Nhiều địa phương kêu thiếu giáo viên
Được biết, theo báo cáo của Sở GD&ĐT Tp.HCM, năm học 2022-2023, Tp.HCM cần tuyển hơn 5.200 giáo viên, trong đó tiểu học hơn 2.300, THCS gần 1.700, mầm non gần 900 và THPT gần 300. Các môn thiếu giáo viên, nhiều nhất là giáo viên dạy môn tiếng Anh, Tin học.
Tương tự, năm học 2022-2023, tình trạng thiếu giáo viên ở Cao Bằng càng trở nên trầm trọng. Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, từ năm học này, Tin học và tiếng Anh là môn học bắt buộc với học sinh lớp 3 mà giáo viên hai môn này thiếu nhiều dẫn đến tình trạng “giật gấu, vá vai”, vẫn không đủ giáo viên đứng lớp.
Hiện ngành giáo dục địa phương đang thiếu 482 biên chế so với chỉ tiêu được giao. Trong đó, tỉnh thiếu 87 giáo viên tin học và 83 giáo viên tiếng Anh để đứng lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới trong năm học 2022-2023. Năm 2022, tỉnh Cao Bằng đã tổ chức thi tuyển viên chức ngành giáo dục, nhưng chỉ tiêu được giao 519 viên chức, qua thi tuyển, chỉ tuyển được 315 viên chức, hụt 204 người so với chỉ tiêu được giao, nguyên nhân do không có nguồn để tuyển dụng.
Trước vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực, ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cao Bằng chia sẻ: Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên môn Tin học và tiếng Anh, ngành giáo dục địa phương đã chỉ đạo phòng GD&ĐT các huyện, thành phố trên địa bàn tăng cường giáo viên bậc trung học cơ sở hỗ trợ giảng dạy ở các trường tiểu học, bố trí giáo viên dạy liên trường và ký hợp đồng với giáo viên Tin học và tiếng Anh đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên hiện có vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu giảng dạy.
Cần bố trí giáo viên tiếng Anh, tin học trung học cơ sở xuống dạy tiểu học
Trước tình trạng thiếu hụt giáo viên cho năm học mới 2022 - 2023, Tp.HCM vừa yêu cầu điều động, biệt phái giáo viên tiếng Anh, Tin học tại các trường THCS xuống dạy... tiểu học nhưng việc này không dễ thực hiện vì bậc THCS cũng thiếu giáo viên trầm trọng.
Cụ thể theo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2022-2023 được Sở GD&ĐT Tp.HCM công bố ngày 9/9 , Phòng GD&ĐT các quận, huyện và Tp.Thủ Đức cùng hiệu trưởng các trường tiểu học phải đảm bảo dạy môn Tiếng Anh, Tin học cho 100% học sinh lớp 3 từ năm học này theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Với lớp 1, 2, các trường triển khai chương trình môn Tiếng Anh tự chọn và tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận giáo dục Tin học. Với khối 4, 5, các trường tiếp tục dạy Tiếng Anh tự chọn theo chương trình cũ và chương trình thí điểm Tiếng Anh cấp tiểu học; tăng cường tổ chức dạy tiếng Anh 8 tiết/tuần.
Do thiếu giáo viên Tiếng Anh và Tin học cấp tiểu học trong khi chương trình hai môn học này trở thành bắt buộc ở cấp tiểu học từ năm học này, Tp.HCM yêu cầu các Phòng GD&ĐT, các trường học có phương án bố trí giáo viên linh hoạt.
Cụ thể, các Phòng Giáo dục có thể điều động giáo viên dạy liên trường trong cùng cấp học hay biệt phái, điều động giáo viên Tiếng Anh, Tin học cấp THCS giảng dạy tại trường tiểu học. Các giáo viên này cần được tập huấn, bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy, chương trình và sách giáo khoa cấp tiểu học.
Khi điều động, ngành giáo dục các địa phương và các nhà trường cần có phương án đảm bảo quyền lợi cho giáo viên sao cho phù hợp với thực tế của địa phương.
Trước tình trạng các địa phương kêu thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương tiếp tục áp dụng nhiều giải pháp linh hoạt, khả thi.
Năm học mới diễn vừa ra được vài tuần, theo đó để bảo đảm thực hiện dạy học môn Tiếng Anh và Tin học bắt buộc từ lớp 3 theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới từ năm học 2022-2023, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương tiếp tục áp dụng nhiều giải pháp linh hoạt, khả thi. Trong đó, thực hiện việc rà soát, cân đối, bố trí, sắp xếp số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập phù hợp với nhu cầu dạy và học, đặc biệt ưu tiên bố trí biên chế cho các khối, lớp áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông mới.
Các địa phương tiếp tục thực hiện Đề án sắp xếp lại trường, lớp học; dồn ghép điểm trường lẻ cấp tiểu học để bảo đảm tiết kiệm biên chế giáo viên (nhất là giáo viên Tiếng Anh, Tin học) và tận dụng cơ sở vật chất, trường, lớp học để bảo đảm chất lượng giảng dạy nói chung và giảng dạy đối với các khối, lớp thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới.
Để đảm bảo năm học mới diễn ra đúng theo kế hoạch và chất lượng đề ra, Bộ GD&ĐT lưu ý trong xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyển dụng viên chức ngành giáo dục từ năm 2021 đến 2025, các địa phương ưu tiên tuyển dụng, tiếp nhận đối với giáo viên Tiếng Anh, Tin học cấp tiểu học. Đồng thời, thực hiện tuyển dụng mới trong năm 2022 và các năm tiếp theo đối với giáo viên đang hợp đồng lao động tại các trường tiểu học; bố trí, ưu tiên để các giáo viên chưa đạt trình độ chuẩn được đào tạo đi đào tạo nâng trình độ chuẩn trước khi tuyển dụng.
Nếu các địa phương không tuyển dụng đủ giáo viên môn Tiếng Anh và Tin học cấp tiểu học, sẽ thực hiện cân đối, biệt phái, bố trí, điều chuyển hoặc cử giáo viên môn Tiếng Anh và Tin học cấp trung học cơ sở thuộc địa bàn huyện, thành phố tham gia giảng dạy tại các trường tiểu học (sau khi đã bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy cấp tiểu học) hoặc bố trí giáo viên có thể thực hiện dạy tại một số trường trên cùng địa bàn có khoảng cách địa lý phù hợp.
Mặt khác, khi chưa thể bố trí đủ giáo viên môn Tiếng Anh và Tin học tại các trường tiểu học, sẽ tổ chức bố trí dạy học trực tuyến trong phạm vi các lớp 3 của một trường hoặc nhiều trường hoặc cho học sinh học theo các video bài học đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn, cấp phép và ban hành. Đối với môn Tiếng Anh, có thể thực hiện giải pháp học trên truyền hình với sự hỗ trợ của giáo viên nhà trường và phụ huynh học sinh.
Nhằm đảm bảo chất lượng cho học sinh, Bộ GD&ĐT cũng đưa ra giải pháp các địa phương thực hiện việc đặt hàng với cơ sở đào tạo để đào tạo giáo viên Tiếng Anh và Tin học, bảo đảm bố trí đủ giáo viên thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Tuyên truyền, khuyến khích, có chính sách phù hợp để bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với những người đã tốt nghiệp trình độ đại học chuyên ngành Tiếng Anh hoặc Tin học có nguyện vọng trở thành giáo viên dạy tiểu học.
Ngoài ra, các địa phương thực hiện việc ký hợp đồng lao động, hợp đồng thỉnh giảng và khuyến khích giáo viên nghỉ hưu tiếp tục hợp đồng giảng dạy phù hợp với nhu cầu từng trường.
Đảm bảo đủ về cơ cấu, số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục
Mới đây, tại báo cáo Hội nghị Tổng kết năm học 2021- 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, Bộ GD&ĐT cho biết đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên, cán bộ giáo dục để thực hiện tốt các quy định về tuyển dụng, đánh giá, tinh giản biên chế ngành Giáo dục; khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, nhất là các tỉnh miền núi.
Đồng thời, bảo đảm nguyên tắc "có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp", ưu tiên bảo đảm giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018. Bộ GD&ĐT cũng phối hợp với Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung biên chế giáo viên theo lộ trình đến năm 2026. Đến nay, Bộ Chính trị đã quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên cho các địa phương trong cả giai đoạn 2022-2026.
Về nguồn nhân lực cho việc triển khai Chương trình GDPT 2018, Bộ GD&ĐT thông tin, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục của các địa phương đã hoàn thành bồi dưỡng các mô đun ưu tiên, được trang bị kiến thức và kỹ năng để thực hiện chương trình mới.
Bộ GD&ĐT đã hoàn thành các khóa bồi dưỡng đại trà cho 641.240 giáo viên (trong đó có 322.082 giáo viên tiểu học, 216.204 giáo viên THCS, 102.954 giáo viên THPT) và 48.422 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (trong đó, cấp tiểu học có 25.562 người, THCS có 16.784 người, THPT có 6.076 người).
Ngoài ra, hoàn thành bồi dưỡng 6 mô đun ưu tiên cho 30.127 giáo viên cốt cán (đạt 105,3% so với mục tiêu đề ra) và 3.815 cán bộ quản lý cốt cán (đạt 106% so với mục tiêu đề ra).
Đặc biệt, Bộ GD&ĐT cho biết thời gian tới sẽ tổ chức triển khai thực hiện quyết định của Bộ Chính trị về việc bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương trong năm học 2022-2023 và những năm tiếp theo. Trong đó, ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới trong Chương trình GDPT 2018.
Bộ cũng tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS theo quy định tại Nghị định 71 ngày 30/6/2020 của Chính phủ; chú trọng bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học.
Vấn đề đào tạo giáo viên sẽ gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đặc biệt, bố trí đủ giáo viên dạy học các môn Ngoại ngữ và môn Tin học để triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 3.
Trúc Chi (t/h theo Nhân Dân, Tiền Phong, Vnexpress)