Mỹ đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ New Delhi khi căng thẳng gia tăng giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong bối cảnh các cuộc đàm phán biên giới đình trệ. Nhưng theo chuyên gia Shishir Upadhyaya từ trang Jane's Defense Weekly, Washington dường như có động cơ riêng để khuyến khích hành động của Ấn Độ.
Sau cuộc đụng độ giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc tại Thung lũng Galwan ở Đông Ladakh vào ngày 15/6, những nỗ lực giảm căng thẳng của hai bên dường như đã đi đến bế tắc.
Có rất ít thông tin về các cuộc đàm phán quân sự và ngoại giao đang diễn ra khi quân đội hai nước đối mặt nhau nơi biên giới. Tuy nhiên, Mỹ cho thấy nước này đang rất quan tâm đến diễn biến tình hình. Khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, người Mỹ đã rất công khai ủng hộ người Ấn Độ.
Chuyên gia Shishir Upadhyaya đánh giá, động cơ ủng hộ New Delhi của Mỹ rõ ràng là nhằm chống lại Trung Quốc, và tranh chấp này mang lại cho Washington cơ hội hoàn hảo để tăng áp lực lên Bắc Kinh.
Ấn-Trung phô diễn sức mạnh
Theo RT, nhiều hình ảnh vệ tinh từ các nguồn mở chỉ ra rằng cả hai bên đã tập hợp một lực lượng lớn để chuẩn bị cho các kịch bản mang nguy cơ leo thang tiếp theo.
Về phía Trung Quốc, nước này được cho là đã huy động xe tăng, xe bọc thép và pháo binh đến gần với vị trí của cuộc xung đột mới đây. Tương tự, Ấn Độ đã huy động hàng ngàn binh sĩ bổ sung đến các khu vực dọc biên giới trong hai tuần qua.
Ngoài ra, Không quân Ấn Độ (IAF) đã triển khai một số máy bay tiền tuyến, bao gồm các trực thăng tấn công Sukhoi Su30-MKI, Jaguar, Mirage 2000 và Apache, đến các căn cứ không quân gần Đường kiểm soát thực tế (LAC) - ranh giới ngăn cách lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát với lãnh thổ do Trung Quốc kiểm soát.
Đồng thời, Hải quân Ấn Độ đã tăng cường các nỗ lực giám sát ở khu vực Ấn Độ Dương và tiến hành một cuộc tập trận hải quân mang tính biểu trưng với Nhật Bản, một đồng minh tiềm năng và là thành viên chủ chốt của nhóm Bộ tứ - Quad.
Cùng với đó, New Delhi cũng đã khởi xướng các biện pháp đẩy nhanh việc mua sắm vũ khí bao gồm hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo S-400 và các phụ tùng quan trọng từ Nga, máy bay chiến đấu Rafale tối tân từ Pháp, hệ thống phòng không Israel và pháo từ Mỹ.
Tất cả những sự chuẩn bị này gợi ý rằng cả Ấn Độ và Trung Quốc đang thận trọng trước tất cả các lựa chọn mở và sẵn sàng trước nguy cơ một trận chiến căng thẳng.
Quan điểm của Ấn Độ
Chuyên gia Shishir Upadhyaya cho rằng, thái độ của New Delhi trong cuộc khủng hoảng lần này được đánh giá là quyết đoán hơn và có sự đồng thuận ngày càng tăng về việc chính phủ nên có những hành động mạnh mẽ trước Trung Quốc.
Một quan chức cấp cao Ấn Độ gần đây tuyên bố, mặc dù New Delhi không muốn leo thang, nhưng nhấn mạnh sẽ không lùi bước trước Trung Quốc và sẵn sàng đón nhận tất cả.
Động lực này có thể xuất phát từ thực tế là trong vài tuần qua, quân đội Ấn Độ đã nhận được nhiều sự ủng hộ từ các đồng minh, đặc biệt là Mỹ.
Ngoại trưởng Mike Pompeo gần đây đã nói về việc tái vũ trang và tái phân bổ quốc phòng của Mỹ để chống lại thách thức an ninh mở rộng từ Trung Quốc đối với Ấn Độ và hành vi gây hấn của nước này ở Biển Đông.
Đây được cho là lần đầu tiên căng thẳng biên giới Trung-Ấn được nhắc đến trong cùng một mức độ nghiêm trọng như tranh chấp Biển Đông.
Đáng kể hơn, trong một màn phô diễn sức mạnh và hỗ trợ cho các đồng minh - lần đầu tiên sau khoảng ba năm - Mỹ đã triển khai ba nhóm tấn công tàu sân bay ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Chiến tranh lạnh Mỹ-Trung
Giới quan sát đánh giá, nền tảng cho sự ủng hộ gia tăng của Mỹ với Ấn Độ xuất phát từ sự rạn nứt ngày càng sâu rộng giữa Mỹ và Trung Quốc, được nhiều người coi là khởi đầu của một cuộc “Chiến tranh Lạnh” mới, với những đường nét của một liên minh do Mỹ hậu thuẫn đang dần hình thành.
Đối mặt với sự phản ứng dữ dội trên toàn cầu xoay quanh việc xử lý đại dịch Covid-19, Bắc Kinh cảm thấy mình bị cô lập. Ngay cả đối tác sâu sắc như Nga cũng đã duy trì lập trường ủng hộ Ấn Độ, thậm chí còn hứa sẽ đẩy nhanh việc cung cấp vũ khí quân sự cho Ấn Độ bất chấp áp lực của Trung Quốc.
Trung Quốc gần đây cũng ngày càng nhận nhiều sự phản đối từ Đông Nam Á về lập trường ở Biển Đông, khi các nước trong khu vực kêu gọi Bắc Kinh giải quyết vấn đề theo luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã không cho thấy bất kỳ xu hướng nào để giảm căng thẳng. Ngược lại, Bắc Kinh đổ lỗi cho Ấn Độ về các cuộc đụng độ biên giới và cáo buộc người láng giềng đang cố gắng tận dụng tình hình hậu đại dịch khó khăn của Trung Quốc.
Một số chuyên gia coi cuộc đối đầu hiện nay là đỉnh điểm của một cuộc tranh chấp ranh giới lâu dài, xung đột lợi ích quốc gia trong khu vực, chủ yếu là sự phản đối của New Delhi đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc và sự phản đối của Trung Quốc đối với chiến lược toàn cầu của Ấn Độ (với sự hỗ trợ từ Mỹ) .
Xét trên góc cạnh khác, tranh chấp hiện tại không còn là về việc kiểm soát khu vực biên giới cằn cỗi, mà là một cuộc cạnh tranh lớn hơn giữa Trung Quốc và Mỹ trong mục tiêu giành ảnh hưởng trên toàn cầu.
Cuộc khủng hoảng hiện nay có nhiều điểm tương đồng với các sự kiện dẫn đến giao tranh biên giới Ấn Độ - Trung Quốc năm 1962. Mặc dù Ấn Độ ngày nay mạnh mẽ hơn nhiều so với năm 1962, nhưng tổng thể quân sự nói chung vẫn đang nghiêng về phía Trung Quốc, với ngân sách quốc phòng lớn hơn đáng kể.
Tuy nhiên, sự ủng hộ ngày càng tăng từ Mỹ dường như đã ảnh hưởng đến tư duy chiến lược ở New Delhi và nhiều người tin rằng thời điểm này có thể thích hợp để đáp trả mạnh mẽ.
Điều này đã làm gia tăng căng thẳng - và có thể dẫn đến việc Ấn Độ trở thành ủy quyền quan trọng đầu tiên trong cuộc “Chiến tranh Lạnh” giữa Mỹ và Trung Quốc.