Liên tục các vụ tiêm chất làm đầy (filler) gây biến chứng
Thời gian gần đây tại bệnh viện Da liễu Trung ương, các bác sĩ liên tục tiếp nhận nhiều bệnh nhân có những biến chứng nặng nề sau khi làm đẹp tại các cơ sở không đủ tiêu chuẩn. Nhiều trường hợp bị biến chứng nặng nề, hoại tử mũi, môi căng phồng sau khi tiêm filler tại các cơ sở không đảm bảo.
Đặc biệt, trường hợp một bệnh nhân nữ (23 tuổi) tiêm filler tại một cơ sở spa ở Hà Nội khiến cộng đồng mạng xôn xao. Sau tiêm 1 ngày, bệnh nhân thấy mũi đỏ, đau, tiết dịch ở da. Bệnh nhân quay lại cơ sở này thì được tiêm Hyalurolidase để giải filler. Sau mũi tiêm này, mũi bệnh nhân giảm màu đỏ nhưng mũi vẫn sưng nề, tiết dịch, hình thành nhiều ổ mủ trên mũi.
Một trường hợp khác là bệnh nhân T.T.H (Hà Nội) tìm đến bệnh viện Da liễu Trung ương sau khi tiêm chất làm đầy (filler) ở môi, mắt và thái dương cách đó khoảng 10 ngày tại một thẩm mỹ viện tại Hà Nội. Sau khi tiêm 4 ngày bệnh nhân thấy xuất hiện sưng nề nhiều vùng mắt và môi.
TS. BS. Phạm Cao Kiêm, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng - bệnh viện Da liễu Trung ương có khuyến cáo, với trường hợp bệnh nhân nữ 23 tuổi rất khó tiên lượng bởi chất làm đầy này đã xâm nhập vào mạch máu, gây phá huỷ tế bào nên việc phục hồi lại hình ảnh mũi như lúc chưa tiêm sẽ rất khó khăn.
Với trường hợp bệnh nhân H., Ths. BS. Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: Bệnh nhân được tiêm thuốc giải (hyaluronidase) và chống phù nề, giảm viêm... trong vòng khoảng 10-15 ngày, có thể điều trị tại nhà, không cần nhập viện theo dõi, tuy nhiên cần phải theo dõi lâu dài (trong vòng 6 tháng) sau khi điều trị hết các tổn thương.
Đây là biến chứng ít gặp sau tiêm chất làm đầy. Tuy nhiên, khi khách hàng được tiêm bằng các sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc hoặc tại các cơ sở không đáng tin cậy hoặc không được cấp phép; người thực hiện thủ thuật không có chuyên môn thì tỷ lệ gặp các biến chứng này cũng tăng lên.
Biến chứng thường gặp nhất khi tiêm filler
TS. BS. Kiêm cho biết biến chứng sau tiêm filler khá nhiều, nhưng thường gặp nhất là: Tắc mạch, chèn ép mạch hoặc cả hai gây hoại tử ở vùng nó nuôi dưỡng. Tắc mạch cằm, mũi, má sẽ gây hoại tử cằm mũi má. Tắc mạch mắt gây mù mắt. Tắc mạch não gây đột quỵ. Nếu được điều trị sớm, bệnh nhân có thể phục hồi gần như ban đầu, nhưng nếu để muộn dễ dẫn đến hoại tử tổ chức không hồi phục. Nguyên nhân dẫn đến biến chứng do người thực hiện thủ thuật sai cách mà tiêm nhầm vào mạch máu, filler sẽ theo mạch máu di chuyển và xâm nhập đến các bộ phận khác rất nhanh, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Để tránh biến chứng khi tiêm filler cần phải chú ý những điều sau:
Theo TS. BS. Kiêm, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại filler khác nhau, được quảng cáo với nhiều ứng dụng để làm đẹp như nâng mũi, tạo cằm V line, làm đầy mặt, giảm nếp nhăn... Ưu điểm của tiêm filler là hiệu quả làm đẹp nhanh, không cần phẫu thuật, bệnh nhân không phải chăm sóc sau phẫu thuật và sau khi tiêm sẽ có một vẻ đẹp khá tự nhiên. Tuy vậy, không có phương pháp làm đẹp nào là an toàn tuyệt đối nên cần chú ý một số điểm sau:
- Mọi người nên tìm hiểu và cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định làm đẹp bằng filler để tránh biến chứng có thể xảy ra, bởi nếu biến chứng thì việc xử lý rất phức tạp, chi phí điều trị cao.
- Chọn sản phẩm rõ nguồn gốc, được kiểm chứng an toàn tuyệt đối.
- Nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa thẩm mỹ và đã được cấp phép để thực hiện thủ thuật. Người thực hiện thủ thuật phải là bác sĩ Phẫu thuật thẩm mỹ hoặc chuyên khoa da liễu, được đào tạo về tạo hình thẩm mỹ và da liễu, phải hiểu rõ về các chất làm đầy, kỹ thuật và chỉ định tiêm, và biết quy trình xử lý tác dụng không mong muốn nếu xảy ra.
Phong Linh (tổng hợp)