Dữ liệu của nhà cung cấp phân tích hàng hải MarineTraffic cho thấy vào ngày 5/12 - ngày trần giá dầu Nga do phương Tây áp đặt bắt đầu có hiệu lực - 2 tàu chở dầu rỗng đang trên đường hướng tới Nga. Một chiếc là tàu Minerva Marina, mang cờ Malta. Chiếc còn lại là Moskovsky Prospect, mang cờ Liberia, xuất phát trực tiếp từ Bombay, Ấn Độ.
Hệ thống nhận dạng tự động (AIS) theo dõi giao thông tàu biển cho thấy một số tàu chở dầu ở Biển Đen, chủ yếu là tàu chở dầu thô và hóa chất từ Nga đang quá cảnh, có các điểm đến khác nhau bao gồm Ấn Độ, UAE và Trung Quốc, theo người phát ngôn của MarineTraffic.
Trong khi đó, tình trạng tắc nghẽn tàu chở dầu đã gia tăng trên vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ ngay trước khi trần giá có hiệu lực, do Ankara kiên quyết yêu cầu các tàu chở dầu phải có bằng chứng về bảo hiểm phù hợp với lệnh trừng phạt mới để có thể đi qua eo biển Bosphorus ở Istanbul.
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU), G7 và Australia đã đồng ý hạn chế giá dầu Nga vận chuyển bằng đường biển ở mức 60 USD/thùng nhằm hạn chế doanh thu của Moscow từ loại “vàng đen” này, từ đó hạn chế khả năng tài trợ cho chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và các quan chức cấp cao của Điện Kremlin đã nhiều lần khẳng định sẽ không cung cấp dầu cho các quốc gia tham gia áp dụng giới hạn giá.
Trong các bình luận được đăng trên Telegram sau khi phương Tây đạt được thỏa thuận về trần giá, Đại sứ quán Nga tại Mỹ đã chỉ trích điều mà họ gọi là “định hình lại” các nguyên tắc thị trường tự do, và nhắc lại rằng nhu cầu về dầu Nga vẫn tiếp tục bất chấp các biện pháp này.
Những người mua dầu lớn
Theo dữ liệu của S&P Global, xuất khẩu dầu thô Nga bằng đường biển đạt trung bình 3,07 triệu thùng/ngày trong tháng 11, giảm từ mức 3,09 triệu thùng/ngày trong tháng 10 và chỉ thấp hơn một chút so với mức trung bình trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, là 3,1 triệu thùng/ngày trong tháng 1 và tháng 2.
Trong khi lượng dầu thô Nga đến EU giảm tới 308.000 thùng/ngày xuống còn 464.000 thùng/ngày trong tháng 11 - một mức trung bình thấp kỷ lục, các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đã tăng cường mua dầu của Nga thêm 272.000 thùng/ngày lên mức cao kỷ lục 1,17 triệu thùng/ngày.
Với dòng dầu thô của Nga sang Trung Quốc ít thay đổi so với mức gần đây là 918.000 thùng/ngày, cùng với Ấn Độ, 2 nhà nhập khẩu châu Á đói năng lượng chiếm 68% xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga trong tháng 11, tăng từ 58% trong tháng trước đó.
Dữ liệu cũng cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ, hiện là người mua dầu thô lớn thứ ba của Nga khi các nhà máy lọc dầu địa phương chuyển sang dầu thô giá rẻ của Nga, đã chứng kiến nhập khẩu từ Nga giảm 35% xuống còn 224.000 thùng/ngày trong tháng 11, nhưng vẫn cao hơn so với trước. Trước xung đột Nga-Ukraine, 5 nhà máy lọc dầu của Thổ Nhĩ Kỳ đã nhập dầu thô của Nga ở mức 130.000 thùng/ngày.
Dữ liệu tháng 11 cũng cho thấy xuất khẩu dầu thô của Nga sang Hàn Quốc tăng vọt lên 144.000 thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 5.
Hàn Quốc, quốc gia đã nhập khẩu dầu thô của Nga ở mức 275.000 thùng/ngày vào năm 2021, đã ủng hộ các lệnh trừng phạt dầu mỏ của phương Tây đối với Nga, nhưng vùng biển ngoài khơi của nước này thường được sử dụng để quá cảnh dầu thô Nga từ tàu sang tàu với đích đến là Đông Nam Á.
Các nhà phân tích tại S&P Global ước tính rằng khoảng 2 triệu thùng/ngày dầu thô và các sản phẩm của Nga xuất sang châu Âu cuối cùng sẽ cần tìm người mua mới khi lệnh trừng phạt dầu mỏ đầy đủ của EU đối với Moscow có hiệu lực vào ngày 5/2/2023.
S&P Global ước tính rằng khoảng một nửa trong số 2 triệu thùng/ngày trên được chuyển hướng từ châu Âu có thể sẽ tìm được người mua mới ở châu Á.
Tuy nhiên, sự không chắc chắn vẫn còn khi “hạm đội bóng đêm” gồm hơn 100 tàu chở dầu cũ kỹ mà Nga đã chuẩn bị sẵn có đủ khả năng vượt qua các biện pháp giới hạn giá của phương Tây hay không. Điều này khiến cho việc dự báo những gì xảy ra sắp tới trở nên khó khăn hơn.
Minh Đức (Theo CNBC, S&P Global)