Ngày 11/10 – ngày Quốc tế trẻ em gái, nhằm hưởng ứng ngày này và chiến dịch truyền thông về Mất cân bằng giới tính khi sinh, sở Y tế Hà Nội phối hợp với UBND quận Ba Đình đã tổ chức Hội nghị biểu dương 60 gia đình trên địa bàn quận Ba Đình sinh con một bề gái tiêu biểu. Các gia đình này đều thực hiện tốt chính sách dân số, các con chăm ngoan học giỏi.
Tuy nhiên, việc vinh danh ấy gặp không ít tranh cãi từ phía cộng đồng. Bởi lẽ, nhiều ý kiến cho rằng, đó là sự “khuyến khích” việc sinh con gái và sẽ vô hình trung đẩy tư tưởng của người dân dần nghiêng về “trọng nữ khinh nam”.
Liên quan tới vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Tố Tâm – Giám đốc trung tâm Dân số Kế hoạch hóa Gia đình quận Ba Đình.
Phóng viên: Thưa bà, việc tuyên dương các gia đình sinh con gái một bề có phải chính sách mới được phía quận Ba Đình đưa ra trong năm 2017?
Bà Trần Thị Tố Tâm: Đây chỉ như một cuộc tuyên truyền, một cuộc vận động có chiều sâu để vinh danh các gia đình sinh con một bề gái tiêu biểu chứ không phải chính sách. Từ đó, các gia đình thấy tự hào và xã hội nhìn nhận, có hai con gái là rất tốt.
Nếu tham mưu để đòi hỏi một chính sách quá ưu việt với nữ thì lại là bất bình đẳng giới, và luật sẽ “va” luật, vi phạm vấn đề nhân quyền.
Tuyên dương và khen thưởng, đây là ý tưởng do chúng tôi tự nghĩ ra, tự trao tặng cho các gia đình. Chúng tôi đã lên kế hoạch từ cuối năm 2016, đầu năm 2017. Sau khi đưa ra kế hoạch, chúng tôi nhận được sự đồng tình của lãnh đạo quận. Lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng ghi nhận chỉ đạo làm điểm.
Chúng tôi có văn bản thông báo gửi về các phường lựa chọn 60 gia đình sinh con một bề gái tiêu biểu. Các gia đình đó phải đạt các tiêu chí: Vợ/chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ (dưới 50); gia đình văn hóa, tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương; vợ/chồng hiện đang công tác tốt tại đơn vị; 2 con gái chăm ngoan, học giỏi. Đồng thời khuyến khích những gia đình tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương.
Phóng viên: Vậy trước khi vinh danh các gia đình sinh con một bề gái tiêu biểu trên địa bàn quận, bà và những người làm công tác dân số của quận Ba Đình có lường trước những phản ứng của dư luận?
Bà Trần Thị Tố Tâm: Gần như chúng tôi không gặp bất kì phản ứng nào từ dư luận. Cá nhân các gia đình khi được vinh danh đều rất phấn khởi.
Cũng có một số người hỏi vui tôi, liệu vinh danh như thế có phải bất bình đẳng giới không vì ưu tiên nữ giới chứ không phải nam giới. Tôi cũng vui vẻ nói với mọi người, phụ nữ hy sinh rất nhiều nhưng họ cũng chịu nhiều thiệt thòi. Vinh danh như thế để thấy phụ nữ cần được chia sẻ, để nâng vị thế của họ lên chứ không phải "dìm" đàn ông. Và “cánh mày râu” cần chia sẻ, gánh vác cùng người phụ nữ trong mọi công việc.
Chúng ta đang đối mặt với một vấn đề trong công tác cơ cấu dân số là mất cân bằng giới tính khi sinh. Hoạt động này của quận Ba Đình cũng góp thêm một hoạt động truyền thông vừa là vinh danh phụ nữ, và cũng là truyền thông để chuyển đổi nhận thức đến hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Đây là mục đích trước mắt. Khi tỉ lệ dân số, cơ cấu dân số đã hài hòa, khi đó ngành dân số sẽ phải tham mưu để làm sao đảm bảo sự hài hòa đó.
Phóng viên: Xuất phát từ đâu bà có ý tưởng “táo bạo” này?
Bà Trần Thị Tố Tâm: Tôi đi truyền thông về mất cân bằng giới tính tại các trường học, các doanh nghiệp, các đơn vị… Mọi người xác định nguyên nhân mất cân bằng giới tính khi sinh là tư tưởng “trọng nam khinh nữ” từ nhiều đời nay.
Nhưng chúng ta xác định được như vậy và tất cả mới chỉ truyền thông thôi, chưa có chính sách hỗ trợ cho các gia đình sinh con một bề là gái.
Đã có những chính sách nâng vị thế của phụ nữ, có sự ưu ái với phụ nữ nhưng vẫn là bất bình đẳng giới, và chưa đầy đủ.
Cũng trong quá trình tôi đi truyền thông, có những gia đình sinh con một bề là nữ, họ bày tỏ nguyện vọng sẽ có những chính sách mang tính chất tôn vinh để mọi người thấy những gia đình sinh con gái cũng là điều tuyệt vời, là những gia đình văn hóa tiêu biểu. Thực chất, nguyện vọng của người dân chỉ muốn xóa bỏ hệ tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, đặc biệt trong những người cao tuổi.
Chúng tôi dự định hàng năm sẽ tổ chức biểu dương các gia đình như thế nhưng không phải dịp ngày Quốc tế trẻ em gái, mà sẽ vào dịp tổng kết cuối năm.
Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc sở Y tế Hà Nội cho hay, tại Hà Nội hiện có 965.274 trẻ em gái. Hàng năm thành phố triển khai hàng chục mô hình chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên, truyền thông hơn 300 cuộc có nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản các trẻ em gái, phòng chống xâm hại tình dục đối với trẻ em gái. Xây dựng và triển khai nhân rộng mô hình câu lạc bộ Gia đình sinh con một bề gái, các mô hình chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân… |
Nguyễn Huệ (thực hiện)