Khi Biển Đông nổi sóng, rất nhiều người từ không biết gì về Biển Đông bỗng đem lại những kỳ tích. Họ đã đóng góp những công trình nghiên cứu, những tấm bản đồ về Biển Đông rất có giá trị. Những người đó như TS Mai Hồng (người tặng bản đồ Nhà Thanh 1904) như Việt kiều Kỹ sư Trần Thắng (người bỏ tâm sức tiền của sưu tầm bản đồ chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông hiến tặng cho Nhà nước)...
Ông Nguyễn Vi Khải, Nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, cũng vậy, từ một người không nghiên cứu về vấn đề này, nhưng khi thấy những hành động ngang ngược của Trung Quốc ngoài Biển Đông, dù đã 73 tuổi, ông vẫn quyết dành trọn phần đời còn lại để cống hiến cho công cuộc nghiên cứu pháp lý chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông.
Ông Nguyễn Vi Khải phát biểu tại một hội thảo (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Thưa ông, ông đã làm việc tại Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ. Vậy thời gian đó ông có nghiên cứu về vấn đề Biển Đông không?
Theo quy định về Tổ (sau này là Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ): “Thủ tướng cùng các Phó Thủ tướng có cuộc họp với toàn Tổ, trực tiếp nghe các thành viên nhận xét và kiến nghị về tình hình kinh tế- xã hội và việc tiến hành cải cách kinh tế, cải cách hành chính.”
Do đó có thể thấy chủ yếu là những công việc có tính chất liên quan đến điều hành. Không phải là nghiên cứu kiểu hàn lâm. Thời gian đầu tôi tham gia như một công tác viên sau được giao nhiệm vụ là Thư ký khoa học Tổ Lý luận (tổ trưởng là GS Đào Xuân Sâm) – Trong ban NC có các Tổ khác như Tổ nghiên cứu đổi mới kinh tế, xã hội và hành chính (gọi tắt là Tổ nghiên cứu đổi mới). Tổ Doanh nghiệp, Tổ cải cách hành chính, ... Do đó Việc nghiên cứu Biển Đông không đặt ra cho nhiệm vụ của tôi.
Trước khi về Ban Nghiên cứu , tôi làm việc ở Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia với trách nhiệm Phó trưởng ban Biên tập sách GK & sách tham khảo nên rất thuận lợi cho việc hiểu biết, tích lũy thêm những tri thức về kinh tế, chính trị, xã hội... Cuộc cải cách ở Trung Quốc có khá nhiều thông tin tham khảo. Tuy nhiên, những thông tin về Biển Đông không có điều kiện tiếp nhận phong phú như hiện nay. Cho nên tôi cũng không nghiên cứu gì về Biển Đông trong thời gian ở Ban nghiên cứu.
Ông bắt đầu nghiên cứu về vấn đề Biển Đông, hành động của Trung Quốc khi nào?
Tôi bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu vấn đề Biển Đông khi có Chương trình Minh triết nghiên cứu về Biển Đông từ cuối tháng 8/2012 (khoảng 1 năm gần đây) - trong nhóm chuyên về Chủ quyền cùng TS Nguyễn Đình Lộc – nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp... nhiệm vụ chủ yếu là những vấn đề Tổng quan tình hình nghiên cứu, các ấn phẩm, các Hội thảo trong ngoài nước, xu hướng giải quyết tranh chấp – kinh nghiệm lịch sử ...
Ông lý giải thế nào về sự muộn màng này?
Câu hỏi ngắn gọn nhưng lại cần dẫn giải dài dài đôi chút :
Thứ nhất, Đây là thời khắc lịch sử đều có thể đến với tất cả mọi người trong hoàn cảnh “nước sôi lửa bỏng” – “Biển Đông nổi sóng”... Người dân đều bức xúc vì hành động ngang ngược của nhóm người xấu từ TQ đe dọa bình yên của ngư dân nói riêng và chủ quyền Quốc gia VN nói chung... Mỗi người có thể có thái độ, cách ứng xử, khác nhau. Cùng với tôi có một số trí thức, nhà quản lý, được Trung tâm Minh triết Việt – thuộc VUSTA (do Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai làm giám đốc khởi xướng Chương trình này). Ngoài nhóm nghiên cứu về chủ quyền còn các nhóm khác là nhóm NC Chiến lược kinh tế Biển, nhóm về văn hóa... Có thể nói sáng kiến của Ông Nguyễn Khắc Mai được nhiều trí thức trong ngoài nước hưởng ứng, được một số tổ chức cơ quan hiệp hội ủng hộ và hợp tác, một số nhà quản lý ,chuyên gia cao cấp ở TƯ và cả một số Doanh nhân rất nhiệt tình tham gia như là điều tâm huyết sẵn có thường trực trong huyết quản của người VN.
Thứ hai, từ những năm 79, 80 Thế kỷ trước, khi chiến tranh Biên giới xảy ra, lúc đó tôi là giảng viên Triết học kiêm Trưởng phòng Tuyên huấn Trường Đại học Y Hà Nội đã có điều kiện hiểu khá nhiều về tính chất cuộc chiến này. Tôi lưu giữ nhiều tư liệu và ấn tượng về cuộc chiến, về Trung Quốc – Thời gian từ năm 1969 - 1973 tôi là sinh viên khoa ngữ văn trường Đại học Tổng hợp HN nên cũng có điều kiện tìm hiểu văn hóa, lịch sử, Triết học cua Trung hoa cổ đại có rất nhiều điều hay, bổ ích cho việc nghiên cứu triết học (Tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc...)
Thứ ba, tôi vốn được sinh ra ở Thượng Hải. Cụ thân sinh ra tôi là Việt kiều từng sống 20 năm ở Trung Quốc. Năm 1946, ông đưa toàn bộ gia đình về nước theo lời kêu gọi của Cách mạng (lúc đó tôi lên 6). Không phải ngẫu nhiên mà ông cụ đặt tên cho các con là: Khải, Hoàn, Vân, Quang. Tôi được ông nói lại về nước Trung hoa, về người dân TQ cũng chịu nhiều tủi hổ khi Thành phố lớn Thượng Hải bị hành xử theo cơ chế Tô Giới: “Khu vực Tô Giới đều có hàng rào bảo vệ như một vương quốc riêng dành cho người nước ngoài. Cửa ra vào thường đề dòng chữ: “Cấm người Hoa và chó vào khu vực này”. Ông cũng bị “sự cố” hiểu nhầm khi dắt tôi vào vườn hoa, người lính da đen giữ lại, chỉ tay vào cái biển có dòng chữ cấm đoán như trên và quát : “Mày không biết chữ à?” tất nhiên ông cụ tôi phản ứng lại và được vào. Nhưng người lính ấy hỏi lại “An Nam là xứ ở đâu?"...
Với nhiều lý do như trên, tìm hiểu TQ nói chung Biển Đông nói riêng với tôi có lẽ cũng dễ hiểu.
Ông có hối hận vì mình nghiên cứu vấn đề Biển Đông muộn quá không?
Như trên tôi đã nói hoàn cảnh lịch sử và điều kiện xã hội đưa đến cho mình cơ hội. Có lẽ câu hỏi nghiêng về ý tiếc nuối thì phải. Bởi vì có gì đâu mà hối hận – Nếu có gọi là quá muộn thì điều quá muộn đó đâu phải do mình gây ra. Có chăng chỉ tiếc là sức khỏe và thời gian để tiếp tục nghiên cứu vấn đề này còn quá ít – Nay đã 73 tuổi rồi – Chắc chắn thế hệ của anh và con cháu chúng ta còn nhiều việc phải làm chung quanh chủ đề này.
Vì sao ông lại bắt đầu bằng việc hệ thống và phân tích những hành động của Trung Quốc, thưa ông?
Một câu hỏi rất hay, nhưng không dễ trả lời. Khi được phân công vào nhóm nghiên cứu chủ quyền, tôi loay hoay mất khá nhiều thời gian – kể cả anh em trong Trung tâm cùng bàn luận. Hầu hết không phải là chuyên ngành về Biển hoặc Địa lý , lịch sử. Tôi cho rằng tiếp cận vấn đề phải là dưới góc độ của Trung tâm Minh triết – cần phân tích, so sánh đối chiếu nhiều chiều, đánh giá phải có tính khái quát, cố gắng tìm ra xu hướng vận động của sự vật và hiện tượng – đây là cách tiếp cận có tính Triết lý phát triển của sự vật trong quá trình vận động. “xuyên qua vô số cái ngẫu nhiên...cái tất nhiên vạch đường đi của nó...”. Véc- tơ ấy – chính là Xu hướng vân động của sự vật. Điều này có thể giúp ta nhận biết bản chất của nó dễ dàng hơn là mô tả hiện tượng đơn lẻ.
Quá trình lục tìm tư liệu, tìm hiểu sự vật... theo cách "Google"– có hàng triệu thông tin chỉ cần vài chục giây... Tình cờ tôi thấy bài viết “Đại sử ký tranh chấp chủ quyền Biển Đông” từ Trang web “Nghiên cứu Biển Đông” rất công phu... Đây đúng là “Biên niên các sự kiện chính liên quan đến tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, từ thế kỷ 19 đến nay”.Có thể nói đây là tư liệu lịch sử có tính thống kê rất có giá trị. Từ bản thống kê này có thể khai thác nhiều nội dung. Tại Trung tâm Minh triết tôi đã thông báo tình hình Biển Đông trong 200 năm. Từ thống kê này tôi đưa ra phân tích kiến nghị của mình.
Xin cảm ơn ông!
Theo Infonet