Ngày 10/7, Bộ Y tế đã có văn bản hỏa tốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành.
Theo Bộ Y tế, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia châu Âu liên quan đến biến thể phụ BA.4, BA.5 của biển chủng Omicron. Tại Việt Nam, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc, tuy nhiên đã ghi nhận sự xuất hiện của cả hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 trong cộng đồng.
Nhiều người dân sau khi tiêm vắc-xin mũi cơ bản hoặc đã từng mắc Covid-19 bắt đầu chủ quan, lơ là trong việc áp dụng các biện pháp phòng bệnh, nhất là chưa tham gia tích cực vào việc tiêm vắc-xin mũi 3, mũi 4 kể cả tiêm vắc-xin cho trẻ em.
Trước những diễn biến phức tạp, Bộ Y tế dự báo số mắc Covid-19 thời gian tới có thể tiếp tục tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Để chủ động phòng chống dịch, kiên quyết không để dịch chồng dịch, Bộ Y tế đề nghị chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ động phòng chống dịch bệnh, đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu; tập trung triển khai và thực hiện nghiêm những giải pháp phòng chống dịch Covid-19 với các trụ cột cách ly, xét nghiệm, điều trị, gắn với thực hiện tốt khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội.
Các địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, giao chỉ tiêu tiêm chủng tới tận cấp huyện, cấp xã; thực hiện "đi từng ngõ, gõ từng nhà và từng đối tượng" để đảm bảo không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng, tăng tỉ lệ bao phủ vắc-xin cho người dân; tiếp tục vận động người dân tham gia tiêm vắc-xin đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Sở Y tế các địa phương phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur thực hiện lấy mẫu giải trình tự gene các trường hợp có biểu hiện bất thường để phát hiện sớm các biến thể mới nguy hiểm của SARS-CoV-2.
Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác thông tin, truyền thông về tiêm vắc-xin, lợi ích, hiệu quả của vắc-xin; thực hiện các biện pháp phòng chống dịch "2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc-xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác"; cảnh báo về các biến thể mới của Omicron; hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19.
Sở GD&ĐT chủ động phối hợp với ngành y tế để tổ chức tuyên truyền sâu rộng tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng chống Covid-19 trong trường học; phát động tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đủ mũi 3, mũi 4 cho giáo viên và tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi…
Triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, giao chỉ tiêu tiêm chủng tới tận cấp huyện, cấp xã; thực hiện "Đi từng ngõ, gõ từng nhà và từng đối tượng" để đảm bảo không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng, tăng tỉ lệ bao phủ vắc-xin cho người dân; phát huy tính chủ động, gương mẫu của các lực lượng cán bộ, chiến sĩ, quân nhân, công nhân viên chức, người lao động trong việc tiêm vắc-xin, tổ chức các chiến dịch tiêm vắc-xin tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu công nghiệp khu chế xuất; tiếp tục vận động người dân tham gia tiêm vắc-xin đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Các mũi tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế:
Mũi cơ bản: Hầu hết các vắc-xin gồm 2 mũi, chỉ có vắc-xin Abdala (chiếm 1-2%) của Cuba tiêm 3 mũi.
Mũi bổ sung: Tiêm một mũi cho đối tượng là người từ 18 tuổi trở lên bao gồm người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng (chiếm khoảng 2,5%), người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc-xin của hãng Sinopharm hoặc Sputnik V (chiếm khoảng 25%).
Mũi tiêm nhắc lại :
- Lần 1 (mũi 3) (không tính liều bổ sung): Gồm người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (đủ 1 hoặc 2 hoặc 3 tùy theo loại vắc-xin và mũi bổ sung nếu có) và đối tượng 12-17 tuổi đã tiêm đủ liều cơ bản.
- Lần 2 (mũi 4): Các đối tượng tiêm gồm:
+ Người từ 50 tuổi trở lên, người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng.
+ Người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ), công nhân, người làm việc các khu công nghiệp.
Trúc Chi (t/h theo Vietnam+, Sức khỏe & Đời sống)