Hơn 20 năm sinh sống và làm nghề biển, ông Trần Văn Biết (45 tuổi, ở thôn Khánh Nhơn 1) đã nhiều lần chứng kiến sóng biển hung dữ đánh vào bờ cuốn trôi nhà cửa, tài sản của ngư dân. Đáng chú ý, khoảng 10 năm trở lại đây, tình trạng nước biển dâng cao bất thường và ngày một tiến sâu vào trong đất liền khiến nhiều nhà dân trước đó cách biển từ 20 - 30m thì nay chỉ cách bờ biển từ 2 - 3m.
Nhà bà Bùi Thị Thanh Tâm (thôn Khánh Nhơn 1, xã Nhơn Hải) trước đây cách biển khoảng 30m nhưng hiện nay chỉ còn cách chưa đầy 3m. Cuối năm 2017, do ảnh hưởng của bão, biển động mạnh kết hợp với triều cường, sóng lớn liên tục đánh vào bờ gây sạt lở. Nguy hiểm nhất là vào lúc nửa đêm, sóng biển bất ngờ đánh tràn vào nhà khiến mọi người phải di chuyển đồ đạc, lánh sang ở tạm nhà người dân ở phía trong.
Tuyến bờ biển dài gần 2km thuộc thôn Khánh Nhơn 1, Khánh Nhơn 2 đang bị sóng biển xâm thực ngày một sâu vào đất liền, tính mạng và tài sản của 20 hộ dân sống sát bờ biển có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào. Theo thống kê, đã có 8 nhà dân bị sóng biển đánh trôi, nhiều hộ dân phải di chuyển đi nơi khác sinh sống. Do lo sợ bị ảnh hưởng, một số hộ dân đã góp tiền cùng với các trại giống thủy sản trong khu vực mua đá để kè chắn sóng tạm thời. Tuy nhiên, mỗi lần sóng biển lớn đánh vào bờ cuốn trôi theo đất cát lại gây sạt lở bờ nghiêm trọng.
Ông Trần Đồng Linh, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải cho biết, tình trạng nước biển xâm thực đã diễn ra nhiều năm qua nhưng khoảng 5 năm gần đây nước biển xâm thực mạnh khiến tuyến bờ biển các thôn Khánh Nhơn 1, Khánh Nhơn 2 bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kinh phí của địa phương hạn hẹp trong khi cuộc sống của người dân rất khó khăn nên không đủ để xây kè kiên cố.
UBND xã đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên về phương án xây kè chắn sóng vững chắc nhưng do do chưa bố trí được kinh phí nên phải chờ đợi. Xã đã cử cán bộ đi khảo sát và hướng dẫn người dân các phương án ứng phó tạm thời với tình trạng biển xâm thực.
Theo Nguyễn Thành (TTXVN)