Đã từng có một thời đạo diễn Long Vân trở thành một hiện tượng với các tác phẩm điện ảnh gắn liền với người lính, sự nghiệp đấu tranh vì dân tộc như: Giải phóng Sài Gòn, Hẹn gặp lại Sài Gòn, Biệt động Sài Gòn, Tiếng gọi phía trước, Cho cả ngày mai, Nơi gặp gỡ của tình yêu, Những người không mang họ,…
Đạo diễn Long Vân sinh năm 1936 tại Hà Nội sau đó ông cùng gia đình theo kháng chiến lên Thái Nguyên.
Năm 14 tuổi, đạo diễn Long Vân được gửi sang Nam Ninh, Trung Quốc học tập cùng với GS.TS Nguyễn Lân Dũng; GS. Hồ Ngọc Đại,...
Năm 1955, đạo diễn Long Vân tốt nghiệp Sư phạm và gắn bó với nghề dạy học cho đến sau này chuyển hướng sang điện ảnh.
Ông thuộc thế hệ đạo diễn trưởng thành trước 1975. Sau khi tốt nghiệp, ông mất 15 năm đi làm Phó đạo diễn cho lớp đạo diễn đàn anh như Phạm Kỳ Nam, Huy Thành, Bạch Diệp, Nông Ích Đạt…
Mối tình đẹp với Biệt động Sài Gòn
Nói về cơ duyên đến với Biệt động Sài Gòn, đạo diễn Long Vân say sưa kể với báo An ninh nhân dân rằng hơn 30 năm trước, khi đang thực hiện bộ phim Cho cả ngày mai, đạo diễn Long Vân gặp vị tư lệnh Biệt động Sài Gòn thật sự - Thiếu tướng Trần Hải Phụng.
Khi biết ông là đạo diễn Nơi gặp gỡ của tình yêu, đạo diễn Long Vân bắt đầu cùng với nhà biên kịch Lê Phương tạo ra những linh hồn điện ảnh, những chiến sỹ biệt động khét tiếng một thời với những chiến công oanh liệt Tư Chu (vai Tư Chung), Bảy Bê (vai Sáu Tâm), Năm Nè (vai K9)...
Được biết ban đầu bộ phim được đặt tên là Thiên thần ra trận. Nghe tên phim, Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (khi ấy là Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh) tỏ ý không bằng lòng, gặp đoàn làm phim nêu ý kiến: "Sao không đặt tên phim là Biệt động Sài Gòn cho đúng với thực tế đã diễn ra mà lại là Thiên thần ra trận? Thiên thần làm sao lập được chiến công như những chiến sĩ biệt động?".
Đạo diễn Long Vân từng chia sẻ với cánh báo chí rằng, để thực hiện dự án Biệt động Sài Gòn, ông và ê-kíp đã mất 5 năm trời ròng rã, đến khi quyết toán ông vẫn còn nợ xưởng 800 đồng, lại phải mang tiền vợ đi trả. Cát-xê lớn nhất của ông được trả bấy giờ là đôi giày đinh.
Chia sẻ về những cảnh quay kinh điển như cảnh Ni cô Huyền Trang bị tra tấn, cảnh em bé bán báo bị thả vào thùng rắn độc, đạo diễn Long Vân bồi hồi nhớ lại cùng An ninh Thủ đô rằng: "Cảnh tra tấn Huyền Trang cũng để lại cho người xem nhiều ấn tượng, khi thực hiện cảnh này chúng tôi phải tham khảo nhiều tư liệu, rồi nghe những người đi tù ở Côn Đảo kể lại mới sáng tạo ra cảnh đó. Những kẹp trên đầu là kẹp sắt giấy, cho nhiều dây dợ chằng lên, dùng đúng mô tơ điện ở trong nhà tù để làm cho khán giả sợ hãi. Cái hay chính là sự thể hiện của Thanh Loan trong cảnh này. Còn cảnh Sáu Tâm nhảy cầu, địch bắn súng theo anh. Ở dưới sông có giăng thuốc nổ, mỗi lần nhảy xuống là có người giật dây cho thuốc nổ bắn tung nước lên thể hiện đạn của địch. Chúng tôi thực hiện cảnh này rất nguy hiểm vì nếu nhảy đúng vào vùng giăng thuốc nổ là bị thương".
Clip em bé bán báo (nghệ sĩ Vân Dung) bị tra tấn dã man trong Biệt động Sài Gòn:
Vai diễn hư cấu đó chính là vai em bé bán báo – nghệ sĩ Vân Dung (con gái ruột của đạo diễn Long Vân).
Dù là nhân vật hư cấu nhưng ông cho thực hiện những cảnh quay như thật, hết sức ghê rợn và thô bạo.
"Vai cô bé bán báo do con gái tôi đóng. Khi thực hiện cảnh con bé bị địch tra tấn bằng cách thả vào thùng rắn độc, con bé chỉ yêu cầu tôi làm thế nào để bọn rắn đừng thè lưỡi. Tôi lại cần quay rắn thè lưỡi thì mới gây sợ hãi. Tôi thuê khoảng hai chục con rắn khỏe của một nhà hàng chuyên bán rắn, phải thuê luôn cả nhân viên cửa hàng rắn đóng người tra tấn để anh ta điều khiển chúng, tất nhiên, những con rắn này đã được nhổ hết răng nên không còn nọc...", đạo diễn Long Vân nói thêm.
Có lẽ, trong lịch sử ngành Điện ảnh Việt Nam chưa có phim nào ăn khách đến thế. Khi công chiếu ngoài rạp, bộ phim đã trở thành một phim khiến người xem điên đảo, xô nhau mua vé, chen nhau đổ cả cổng rạp.
Clip Một cảnh trong Biệt động Sài Gòn:
Không quá lời khi khẳng định rằng Biệt động Sài Gòn trở thành huyền thoại điện ảnh của cả tác giả và dòng phim nhà nước một thời.
Khoảng năm 2006, ông được đặt hàng làm phim về ngành công an và Những đứa con biệt động Sài Gòn tiếp tục ra đời.
Đạo diễn Long Vân tâm sự: "Chúng tôi sản xuất phim rất kỹ lưỡng và nghiêm túc, quay tới 6- 8 ngày/tập chứ không phải 2-4 ngày như các phim khác. Tôi làm chỉ đạo nghệ thuật nên đã yêu cầu các anh em phải chú ý tới từng chi tiết, không được làm ẩu, làm cho qua chuyện, chính vì thế mà kinh phí làm phim cao".
"Bây giờ có tiền cũng khó làm lại được vì bối cảnh khác, những người tham gia cũng khác. Diễn viên trước kia được đóng phim là vinh dự lắm, thức khuya dậy sớm. Họ còn chấp hành nghiêm chỉnh ý kiến đạo diễn, không được mang thai trong vòng 4 năm. Bây giờ thì không thể, làm một phim 4 năm mà phải ký hợp đồng không được có bầu bây giờ có thuê nhiều tiền họ cũng không làm", đạo diễn Long Vân nhấn mạnh.
Duyên nợ với "Kim Cương"
Nhắc đến nghệ sĩ Long Vân là phải nhớ đến nghệ sĩ Kim Cương – người vợ già hết mực chiều chồng. Với vị đạo diễn từng tự nhận bản thân yêu phim trường hơn mọi thứ trên đời phải thốt lên rằng hơn ai hết, ông thầm cảm ơn người con gái có chất giọng cao vút của Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã cùng ông vượt qua bao nhiêu khó khăn gian khổ để có được ngày hôm nay.
Người vợ đảm ấy đã tháo vát chu toàn cho hạnh phúc của cả gia đình, nuôi dạy con cái trưởng thành để ông yên tâm làm phim.
Thời trẻ, vợ của ông – Kim Cương hoạt động trong Đoàn nghệ thuật Hà Nam. Bà từng hoạt động trong Đoàn văn công Tổng cục Chính trị, sau đó được phân công vào chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị phục vụ chiến trường. Kỉ niệm sâu sắc nhất của nghệ sĩ Kim Cương đó chính là việc được biểu diễn cho Bác Hồ.
Đối với đạo diễn Long Vân, mối tình với người vợ như là mối duyên tiền kiếp.
Si mê với cái đẹp của cô gái văn công, anh đạo diễn tài hoa tình nguyện trồng cây si trước cánh cửa tâm hồn của người đẹp, cứ đi theo người đẹp từ chỗ sơ tán đến khu văn công ở Mai Dịch. Thậm chí đứng ở một góc chờ bà mặc cho bom đạn dội xuống ầm ầm.
Ở vào tuổi 83, sau những vinh quang của nghề nghiệp, hiện đạo diễn Long Vân vẫn là một người hào sảng, say đắm và nồng nhiệt với cuộc đời, với phim ảnh.
Hiện tại, ông và bà hạnh phúc giản dị trong một ngôi nhà ở phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất mà ông vẫn tự cho rằng cuộc đời đã ưu ái với ông.
(còn nữa)
Minh Anh (Tổng hợp)