Thông tin với báo chí, anh Nguyễn Tấn Lộc, người phụ trách tại trại rắn Đồng Tâm 2, cho biết trại đi vào hoạt động từ năm 2018, hiện đang bảo tồn, nuôi dưỡng 7 loài rắn khác nhau. Trong đó có 4 loài rắn độc là hổ đất, lục đuôi đỏ, cạp nong và đặc biệt là rắn hổ mang chúa. Con rắn hổ mang chúa lớn nhất tại trại rắn Đồng Tâm 2 dài 4,7m, nặng khoảng 17kg.
“Đây là con rắn được đem ra từ trại rắn Đồng Tâm 1 ở tỉnh Tiền Giang. Mục đích đem ra Phú Quốc là do ngoài tự nhiên trên đảo còn loại rắn này khá nhiều nên đơn vị mong muốn hướng dẫn cho người dân và du khách biết rắn hổ mang chúa cũng như loài rắn nào có độc, loài không độc; cách phòng tránh, bảo vệ bản thân và để bảo vệ các loài rắn trong tự nhiên...”, anh Lộc nói.
Ngoài nuôi các loài rắn, trại rắn này còn đang chăm sóc cho một số loài động vật khác như trăn, vượn, chim công, ó biển... Hiện mỗi năm trại rắn đón khoảng 40.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Hổ mang chúa nặng khoảng 17kg đang được nuôi dưỡng tại trại rắn Đồng Tâm 2. Đây cũng là loài rắn độc được ghi nhận dài nhất thế giới.
Về thăm đảo Phú Quốc, ngoài tham quan trại rắn nuôi, du khách cũng sẽ được nghe những câu chuyện kể về loài mãng xà khổng lồ này.
Phú Quốc có rất nhiều rắn hổ mây (hổ mang chúa) sinh sống ngoài tự nhiên. Người dân từng nhìn thấy, bắt được những con rắn hổ mây lớn. Năm 1991, lực lượng kiểm lâm từng bắt gặp con rắn hổ mây có thân to bằng cái phích, trọng lượng hơn 30 kg.
Đặt chân lên vùng đất này, câu chuyện đầu tiên mà các vị khách lạ mặt được người bản địa kể đó là trận chiến giữa 6 chú chó Phú Quốc và con rắn khổng lồ ở suối Tranh. Trận “thư hùng” giữa chó xoáy và “mãng xà” diễn ra đã cách đây cả mấy chục năm. Ngày ấy, đảo ngọc Phú Quốc vẫn còn nhiều rắn độc và không ít người mưu sinh bằng nghề bắt rắn.
Từ hàng trăm năm nay, người dân địa phương vẫn truyền tai nhau những câu chuyện về loài rắn khổng lồ trong rừng Phú Quốc. Không ai biết đích xác loài mãng xà đó sống ở địa điểm nào nhưng người ta tin rằng giữa nơi rừng sâu núi thẳm ấy có những cái hang sâu hun hút là nơi sinh sống tập trung của loài rắn này.
Rắn hổ chúa thuộc họ Elapidae, phân bố chủ yếu trong các vùng rừng rậm trải dài từ Ấn Độ, Trung Quốc đến Đông Nam Á. Tại Việt Nam loài này được cho là có nhiều nhất ở Cà Mau, Kiên Giang và An Giang và được xếp nhóm IB trong danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm ở nước ta.
Rắn hổ mang chúa có thể săn mồi suốt ngày và rất hiếm khi gặp chúng vào ban đêm, trong khi hầu hết những loài hổ mang khác (thuộc chi Naja) lại hoạt động về đêm. Con mồi ưa thích của hổ mang chúa là những loài rắn khác, thậm chí chúng còn ăn thịt đồng loại. Chính vì vậy, chúng còn được mệnh danh là vua của các loài rắn.
Màu sắc của rắn hổ mang chúa do môi trường quyết định. Thường rắn sống nơi nhiều ánh sáng thì màu sáng, sống nơi ít ánh sáng, vùng rừng sâu, núi cao, hang động có da tối màu.
Lam Anh (t/h theo Báo Cần Thơ, Dân Việt)