Chỉ dùng động cơ xe máy, anh đã "bắt" máy cày phải leo được đồi, ruộng dốc và quan trọng hơn là giá thành phải chăng, sáng chế này tiết kiệm nhiên liệu.
Bán gia sản để... thoả đam mê
Đôi dép tổ ong, ống quần xắn cao, hai bàn tay lấm lem dầu mỡ là hình ảnh quen thuộc của chủ xưởng máy cày tự chế anh Nguyễn Anh Tuấn. Người thanh niên này từng được gắn cho nhiều biệt danh, nào là Tuấn "máy cày", Tuấn "khùng"... nhưng với anh, biệt danh nào cũng được, chỉ cần bà con nông dân ở vùng miền núi biết đến anh và chiếc máy cày leo núi là đủ.
Tuy không sinh ra và lớn lên ở miền núi Sơn La nhưng anh Tuấn có tình cảm đặc biệt với mảnh đất này.
Năm 1999, anh Tuấn cùng gia đình từ xã Văn Phúc (huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) lên mở hiệu sửa chữa xe máy tại thi trấn Ít Ong (huyện Mường La). Sống và định cư ở đây, anh thấy bà con làm việc chăm chỉ nhưng vẫn nghèo, bởi nương rẫy khô cằn, chủ yếu là đồi núi, sức người sức trâu chẳng thấm tháp vào đâu.
Nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ cách thoát nghèo, anh Tuấn chợt nảy sinh một ý nghĩ táo bạo là tạo ra chiếc máy cày có thể cày các thửa ruộng chạy dưới chân và lưng chừng đồi núi cao. Ở miền núi đất đai nhiều nhưng nếu không có sự hỗ trợ của máy móc, sức người thì khó có thể tận dụng hết đất đai và hiệu quả kinh tế khó đạt được.
Dáng vẻ thường ngày của Tuấn "máy cày" tại xưởng.
Đến giờ, anh Tuấn cũng không hiểu được tại sao anh "dám" vượt qua bao nhiêu lời phàn nàn của người thân, bạn bè để nhất quyết "chạy" theo chiếc mày cày leo núi mà anh ấp ủ từ lâu.
Thời điểm anh bắt đầu làm chiếc máy cày leo núi, gia đình vẫn nằm trong danh sách các hộ nghèo nhất thị trấn Ít Ong. Thế mà, người thanh niên này vẫn dám vay mượn tứ tung, lắm lúc Tuấn cũng rát tai vì những lời bàn ra tán vào.
Nhiều người thấy anh lầm lũi với cái máy gắn động cơ xe máy ngoài ruộng, hết đo đạc rồi tháo ra lắp vào không biết bao nhiêu lần làm nhiều người bảo anh là kẻ rỗi hơi. Bạn bè, người thân dần mất niềm tin, nghĩ "thằng Tuấn đang bị điên" nên tìm cách khuyên can.
Suốt 5 năm trời đằng đẵng, một mình anh bỏ công sức đi khắp mọi miền đất nước với bộ quần áo và một chiếc máy ảnh để nghiên cứu chế tạo chiếc máy cày leo núi, giúp bà con dân tộc miền núi Sơn La có thể cơ giới hóa trên các thửa ruộng ở lưng chừng đồi núi.
Anh Tuấn kể: "Chiếc máy cày đầu tiên được tôi tận dụng động cơ "bổ" từ xe máy cũ. Sau thời gian dài nghiên cứu, tôi cải biến cơ cấu hoạt động của động cơ, lấy ống tuýp nước hàn thành khung máy, phía dưới có thêm chi tiết gắn lưỡi cày. Lần đầu chạy thử, máy di chuyển khoảng vài mét thì đứng khựng lại, rên sằng sặc, rồi "lịm" hẳn. Nhưng, thế với tôi cũng đã là tốt rồi!".
Tiếp tục tìm cách mổ xẻ thất bại để mày mò chế tạo, hàng ngày anh loay hoay với các chi tiết, bộ phận, tháo đi, lắp lại. Nhưng mọi việc không suôn sẻ như Tuấn nghĩ, thử đi thử lại đến chục lần, tiền bạc vay mượn cũng bay theo mỗi lần thất bại. Thời điểm khó khăn nhất là lúc "cụt" vốn, vợ chồng anh phải rao bán mảnh đất ông ngoại cho để có tiền làm máy cày.
Thất bại nhiều, anh biết bạn bè, người thân cũng vì lo lắng cho anh nên mới khuyên can nhưng cũng có những người ủng hộ và mong anh thành công. Anh Tuấn nhớ lại: "Có những ngày, đem máy cày ra đồng thử, dù trời nắng chang chang vẫn có hai cụ già người dân tộc Thái đi làm ruộng về nán lại hỏi han, động viên.
Có cụ bảo: "Cháu cố nghiên cứu cái máy chạy được cho dân bản bớt khổ. Từ xưa tới giờ toàn dùng trâu, bò cày nương, cày ruộng, chỗ đất dốc trâu bò không làm được lại phải dùng sức người khổ lắm. Nếu có cần hai già giúp gì thì cháu cứ bảo, già sẽ cố gắng!".
Chính những lời động viên rất chân thành của hai già đã tiếp thêm động lực cho tôi. Đến giờ, tôi cũng không nhớ nổi mình đã thất bại bao nhiêu lần, chỉ biết, số tiền sắt vụn từ những chiếc máy cày chế tạo hỏng, bố tôi đã bán được tới… 63 triệu đồng”.
Chiếc máy cày độc đáo của gã "khùng"
Để nghiên cứu chế tạo máy cày, Tuấn mua hẳn một chiếc máy cày của Trung Quốc và một máy cày của Đài Loan có giá đến 100 triệu đồng về tháo ra nghiên cứu.
Lúc đó, anh cũng muốn mua chiếc máy cày của Nhật nhưng giá lên tới hơn 200 triệu đồng, anh không đủ tiền mua. Thay vào đó, anh chỉ có thể đến các cửa hàng xem xét kỹ lưỡng từng bộ phận xem nó hoạt động ra sao. Sau bao tháng nghiên cứu, chiếc máy cày của Tuấn "khùng" cũng được thử nghiệm thành công. "Buổi thử máy, dân bản kéo nhau ra xem rất đông.
Tôi hồi hộp, lo lắng theo từng tiếng nổ, đoạn cua của máy. Tôi sợ nhất là tiếng sằng sặc của máy trong những lần thất bại trước", anh Tuấn tâm sự. Hai "con trâu sắt" đầu tiên được anh tặng cho hai người nông dân trong huyện vừa để dùng thử vừa để quảng bá với bà con.
Chiếc máy cày mi ni của anh Tuấn có cấu tạo với nút đề khởi động, chạy bằng xăng như xe máy và có tổng trọng lượng 72kg. "Con trâu sắt" này có thể leo được dốc 65 độ. Dàn 6 lưỡi cày sắc bén cũng cho phép máy hoạt động trên thửa ruộng có độ dốc 15 độ, đất cằn cỗi lẫn cả sỏi đá.
Đặc biệt, máy dễ dàng vận chuyển khi đi làm nương, với nhiều chức năng khác nhau vừa cày, bừa. Bất cứ ai cũng có thể dễ dàng điều khiển nó bởi cấu tạo đơn giản.
Trong vòng 5 giờ, máy có thể cày, bừa được 1.300-1.500m2 trên địa hình dốc, gấp 4 lần sức trâu, bò. Lưỡi cày, bừa sâu 18cm và quay đầu trong diện tích 1m2 rất thuận lợi cho việc canh tác ở những thửa ruộng nhỏ, ruộng kẹp ở chân các khe, chân núi đồi. Đặc biệt, chi phí nhiên liệu để cày xong một sào ruộng chỉ tốn khoảng 30.000 đồng.
Bánh xe có thể thay đổi với 4 loại bánh, không chỉ chạy trên đường nhựa, đất ruộng mà chạy được cả trên ruộng bậc thang với hệ thống bánh phao chống lún. Giá thành mỗi chiếc máy cày chỉ 16,2 triệu đồng, so với máy cày Trung Quốc trên thị trường là 29 triệu đồng, còn máy cày của Nhật có giá gần 200 triệu đồng.
Ngoài máy cày, Tuấn còn nghiên cứu và sáng chế ra các loại máy chế biến nông sản và đều có giá rẻ. Chiếc máy chế biến thức ăn gia súc có giá 1 triệu đồng, máy tuốt lúa chạy bằng động cơ xe máy giá 2,6 triệu đồng, máy chế biến thức ăn thủy sản giá 6 triệu đồng, máy phay đất (máy cuốc đất) giá 12 triệu đồng…
Để đáp ứng nhu cầu trên thị trường, anh đã cùng một số thành viên thành lập HTX Cơ khí nông nghiệp và Dịch vụ tiểu thủ công nghiệp Thanh Niên, chuyên sản xuất máy cày cầm tay. Từ ngày thành lập đến nay, HTX đi vào sản xuất với 1 nhà xưởng 120m2 và tạo công ăn việc làm cho 24 lao động, với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/tháng.
Từ khi "con trâu sắt" của anh Tuấn được thử nghiệm thành công, 70 chiếc máy cày đã được bán ra thị trường. Anh vui mừng chia sẻ: "Tôi đang cho xây dựng nhà xưởng, máy móc quy mô rồi sẽ tăng năng suất sản xuất máy, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đến bây giờ, "con trâu sắt" còn được nhiều bà con ở trong Nam biết đến. Chúng tôi đã nhận được cả những đơn đặt hàng với số lượng lớn từ miền Nam".
Một số nhà đầu tư ngỏ ý mua bản quyền sáng chế máy cày với giá đến cả chục tỷ đồng nhưng anh đã từ chối. Anh Tuấn chia sẻ: "Cái máy như đứa con của mình vậy. Mình sẽ cố gắng đáp ứng nhu cầu khách hàng và sẽ bán sản phẩm ở mức giá thấp nhất cho bà con.
Quan trọng hơn cả, mình muốn giữ "đứa con đầu lòng" để chứng tỏ đam mê sáng tạo kỹ thuật, dù mình chưa học hết cấp 3 nhưng chỉ cần niềm đam mê là chắc chắn các bạn trẻ sẽ làm được".
Nhiều phần thưởng cao quý cho Tuấn "khùng" Anh Tuấn đã nhận được rất nhiều giải thưởng, giải Sáng tạo trẻ năm 2010 do Trung ương Đoàn tặng, giải Sao Vàng Đất Việt năm 2010, giải Sáng tạo trẻ Sơn La 2010, giải thưởng Lương Đình Của 2010, giải thưởng tại Festival Sáng tạo trẻ toàn quốc lần thứ V - 2012. Công trình chiếc máy cày của anh Tuấn là một trong 45 đề tài, sáng kiến, giải pháp, sản phẩm sáng tạo được Trung ương Đoàn trao bằng khen trong Festival Sáng tạo trẻ toàn quốc lần thứ V tổ chức tháng 11/2012. |
Đỗ Thơm - Diệp Hương