng bia các loại tiêu thụ là hơn 88,6 triệu lít bia, tương đương doanh thu dự kiến là 1.674 tỷ đồng. Trong năm 2023, doanh thu thực hiện được của Bia Thanh Hóa là 1.531 tỷ đồng, không đạt mục tiêu đề ra, tuy nhiên lợi nhuận trước thuế đạt 6,4 tỷ đồng, vượt so với mức mục tiêu 2,87 tỷ đồng.
Tính tới cuối năm 2023, Công ty CP Bia rượu và nước giải khát Hà Nội đang nắm giữ 55% cổ phần của Công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hóa. Trong khi đó, Bộ Công Thương đang nắm giữ gần 81,8% cổ phần của Bia Hà Nôi.