Cơ hội vàng để Việt Nam vươn tầm quốc tế
Sự góp mặt của những ngôi sao quốc tế đình đám như Charlie Puth, Westlife, Blackpink, Maroon 5 đã khiến Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ tour diễn thế giới.
Điển hình, hai đêm diễn của Blackpink vào cuối tháng 7/2023 tại Hà Nội đã thu hút hơn 70.000 khán giả, trong đó có hơn 3.000 khách quốc tế. Theo thống kê, tổng doanh thu du lịch từ sự kiện này lên tới hơn 600 tỷ đồng, với số lượng vé máy bay đến Hà Nội tăng gấp 10 lần và số phòng khách sạn được đặt tăng gấp 2-3 lần.
Tương tự, concert “8 Wonder Winter Festival” của Maroon 5 tại Phú Quốc vào tháng 12/2023 cũng ghi nhận sự tăng vọt về du lịch. Lượng tìm kiếm chuyến bay đến Phú Quốc trong giai đoạn bán vé tăng 10 lần và lượt đặt phòng khách sạn tăng hơn hai lần so với tuần trước đó.
Những sự kiện này không chỉ mang lại trải nghiệm khó quên cho khán giả mà còn đóng góp tích cực vào kinh tế địa phương.
Không chỉ các nghệ sĩ quốc tế, những tên tuổi lớn của âm nhạc Việt Nam như: Hà Anh Tuấn, Mỹ Tâm, Đen Vâu,... cũng góp phần định hình xu hướng này.
Những chương trình như “Vườn âm nhạc” tại Nhà hát Lớn Hà Nội, “Soul of the Forest” tại Flamingo Đại Lải hay chuỗi đêm nhạc “Mây Lang Thang” ở Đà Lạt đã mang đến một không gian thưởng thức âm nhạc hòa quyện cùng thiên nhiên, thu hút đông đảo du khách.
Gần đây, chương trình gameshow “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh trai say Hi” cũng tạo nên cơn sốt. Theo công bố từ ban tổ chức, các buổi concert này đã thu hút khoảng 50.000 – 70.000 khán giả. Đây là một con số đáng ghi nhận đối với các concert trong nước.
Tối qua ngày 9/12, sân vận động Mỹ Đình bùng nổ với hàng chục nghìn khán giả trong một không gian âm nhạc hoành tráng, khép lại concert 4 của “Anh trai say Hi”. Dù sự kiện đã kết thúc, dư âm của nó vẫn để lại những cảm xúc khó quên, đặc biệt là đối với những bạn trẻ lần đầu tiên được hòa mình vào một chương trình âm nhạc quy mô lớn.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, bạn Tố Uyên - 28 tuổi, đến từ Tuyên Quang vẫn còn nguyên niềm phấn khích khi nhắc lại trải nghiệm: “Thực sự là không thể quên được. Không khí ở sân vận động quá cuồng nhiệt, mọi người cùng hò reo, vẫy tay theo nhịp điệu. Mình đã quay rất nhiều video để giữ làm kỷ niệm và khoe với bạn bè ở nhà. Chỉ tiếc là chương trình kết thúc quá nhanh, mình vẫn muốn được xem thêm nữa”.
Còn Ngọc Anh - một khán giả từ TP.HCM đã không ngần ngại bay ra Hà Nội để theo chân nghệ sĩ mình yêu thích: "Trước đó, mình đã xem concert của Anh trai say Hi tại TP.HCM và lần này quyết định ra Hà Nội để trải nghiệm tiếp hai đêm nhạc của 30 anh trai. Không khí ở Hà Nội thực sự rất khác biệt.
Thời tiết se lạnh, khung cảnh rộn ràng khiến mình cảm nhận được một nét đẹp rất riêng của Thủ đô. Sau đêm diễn, mình tranh thủ dạo phố cổ, ăn một tô phở nóng hổi mà trong lòng vẫn còn lâng lâng cảm giác từ sân khấu đêm qua”.
Không chỉ khán giả, các dịch vụ kinh doanh quanh khu vực cũng được hưởng lợi từ sự kiện âm nhạc này. Anh Minh Đường - chủ một khách sạn gần sân vận động Mỹ Đình, cho biết:
"Những ngày diễn ra concert, khách sạn gần như “cháy” phòng. Rất nhiều bạn trẻ từ các tỉnh thành lân cận đến tham dự và nghỉ lại vài ngày để tiện tham quan Hà Nội. Không chỉ khách sạn mà cả các quán ăn, dịch vụ cho thuê xe cũng đều kín khách. Hôm nay, khi khách trả phòng, nhiều bạn trẻ vẫn tiếc nuối vì phải rời đi sớm".
Thách thức và hướng đi
Du lịch âm nhạc, sự kết hợp giữa thưởng thức âm nhạc và trải nghiệm văn hóa đang mở ra cơ hội mới cho ngành du lịch Việt Nam.
Theo TS. Lê Quang Đăng - Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ VH-TT&DL), loại hình du lịch này không chỉ giúp du khách thư giãn mà còn nâng cao đời sống tinh thần, trở thành cầu nối quảng bá văn hóa độc đáo.
"Với một nền văn hóa phong phú và đa dạng, Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn để phát triển du lịch âm nhạc, đặc biệt khi kết hợp hài hòa giữa âm nhạc, ẩm thực, và du lịch tự nhiên. Các điểm đến hàng đầu như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang hay Phú Quốc đều là 'mảnh đất vàng' để tổ chức các sự kiện âm nhạc lớn nhờ hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại", TS. Đăng nhận định.
Ông cũng nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam trong việc kết nối và tổ chức các sự kiện tầm cỡ, thu hút nghệ sĩ quốc tế và tạo nên sức hút đặc biệt cho các điểm đến này.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng sự cộng hưởng giữa âm nhạc và du lịch không chỉ làm phong phú các hoạt động văn hóa, giải trí mà còn thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa.
Với cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục, các thành phố nhộn nhịp, cùng lòng hiếu khách của con người Việt Nam, du lịch âm nhạc có thể trở thành một sản phẩm chiến lược, thu hút làn sóng du khách mới tìm kiếm sự hòa mình vào văn hóa và nghệ thuật.
Mặc dù đầy tiềm năng, nhưng Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo PGS. Sơn, trên thế giới các quốc gia như Mỹ, Anh hay Đức đã xây dựng thương hiệu du lịch âm nhạc qua các lễ hội quy mô lớn, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.
Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm tổ chức các sự kiện âm nhạc tầm cỡ quốc tế, từ hạ tầng đến nhân lực tổ chức.
PGS. Sơn nhấn mạnh rằng Việt Nam cần một chiến lược bài bản và lâu dài để xây dựng thương hiệu cho các lễ hội âm nhạc. Điều này bao gồm việc đầu tư vào cơ sở vật chất như nhà hát, sân khấu ngoài trời, nâng cấp dịch vụ giao thông và lưu trú, đồng thời xây dựng đội ngũ chuyên gia sự kiện chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, văn hóa âm nhạc của Việt Nam tuy đa dạng nhưng chưa đủ sức cạnh tranh quốc tế. Việc tạo ra các chương trình chất lượng cao, mời các nghệ sĩ nổi tiếng toàn cầu, và gắn kết âm nhạc với những giá trị văn hóa bản địa là cần thiết để nâng cao sức hút.
"Việt Nam cần học hỏi từ các mô hình thành công trên thế giới và tìm kiếm hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng tổ chức. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về pháp lý và ưu đãi thuế để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này", PGS. TS. Bùi Hoài Sơn nói.
Vị PGS nhấn mạnh rằng, việc quảng bá và tiếp thị các sự kiện âm nhạc trên các kênh truyền thông quốc tế, mạng xã hội và nền tảng số là điều cần thiết để tiếp cận đối tượng yêu âm nhạc, đặc biệt là giới trẻ.
TS. Quang Đăng đóng góp thêm, Việt Nam nên đa dạng hóa các sự kiện âm nhạc từ dân gian, cổ điển đến hiện đại để phục vụ mọi đối tượng du khách.
Ngoài ra, đào tạo nhân lực như chuyên gia tổ chức sự kiện, hướng dẫn viên du lịch hiểu biết về âm nhạc và đội ngũ phục vụ chuyên nghiệp cũng là yếu tố then chốt. Đồng thời, các cuộc thi tài năng và lễ hội âm nhạc thường xuyên sẽ khuyến khích tài năng trẻ và làm giàu thêm cho thị trường.