Mới đây, tại Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ 5 (2022), NSND Thoại Miêu đã viết thư gửi Ban tổ chức xin từ chối nhận huy chương từ trước khi Liên hoan này diễn ra. Bà nói: “Đề nghị Ban tổ chức không xét tặng huy chương cho vai diễn của tôi để nhường lại cơ hội cho lớp trẻ, họ cần hơn tôi” Hành động đẹp của NSND Thoại Miêu đã gây xúc động mạnh tới những người làm nghệ thuật.
Chuyện từ chối giải thưởng không phải là hiếm. Trên thế giới, nhiều cá nhân, nghệ sĩ, nhà khoa học đã từng từ chối nhiều giải thưởng danh giá, có giá trị tiền bạc lớn. Một trong những người Việt Nam nổi tiếng nhất về từ chối giải thưởng đó là Nhà ngoại giao Lê Đức Thọ từ chối giải Nobel Hòa bình năm 1973. Đến nay, ông là người duy nhất từng từ chối giải thưởng này.
Ở Hà Nội đang diễn ra kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Mới đây, ngày 22/10, trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã có thông tin về vấn đề tăng lương cơ sở và tình hình công chức, viên chức nghỉ việc thời gian qua. Các số liệu tổng hợp cho thấy, tính từ thời điểm từ 1/1/2020 đến 30/6/2022, theo thống kê của 63 tỉnh, thành, các bộ, ngành cho thấy số công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người.
Trong số này, có rất nhiều trường hợp giữ vị trí quan trọng, làm lãnh đạo, quản lý. Có thể kể đến một số trường hợp điển hình như: Trường hợp ông Mai Nhữ Thắng là giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, ông xin nghỉ làm giám đốc Sở sau chưa đầy 3 tháng được bổ nhiệm.
Ở Đắk Nông, ngay sau khi vừa được công bố quyết định làm Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội thì bà Nguyễn Thị Thanh Hương (nguyên Giám đốc Sở Y tế) cho biết sẽ xin nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau.
Ở Đồng Nai, hai vợ chồng ông Lê Văn Lộc - Phó Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ, và vợ là bà Trần Thị Ái Liên - Phó Giám đốc Sở Nội vụ - cùng làm đơn xin nghỉ việc.
Ở Cần Thơ, ông Võ Minh Lợi, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo, xin nghỉ việc với lý do “không đủ khả năng nhận nhiệm vụ của giám đốc Sở GD-ĐT giao”. Trao đổi với báo chí, ông Lợi cho biết: "Khi đưa ra quyết định là cả một sự khó khăn và trăn trở. Trong công việc cơ quan, tôi phụ trách tiểu học đã 3 năm nhưng giờ lại được phân công phụ trách ra đề tuyển sinh lớp 10. Tôi đã nói rất rõ với một người bình thường cũng biết phân công như vậy là bất hợp lý"
Ở Bộ Tài chính, đồng chí Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thì cho biết: “Cả Vụ phó rồi Trưởng phòng xin nghỉ việc, tôi phải gặp, động viên suốt”
Xin nghỉ việc thật ra là hình thức của hành vi từ chối vị trí mình đang đảm nhiệm. Các số liệu đã cho thấy xin nghỉ việc diễn ra rất phổ biến, không phải là điều gì xa lạ. Nguyên nhân thì có nhiều, cả chủ quan lẫn khách quan. Chủ quan mà nói, xin nghỉ việc là cách phản ứng của cá nhân với chế độ làm việc, hoặc chính sách tiền lương, hoặc môi trường lao động, v.v…Còn về khách quan, theo nhiều chuyên gia, đó đơn giản chỉ là sự dịch chuyển lao động giữa hai khối công – tư.
Có thể nói rằng, dù lý do là gì, việc biết từ chối cũng là sự ý thức tự thân rất rõ. Nhận thức là một quá trình và nhận thức về chính mình thì còn gian nan hơn nhiều. Biết từ chối là biết “đủ” Biết “đủ” là xin thôi, luôn luôn không dễ dàng, nếu không muốn nói là việc khó nhất.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.