Vai Sáu Tâm của diễn viên Thương Tín là hình mẫu của Bảy Bê, đội trưởng đội 5 Biệt động Sài Gòn. Thời đó, Bảy Bê nổi tiếng với những chiến công rúng động khắp miền Nam và cả thế giới như đánh bom khách sạn Caravelle, tòa Đại sứ Mỹ, cư xá Brink…
Xuất hiện từ những phần đầu phim, Sáu Tâm hiện lên đúng chất người lính biệt động Sài Gòn gan dạ, mạnh mẽ, quyết đoán.
Hình ảnh Sáu Tâm liều mình cắt ngang đoàn xe đưa Thứ trưởng bộ Ngoại giao Mỹ nhanh thoăn thoắt ném quả mìn nổ ngay trước đoàn xe hộ tống đã đọng lại trong lòng khán giả bao thế hệ.
Tuy nhiên, khi trận đánh bom khách sạn Caravelle chuẩn bị tiến hành thì Sáu Tâm bị chính người từng là chiến hữu – Ba Cẩn giết hại trên cầu.
Được biết, trong quá trình làm phim, trong kịch bản lần đầu, nhân vật Sáu Tâm (Thương Tín đóng) vẫn sống đến hết phim.
Tuy nhiên sau khi tiến hành xong vài đoạn phim thì mọi người có chung một nhận xét là vai diễn phụ Sáu Tâm đúng như kịch bản ban đầu thì quá đẹp, tài giỏi quá, mũi tên hòn đạn không chạm vào người được và không được chân thật.
Những hình ảnh của Sáu Tâm trong Biệt động Sài Gòn:
Mất mấy đêm vắt óc, đạo diễn Long Vân quyết định để Sáu Tâm "phải chết". Bởi hoạt động trong lòng địch cần thông minh tài trí, nhưng tài đến mấy cũng không tránh khỏi mất mát.
Tuy nhiên, Sáu Tâm hi sinh sẽ kéo theo mạch nhân vật biến đổi.
Nhưng thành thực mà nói, bộ phim nói về các chiến sĩ biệt động để đề cao tính tập thể chứ không chú ý đến nhân vật nào khác.
Mặt khác, việc Sáu Tâm hy sinh nửa chừng, có thể tạo hiệu ứng cảm xúc rất mạnh trong lòng khán giả vì đó là một anh hùng tài giỏi trong chiến đấu, một người tình tuyệt vời với đầy đủ phẩm chất “soái ca”.
Suy đi tính lại, đạo diễn và biên kịch cho rằng hợp lý nhất là để cho Sáu Tâm chết vì bị Ba Cẩn – một đồng đội của mình - phản bội.
Phân cảnh ấy sẽ tạo được cảm giác phẫn nộ với kẻ phản bội đan xen cảm giác xót xa về sự hy sinh của Sáu Tâm.
Việc để Ba Cẩn chỉ điểm đã nói lên được sự khốc liệt đến tận cùng của cuộc chiến đấu trong lòng địch. Nếu sợ hãi, không có ý chí thì đồng chí đồng đội có thể trở thành kẻ thù trong chớp mắt.
Trong tập 2 Biệt động Sài Gòn, Sáu Tâm đã bị giết ngay trên cầu, khi đang trên đường làm nhiệm vụ.
Và người chịu đả kích lớn nhất là Ngọc Lan - người yêu của Sáu Tâm.
Vừa hay tin người yêu hy sinh, Ngọc Lan được lệnh đi xử tử Ba Cẩn - một đồng đội cũ của hai người. Bởi từng là chiến hữu nên nhân vật không thể thẳng tay thanh toán nhau như kẻ thù.
Clip Ngọc Lan giết chết tên phản bội Ba Cẩn:
Cô đã giả làm người sửa điện cho nhà Ba Cẩn rồi tìm cách khống chế để hỏi tội Ba Cẩn. Nhưng đúng lúc giây phút quyết định nhất thì khi Ba Cẩn quỳ xuống xin tha thứ, cầu xin: "Tôi còn mẹ già và các con thơ, xin mở cho một con đường sống để đoái công chuộc tội".
Chính giây phút phân vân, Ba Cẩn đã đá khẩu súng trên tay Ngọc Lan và tấn công ngược lại. Tuy nhiên, Ba Cẩn vẫn phải trả giá cho hành động của mình.
Về phần mình, cô đau xót quỳ xuống, hai hàng nước mắt chảy ra vì buộc phải bắn một kẻ phản bội đã từng chung chiến hào.
Trong Biệt động Sài Gòn, có thể nói Thương Tín đã góp phần khắc họa được một cách sâu sắc, chân thật về hình ảnh của người chiến sĩ biệt động.
Chân thật đến mức, chính ông Sáu Tâm - người chiến sĩ biệt động năm xưa cũng phải thừa nhận rằng, Thương Tín đã cố gắng hết sức để vào vai Sáu Tâm một cách sinh động nhất, dù tất cả những hiểm nguy mà ông vượt qua trong cuộc đời người chiến sĩ biệt động đều là những khoảnh khắc khó lặp lại trong đời thường.
Còn hiện tại, không còn là chàng diễn viên điển trai, kiêu hùng làm mê hồn bao cô gái ngày nào, ngôi sao màn bạc Thương Tín bây giờ đã là một ông già lụ khụ, mặt mày hốc hác đen đúa do thời gian tàn phá.
Ngẫm lại cuộc đời mình, nghệ sĩ Thương Tín suy tư: "Mỗi việc làm, quyết định đều có nguyên nhân và hoàn cảnh đưa đẩy. Dù đúng hay sai, tôi cũng đã làm nên hậu quả thế nào bản thân tự chấp nhận. Chơi cờ bạc không làm tôi tiêu tốn nhiều tiền nhưng đã ảnh hưởng nhiều đến danh tiếng. Đó là điều tôi cảm thấy đáng tiếc".
Từng trải qua nhiều cuộc tình và những cuộc hôn nhân thất bại, Thương Tín tưởng đâu sẽ sống cuộc sống độc thân đến hết đời thì ở tuổi 58, ông bất ngờ chia sẻ với mọi người về cuộc hôn nhân với 1 cô gái chỉ mới hơn 20 tuổi và việc ông được lên chức bố.
Thương Tín phải thừa nhận rằng sự xuất hiện của cô con gái chính là bước ngoặt trong cuộc đời của ông.
Thời trẻ mang tiếng là diễn viên danh giá nhưng lại chẳng tích lũy được gì nên giờ ông phải miệt mài trở lại phim trường, tích cực kiếm tiền để nuôi con.
Dù đã ngoài 60 nhưng mỗi lần đi đóng phim, Thương Tín đều sử dụng xe máy để di chuyển. Có những lúc địa điểm quay phim cách xa tới hàng trăm cây số, quay về khuya ông vẫn cố gắng để về nhà chỉ vì sợ ở lại tốn tiền thuê nơi ở trọ.
Thương Tín bộc bạch: "Tôi đóng phim phần lớn cũng là vì con gái. Tôi thấy mình thời trẻ kinh tế đủ đầy thì lại không có con gái để lo, giờ để con chịu thiệt thòi, cực khổ, tôi không chịu được".
"Con tôi năm nay mới gần 6 tuổi, đang tuổi ăn tuổi lớn nên nhiều chi phí lắm. Một tháng chi phí cho cả gia đình ở Sài Gòn cũng phải hơn chục triệu, mà làm phim thì lúc có lúc không, cát sê thì cũng không cao nên cuộc sống của tôi khó khăn lắm. Tháng nào có phim để làm còn đỡ, tháng nào không có thì lại đói"- Thương Tín thầm than thân.
Nam diễn viên Biệt động Sài Gòn năm nào cho biết ông chấp nhận đóng tất cả các thể loại vai và nhận cả những vai nhỏ để có tiền nuôi con.
Hào quang thời xưa nay chẳng thể "mài ra mà sống" nên Thương Tín tranh thủ mọi cơ hội nhằm kiếm cơm nuôi gia đình.
Dù chật vật gánh nợ cơm áo gạo tiền, nhưng đó rõ ràng là một niềm vui trong trẻo kỳ lạ mà ông cảm nhận được sau hơn nửa đời người phiêu bạt và bất cần.
(còn nữa)
Minh Anh