Biên bản của một cuộc đối thoại

Biên bản của một cuộc đối thoại

Hoài Nam

Hoài Nam

Thứ 6, 20/10/2023 19:29

Ở bài thơ “Bài mẫu giáo sáng thế” của Dư Thị Hoàn, ta thấy có sự chuyển biến liên tục từ huyền thoại hóa đến giải huyền thoại

“Bài mẫu giáo sáng thế” là một bài thơ trong tập thơ cùng tên của nhà thơ Dư Thị Hoàn, công bố năm 1993 (đến nay tròn ba mươi năm) khi những ngạc nhiên, thậm chí những sững sờ, những cú sốc, mà tập thơ “Lối nhỏ” xuất bản trước đấy năm năm gây ra vẫn còn chưa chịu dịu đi trên thi đàn Việt Nam. Toàn văn bài thơ như sau:

“Giáo đường cách xa con đường bụi đỏ

Không tháp chuông

Không tượng chúa

Không cây thập tự

 

Cô giáo sỹ truyền đạo đang nhảy múa

Đám tín đồ hài nhi theo nhịp bi bô

Lời đọc kinh loang như lá cỏ

Bay xa hơn tiếng chuông nhà thờ

Em có…

Em có đôi bàn tay…

Em có đôi bàn tay trắng tinh…

 

Cầu nguyện cho bàn tay đừng ám muội

Cầu nguyện cho bàn tay đừng lầm lỗi

Bắt đầu từ tuổi véo von

 

Adam không đi học

Eva không đi học

Bàn tay lọ lem vặt trái cấm

Loài người sinh ra…”

Văn hoá - Biên bản của một cuộc đối thoại

Nếu tách bài thơ ra làm hai nửa: Từ đầu đến “Em có đôi bàn tay trắng tinh”, và từ “Cầu nguyện cho bàn tay đừng ám muội” đến hết, ta sẽ thấy ở đây một cuộc đối thoại thấm đẫm tinh thần hoài nghi, một sự bất tín dai dẳng, sau hết, một tiếng cười vô thanh.

Nửa trên bài thơ miêu tả một lớp mẫu giáo, nhưng không phải một lớp mẫu giáo bình thường như trăm nghìn lớp mẫu giáo bình thường khác trên đất nước này vào thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, mà là một lớp mẫu giáo đã được tắm gội trong và bằng ánh sáng của Khải huyền, nơi lớp học biến thành giáo đường, cô giáo thành “cô giáo sỹ truyền đạo”, các cháu mầm non thành “đám tín đồ hài nhi”, và bài hát đồng ấu bi bô thành “lời đọc kinh loang như lá cỏ, bay xa hơn tiếng chuông nhà thờ”.

Cách hình dung như thế, là cách hình dung theo kiểu huyền thoại hóa. Nó biến cái bình thường thành cái phi thường. Nó khiến lớp mẫu giáo tầm thường, nơi lũ trẻ được học những bài học vỡ lòng đủ để làm hành trang hòa nhập với xã hội tầm thường ngoài kia, thành nơi mà “Sáng thế ký” nở hoa, nơi chuẩn bị cho sự ra đời một thế giới mới, tươi ròng, tinh khôi, đẹp đẽ, trong ơn phước vô bờ của Thượng đế.

Cách hình dung như thế của Dư Thị Hoàn không khỏi gợi nhắc đến bài thơ “Chuyện cổ tích về loài người” của Xuân Quỳnh trước đó chừng mười lăm năm, trong tập “Lời ru trên mặt đất”, một bài thơ viết về trẻ con và viết cho trẻ con. Cũng là cách hình dung theo kiểu huyền thoại hóa, nhưng cả bài thơ của Xuân Quỳnh là một thế giới được huyền thoại hóa đảo ngược, nó ấm áp, tươi tắn, vững tin và lấp lánh ánh cười vui. Còn ở bài thơ của Dư Thị Hoàn, nửa trên, là một thế giới được huyền thoại hóa nhân bội, nhưng ngay sau đấy, nửa dưới, đã xuất hiện đứt gãy, trống hoác, và sự trồi lên của những câu hỏi không cần từ để hỏi.

“Cầu nguyện cho bàn tay đừng ám muội/ Cầu nguyện cho bàn tay đừng lầm lỗi. Bắt đầu từ tuổi véo von”. Hình ảnh bàn tay - đã xuất hiện ở nửa trên, trong câu hát “Em có đôi bàn tay trắng tinh” - nguyên ủy, là hình ảnh của bộ phận quan trọng nhất trên cơ thể trong việc nối kết con người với thế giới.

Ta tri giác thế giới, thăm hỏi nó, một cách đầy đủ và chính xác nhất, là bằng đôi bàn tay. Ta tác động vào thế giới, điều chỉnh nó, thay đổi nó, nhào nặn nó, một cách mạnh mẽ và hiệu quả nhất, là bằng đôi bàn tay.

Thế nhưng, đôi bàn tay ấy – đôi bàn tay trẻ thơ đang còn ở cái tuổi véo von –lại là đối tượng cho một dự cảm đầy giông bão âu lo: bằng bàn tay, con người có thể xây dựng thế giới và khiến nó tốt đẹp hơn lên, nhưng cũng bằng bàn tay, con người có thể bôi bẩn, thậm chí hủy hoại thế giới và làm cho nó vĩnh viễn lụi tàn.

Chẳng có gì là chắc chắn hết, mọi khả năng đều mở ngỏ, và ta thì chỉ còn biết bảo vệ tương lai bằng thứ sức mạnh mong manh và rất đáng ngờ của ngôn từ, là cầu nguyện cho sự sạch sẽ của hiện tại.

Văn hoá - Biên bản của một cuộc đối thoại (Hình 2).

Nhà thơ Dư Thị Hoàn.

Đến đây thì bắt đầu diễn ra đối thoại. Lương tri khiến cho nhà thơ phải cầu nguyện, nhưng kinh nghiệm tôn giáo – nói cho đúng hơn là kinh nghiệm đọc và nghiền ngẫm Kinh Thánh – lại cho bà thấy cái vô nghĩa của sự cầu nguyện.

Loài người chẳng phải được sinh ra từ hành vi vặt trái cấm (và ăn) của Adam và Eva đó sao, bằng những bàn tay lem luốc và đương nhiên thất học? Cái tội tổ tông ấy, cái vết nhơ đời đời kiếp kiếp không thể tẩy xóa nổi ấy dẫu gì cũng đã khiến cho lịch sử nhân loại khai mở và vận hành.

Luôn luôn phải nhớ lời răn và chăm chỉ cầu nguyện, đó là đức lý, là một phần quan trọng của sự hình thành nhân phẩm. Nhưng để làm gì nếu rốt cuộc, một cách tiên nghiệm (a priori), tội tổ tông vẫn không thể giải trừ? Và để làm gì nếu loài người vẫn cứ được sinh ra, vẫn cứ phạm sai lầm và mang tội, nhưng rồi vẫn cứ tồn tại trong tư cách loài?

Tóm lại, ở bài thơ “Bài mẫu giáo sáng thế” của Dư Thị Hoàn, ta thấy có sự chuyển biến liên tục từ huyền thoại hóa đến giải huyền thoại, có cuộc đối thoại giữa nhận thức giáo lý một bên, và bên kia là niềm tin tưởng rằng “Cuộc sống chẳng bao giờ chán nản” (Xuân Diệu).

Nhà thơ bày cả ra đấy, cuộc đối thoại của mình, và không hề kết luận, bà thực hành đúng như bà từng quan niệm về thơ đương đại: “Một cái nhìn không sập cửa, một cảm nhận bỏ ngỏ trong tác phẩm, có giá trị kêu gọi, kích thích đồng sáng tạo, là sự kêu gọi nhận thức đa chiều từ độc giả, là nền dân chủ, là hệ quy chiếu của thời hiện đại” (Trả lời phỏng vấn báo “Thể thao Văn hóa”ngày 15/ 2/ 2003, tại Hải Phòng). Nhưng tôi vẫn cứ nghĩ: đằng sau cuộc đối thoại này, luôn có ít nhất một tiếng cười vô thanh của Dư Thị Hoàn – Vương Oanh Nhi.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.