Theo PGS.TS Nguyễn Văn Viết (Bộ NN&PTNT), những tác động của biến đổi khí hậu đến nông nghiệp Việt Nam thể hiện ở việc ảnh hưởng đến cơ cấu mùa vụ, gia tăng dịch bệnh, giảm năng suất cây trồng; nước biển dâng dẫn đến mất diện tích đất canh tác, xâm nhập mặn, tiêu thoát nước khó khăn.
Dự báo đến năm 2100, nhu cầu dùng nước trong nông nghiệp có thể tăng gấp 2-3 lần dẫn tới nguy cơ hạn hán và tình trạng thiếu nước cho sản xuất.
Theo PGS TS Nguyễn Bỉnh Thìn, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT), để thay đổi tình trạng này, FAO đã đưa ra giải pháp nông nghiệp thông minh với BĐKH.
Hiện, nông nghiệp thông minh đã bắt đầu được áp dụng trong trồng trọt tại Việt Nam như: Sử dụng giống lúa ngắn ngày, điều chỉnh lịch thời vụ để hạn chế ảnh hướng của hạn, úng; mô hình lúa tôm Đồng bằng sông Cửu Long; mô hình “1 Phải, 5 Giảm” tại Nam Định…
Để thực hiện thành công nông nghiệp thông minh, theo ông Thìn cần thực hiện hàng loạt giải pháp đồng bộ như cải tiến công tác quản lý sử dụng đất, xây dựng tuyến đê phía trong tạo thành vùng đệm giữa các vùng canh tác nông nghiệp và biển… Đặc biệt là cần tuyên truyền cho bà con áp dụng những công nghệ mới thay vì những cách làm cũ đem lại ít hiệu quả kinh tế.
Theo M.A/monre.gov.vn