Khi vỡ lở mới biết là... “ngủ thật”
Trong tâm khảm của người Raglai ở huyện Ninh Sơn và Bắc Ái (tỉnh Ninh Thuận), "ngủ thảo" là một phong tục đẹp thể hiện niềm khát vọng yêu thương mãnh liệt của các chàng trai, cô gái bắt đầu đến tuổi cập kê. Khi trai gái đến tuổi trưởng thành, họ tìm được ánh mắt của nhau, hai con tim cùng chung nhịp đập họ sẽ mời nhau về ngôi nhà sàn đơn sơ bên vách núi "ngủ thảo" đến tận sáng hôm sau mới chia tay, nhà ai nấy về.
Theo quy định của công đồng người Raglai tục "ngủ thảo" có những quy định nghiêm ngặt, nếu đôi trai gái nào "vượt rào" hay "ăn cơm trước kẻng" bị phạt rất nặng thậm chí có người bị dòng họ, hàng xóm xa lánh và đuổi ra khỏi làng. Tuy nhiên, từ những lời trần tình của người Raglai, tục "ngủ thảo" bây giờ đã bị biến tướng thành "ngủ thật".
> Đọc thêm: Khám phá tục 'ngủ thảo' của người Raglai
Tục "ngủ thảo" bị biến tướng, nhiều đứa trẻ Raglai được sinh ra nhưng không có cha.
Màn đêm buông xuống trên các ngả đường dẫn vào bản làng của người Raglai không đơn thuần chỉ là những cô gái chàng trai Raglai mới được phép tán tỉnh nhau, mời nhau về nhà "ngủ thảo". Bởi phong tục của tục “ngủ thảo” đã lọt đến tai các chàng trai ở nhiều địa phương khác nhau, họ đã tìm đến Ma Oai, Ma Nới... dùng lời ngon ngọt để thủ thỉ với các cô gái miền sơn cước với ước mong được "ngủ thảo" một vài đêm. Dưới những tán cây, góc nhà hay bờ rào những toán nam nữ thanh niên đủ thành phần thản nhiên ngồi thủ thỉ với nhau rồi đốt thuốc phì phèo. Các cô gái Raglai không còn ngại ngùng, đỏ mặt e thẹn khi mở lời mời bạn trai vào nhà “ngủ thảo”. Họ nhanh chóng làm quen, đùa giỡn nhau bất kể lúc nào dẫu rằng những quy định nghiêm ngặt của công đồng vẫn in hằn trong tâm trí họ.
Những biến tướng của tục “ngủ thảo” bắt nguồn từ khi các bản làng của người Raglai được di chuyển từ vùng đồi núi xuống dưới xuôi để định canh định cư. Già làng Pi Năng Trách (61 tuổi, ngụ tại làng Ma Oai, xã Phước Thắng, huyện Bắc Ái) than thở: "Việc Nhà nước tiến hành dồn dân xuống xây dựng vùng kinh tế mới là hợp lý. Từ ngày xuống đây lập nghiệp bà con Raglai ăn nên làm ra, anh em họ hàng được gần gũi nhau hơn.
Cuộc sống khấm khá hơn đồng nghĩa với việc con người sẽ nảy sinh nhiều thói hư tật xấu. Các thanh niên không còn tôn trọng những luật tục được đề ra từ ngàn đời nữa. Họ gặp nhau là rủ về nhà làm chuyện vợ chồng, chỉ vài tháng sau trong làng lại có đám cưới linh đình. Các cô gái không chỉ bó gọn trong việc chọn chồng là người Raglai nữa mà đối tượng có thể là người Kinh và một số dân tộc khác. Chính điều đó đã đẩy các cô gái vào bi kịch bị lợi dụng mà không hề hay biết. Và thực tế, nhiều chàng trai chỉ có mặt tại bản làng của người Raglai trong một thời gian ngắn sau khi đạt được mục đích thì ra đi không lời từ biệt".
Thế rồi "ngủ thảo" thành "ngủ thật" từ lúc nào không hay. Những nét đẹp truyền thống của tục “ngủ thảo” chỉ đọng lại trong ký ức của những người già. Dẫu rằng các cô gái chàng trai đều biết rằng vi phạm luật tục phải dắt trâu, dê đi trừ nợ rồi làm lễ tạ tội với làng, dòng họ. Tuy nhiên, những quy định của luật tục bị... nhờn đi, các cô gái chàng trai không còn sợ bị phạt nữa. Họ chỉ cần thích nhau là mời nhau đi "ngủ thật" rồi mới ra trình diện với gia đình. Khi sự việc đã vỡ lở người lớn chỉ biết gật đầu đồng ý và bắt làm đám cưới ngay mà chẳng cần đến trâu, heo, gà như thuở trước nữa...
Già làng Pi Năng Trách kể về tục "ngủ thảo" của đồng bào Raglai.
Khi ham muốn mạnh hơn luật tục
Trước đây, trai gái mời được nhau đi “ngủ thảo” các chàng trai phải trải qua khâu chọn lựa tinh tế của các cô gái. Bởi trong mắt của con gái Raglai, người chồng là trụ cột trong gia đình (dẫu người Raglai theo chế độ mẫu hệ) phải bảo vệ được người bạn đời trong cuộc sống đời thường. Vì vậy đối tượng mà cô gái nhắm đến là những chàng trai biết săn bắn, làm nương rẫy giỏi, biết mổ lợn, mổ dê trong các đám tiệc, được mọi người trong làng quý mến. Độ tuổi các cặp được phép mời "ngủ thảo" cũng được quy định rõ ràng, con gái, con trai phải có độ tuổi từ 20 trở lên. Khi màn đêm buông xuống, các chàng tụ tập với nhau bàn phương pháp "tác chiến" để không đụng nhau. Thời gian người Raglai quy định cho việc mời “ngủ thảo” bắt đầu từ 19h cho đến khuya, các chàng trai cô gái mới ai về nhà nấy.
Thực tế, tục “ngủ thảo” của người Raglai đã bị biến tuớng từ hàng chục năm nay. Nhưng những luật tục mà người Raglai quy định vẫn phát huy tác dụng, ai vi phạm sẽ bị phạt rất nặng và sự đền đáp được tính bằng số lượng con trâu, con heo, hoặc con dê... nên hiếm khi có việc đi quá giới hạn cho phép và "ăn cơm trước kẻng". Già làng Pi Năng Trách cũng một thời vi phạm luật tục kểí: "Đó là vào năm 1975, tôi đang đi bộ đội trên Tây Nguyên được đơn vị cho nghỉ phép về thăm làng.
Ngày đó, con gái Raglai thấy bộ đội là thích lắm, họ tìm mọi cách để mời được một anh về "ngủ thảo". Bản thân đi xa lâu ngày nên cũng nhớ người yêu lắm chứ. Đúng đêm mừng lúa mới, tôi và Ka Tơ Thị Đé (SN 1954, nay là vợ già làng Pi Năng Trách) mời nhau về ngôi nhà sàn của Đé “ngủ thảo”. Nguyên tuần đầu tiên cả hai chẳng dám làm gì chỉ tâm sự với nhau tỏ hết nỗi lòng, đến gần sáng tôi băng rừng băng suối về nhà. Đúng 3 ngày nữa tôi phải trở lại Tây Nguyên chiến đấu, trong đêm "ngủ thảo" cả hai lưu luyến không muốn rời, trong giây phút bối rối tôi đã lỡ làm trái quy định của làng. Nhưng cả hai đã thành khẩn trần tình với gia đình hai bên và tạ lỗi trước già làng. Tôi bị phạt đến 28 con heo rồi được bắt về làm chồng luôn".
Do tục “ngủ thảo” bị biến tướng, bất cứ nơi đâu, thời gian nào các cô gái chàng trai kể cả không phải là người Raglai vẫn có thể tán tỉnh nhau và tỏa vào khắp bản làng mời gọi bạn tình "ngủ thảo". Trong không gian tĩnh mịch của màn đêm kèm theo làn gió của núi rừng là tiếng gọi tên thủ thỉ tâm tình, lời yêu đương đường mật. Họ là các cặp tình nhân đơn giản chỉ quen nhau từ những lời chào hỏi, từ những buổi lên nương làm lúa hay đơn giản là gặp nhau bâng quơ trên đường vào làng hoặc chỉ là cái liếc mắt đưa tình... Các chàng trai cô gái ngày đi làm, ban đêm hò hẹn nhau ai có nhu cầu tìm hiểu sẽ ra hiệu với nhau về "ngủ thảo". Nhưng các chàng trai không còn hiền lành như xưa, họ đã nằm cạnh nhau thì phải chạm vào nhau và có những chuyện "vượt rào".
"Từ những biến tướng do xã hội hiện đại mang lại, tục "ngủ thảo" giờ đây đã đi ngược lại với nền tảng đạo đức như loạn luân, quan hệ tình dục bừa bãi, ngoại tình. Nhưng cũng phải nhắc lại rằng, tục “ngủ thảo” tồn tại đến những năm 1990 với những nét đẹp đặc sắc được người Raglai luôn bảo nhau phải sống tốt, sống chân thành... Thế nhưng, giờ đây đã không còn nữa. Nhất là trước sự "tấn công" của những luồng văn hóa khác nhau, giá trị truyền thống của người Raglai mai một gần hết", bà Katơr Thị Hách (92 tuổi, ngụ tại làng Ma Oai), không giấu nổi sự nuối tiếc về một thời đã xa.
Nhiều chàng trai lợi dụng tục “ngủ thảo” chỉ để... Một khi nam nữ đã nằm bên nhau trong màn đêm như vậy khó lòng tránh khỏi sự đụng chạm về thể xác. Ban đầu có cô gái còn ngại ngùng. Nhưng tình yêu và dục vọng đã làm lu mờ lí trí, có nhiều cô còn tự động "xi nhan" cho các chàng trai. Bởi vậy, các cô gái khó tránh việc mang thai ngoài ý muốn. Ông Mạo Ngọc Than ngao ngán nhìn về thực tại ở nơi người Raglai sinh sống: "Làng Ma Oai, Ma Nới... tuy là vùng sâu, vùng xa bị ngăn cách bởi rừng núi nhưng việc "ăn cơm trước kẻng" diễn ra khá phổ biến không khác gì ngoài thị trấn, thành phố. Điều đáng lo ngại trong nhiều năm trở lại đây trên địa bàn sinh sống của người Raglai có nhiều công trình đường xá, nhà cửa được thi công, các nhân công lợi dụng phong tục "ngủ thảo" để "vượt rào" ở các bản làng dẫn đến hậu quả các cô gái mang bầu mà không biết được cha đứa bé là ai?". |
Quyên Triệu
Kỳ cuối: Hệ luỵ đau lòng của tục “ngủ thảo”