Như vậy là mùa lễ hội ở ta lại bắt đầu bằng những hình ảnh quen thuộc với cảnh người người, nhà nhà chen chân đi lễ chùa, du xuân đầu năm. Tại những khu di tích, danh thắng từ khắp trong Nam ngoài Bắc, đâu đâu cũng là cảnh người đông như nêm cối.
Họ nào là xin thẻ ấn cầu may ở đền thờ vua Quang Trung (TP. Vinh, tỉnh Nghệ An), nào là chen chân đến “nghẹt thở” để đăng ký dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh (Hà Nội), nào là chen chúc ở các bến đò và khu cáp treo tại lễ hội chùa Hương (Hà Nội) ... Thời gian tới, nhiều cảnh bi hài nữa sẽ xuất hiện khi mùa lễ hội bắt đầu vào cao điểm.
Và cũng giống như mọi năm, người ta lại đi tìm câu trả lời cho nguyên nhân của sự chen chúc vừa đáng thương, vừa đáng giận trên. Thôi thì đủ các lý giải, nào là tâm lý hám danh, hám lợi, nào là chuyện hối lộ thánh thần, nào là thói quen “tháng giêng là tháng ăn chơi” truyền đời đã trở thành căn tính của người Việt ... Tất cả những kiến giải đó đều có lý và mọi chuyện đều vì ... lỗi ý thức.
Những rõ ràng phạm trù ý thức không đơn giản chỉ là một phép cộng đơn thuần. Con người ai cũng có nhu cầu tín ngưỡng riêng. Hơn nữa họ là một thực thể được hấp thụ những thành quả văn hóa của một cộng đồng, một dân tộc cụ thể.
Đối với văn hóa các nước đồng văn nói chung và văn hóa Việt nói riêng, đầu năm người dân đi du xuân, lễ chùa là một nét đẹp truyền thống. Đó hoàn toàn không phải tâm lý đám đông, càng không phải chỉ vì cầu danh, cầu lợi. Đó là sự thôi thúc từ bên trong tiềm thức của mỗi cá thể - với tư cách như một thành viên trong cộng đồng văn hóa.
Dẫu rằng nét đẹp nêu trên hiện nay bị pha tạp bởi rất nhiều yếu tố tốt xấu lẫn lộn. Nhưng chúng ta hay chỉ trích tình trạng xô đẩy, chen lấn tại những điểm du lịch; tình trạng đánh nhau để tranh giành lộc chùa, lộc Thánh; tình trạng chặt chém du khách của những người bán hàng; tình trạng giao thông quá tải vì người đi du xuân, lễ chùa quá đông ...
Nhưng chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận là, dù biết vấn đề đó ở đâu, tại sao nó xảy ra? Nhưng bao năm qua tình trạng này vẫn thế. Vậy tại sao chúng ta không giải quyết được những vướng mắc đó?
Chẳng lẽ chúng ta sẽ cấm người dân đi lễ chùa đầu năm? Hoặc giả chúng ta sẽ bắt người tham gia lễ hội sẽ phải tuân thủ những vấn đề “mềm” bằng những quy định “cứng”. Chẳng hạn chuyện xả rác, chẳng hạn chuyện văng tục nơi công cộng, chuyện chen lấn xô đẩy nơi đình, chùa ... sẽ bị xử phạt tiền hoặc bỏ tù ư?
Rõ ràng chúng ta chỉ nên cố gắng thực hiện một lễ hội văn minh chứ đừng vội tìm cách để biến tất cả người tham gia lễ hội trở nên văn minh.
Tại sao lại có chuyện cướp ấn? Tại sao lại có chuyện tranh giành lộc Thánh? Vì bản thân mỗi đơn vị tổ chức lễ hội vẫn tin đó là thứ mang lại một sức mạnh tâm linh nào đó. Muốn không để xảy ra tình trạng cướp ấn, thiết nghĩ chúng ta đừng phát ấn hoặc tìm một cách nào đó văn minh hơn chẳng hạn.
Từ chuyện này cho thấy, việc chen chân du xuân, lễ chùa của người dân vốn chẳng có gì đáng nói, thậm chí đáng hoan nghênh. Nó không liên quan tới vấn ý thức tốt hay xấu mà nó liên quan tới vấn đề văn hóa như đã nói ở trên.
Thử hỏi trong số chúng ta, có mấy ai không muốn đầu năm đi lễ chùa cầu an? Mấy ai không muốn du xuân để tận hưởng linh khí của trời đất? Đâu phải tất cả những người ồn ào ngoài kia đều đi chùa để cầu danh, cầu lợi? Và cũng đâu phải tất cả đám đông hỗn loạn ngoài kia đi du xuân chỉ vì tâm lý đám đông?
Thế mới nói, nếu không giúp người tham gia lễ hội văn minh lên thì tại sao chúng ta không tổ chức một lễ hội khiến người tham gia buộc phải văn minh? Đó mới là điều cần làm ngay lúc này.
Phạm Văn
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả