Biệt thự tiền tỷ ngập nước: Hà Nội 'hại mình' bằng quy hoạch lỗ mỗ?

Biệt thự tiền tỷ ngập nước: Hà Nội 'hại mình' bằng quy hoạch lỗ mỗ?

Nguyễn Thị Hương Lan

Nguyễn Thị Hương Lan

Thứ 4, 19/07/2017 18:55

Câu hỏi mà dư luận quan tâm, vì sao nhiều năm nay Hà Nội vẫn chưa thoát cảnh “phố cũng thành sông”, phải chăng do lỗi quy hoạch cốt đường và nhà dân bất hợp lý?

Hoàn lưu bão số 2 gây mưa lớn khiến nhiều tuyến phố tại Hà Nội ngập cục bộ. Đặc biệt nhiều biệt thự tiền tỷ liền kề thuộc khu đô thị Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) cũng không thoát cảnh ngập trong “biển nước”.

Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận định: “Hiện nay, cốt nền quy hoạch “loạn xạ”, cái sau cao hơn cái trước, chắn hết nguồn nước chảy. Hà Nội đang tự hại mình bằng quy hoạch lỗ mỗ". Dưới đây là cuộc trao đổi của PV với TS. Phạm Sỹ Liêm.

PV: Hà Nội thường rơi vào tình trạng ngập úng sau mỗi trận mưa lớn. Ngay cả những khu biệt thự tiền tỷ phía Tây thành phố cũng không thoát cảnh chìm trong “biển nước”. Ông nhận định sao về thực tế này?

TS. Phạm Sỹ Liêm: Tôi không ngạc nhiên trước cảnh tượng Hà Nội vừa mưa đã ngập. Thực tế, Hà Nội cũng lường trước nguy cơ này và có những quy hoạch thoát nước, dự án đầu tư bài bản. Theo tôi được biết, Hà Nội đang thực hiện giai đoạn 2 thoát nước đô thị (kéo dài từ nay đến năm 2030 - PV) tuy nhiên, hiệu quả mới dừng lại ở việc “thoát nước từ từ”.

Xã hội - Biệt thự tiền tỷ ngập nước: Hà Nội 'hại mình' bằng quy hoạch lỗ mỗ?

 Nhiều biệt thự ngập sâu trong nước (Ảnh Kênh 14).

Trong quá trình thực hiện quy hoạch cần có những biện pháp trước mắt cho những khu vực ngập cục bộ. Nhưng thực tế, khắc phục được nơi này, nơi khác lại chìm trong "biển nước", điển hình gần đây là khu Tả sông Nhuệ, phía Tây Hà Nội. Điều đó cho thấy, Hà Nội đang thiếu kết nối thoát nước tại khu vực này với các con sông (sông Nhuệ, sông Tô  Lịch). Theo tôi, những kết nối này không phải chờ dự án, quy hoạch mới làm được mà cần làm ngay.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng ngập úng xảy ra là do quy hoạch cốt nền và nhà dân bất hợp lý?

TS. Phạm Sỹ Liêm: Thực tế, ở TP.HCM, tại các vùng ngập cục bộ, họ phải lập trạm bơm cưỡng bức, giải quyết tức thời úng ngập. Theo tôi, Hà Nội cũng cần có những giải pháp kịp thời, không thể chờ nước tự thoát. Vì hiện nay, cốt nền quy hoạch “loạn xạ”, cái sau cao hơn cái trước, chắn hết nguồn nước chảy, việc quy hoạch lỗ mỗ là Hà Nội tự hại mình.

Trong đô thị, cốt nền phải có độ dốc để nước tự chảy đến nơi thu gom. Vì việc tính toán cốt nền chưa chuẩn nên vừa qua, chính các trạm bơm cũng bị nước đe dọa. Nhiều đường lớn, mới làm nhưng đã ngập và chỉ ngập từng đoạn chứ không ngập hết. Điều này có nguyên nhân từ cốt nền chưa được nghiệm thu đúng.

PV: Vậy theo ông, đâu là lời giải cho bài toán chống ngập ở Hà Nội hiện nay?

TS. Phạm Sỹ Liêm: Ở các nước thường có 2 hệ thống: Thoát nước thải và thoát nước mưa, được làm riêng biệt. Còn ở Hà Nội, từ thời Pháp, đã dùng hệ thống hỗn hợp cho cả nước thải và nước mưa. Trong hệ thống thoát nước lại có hệ thống quy mô của toàn đô thị và hệ thống cục bộ. Đối với hệ thống tổng thể, muốn thoát nước tốt đương nhiên phải có quy hoạch. Hà Nội cũng đã thực hiện xong giai đoạn 1 của dự án thoát nước đô thị. Chưa nói tới quy hoạch này có tốt hay không nhưng quy hoạch thoát nước không thể “nằm riêng” với quy hoạch chung thành phố Hà Nội, đặc biệt là trong khâu thực hiện.

Nếu không có một bản quy hoạch đủ thông minh ứng phó với tiến trình phát triển đô thị mới và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu thì dù có bỏ ra bao nhiêu tiền đi chăng nữa, Hà Nội vẫn sẽ “càng chống càng ngập”. Theo quan điểm của tôi, muốn thoát nước tốt, các khu đô thị mới phải xây dựng liền dải. Thành phố có thể đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước để tất cả các khu đô thị đấu nối vào thay vì phải làm hệ thống thoát nước cho từng khu. Đó là bài học cho công tác quy hoạch, rải rác như vậy là cản trở nhau.

PV: Xin cảm ơn ông!

N.Giang

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.