Nhằm giúp độc giả biết được nguyên nhân, triệu chứng và chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia Lê Thị Mỹ Ngân, hiện là Giảng viên trường cao đẳng Y Dược Pasteur.
Hỏi: Thưa Dược sĩ, Dược sĩ có thể cho biết xuất huyết tiêu hóa là gì? Nguyên nhân nào gây ra xuất huyết tiêu hóa?
Trả lời: Xuất huyết tiêu hóa có thể gặp ở cả nam và nữ nhưng nam nhiều hơn nữ. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi đặc biệt là các đối tượng trong độ tuổi từ 20-50. Chúng ta cần phân biệt ói ra máu với:
• Ho ra máu: Máu ra sau cơn ho, máu thường có màu đỏ tươi từ đường hô hấp, kèm theo bọt, không có thức ăn, PH kiềm.
• Chảy máu: Do bệnh ở tai mũi họng, răng hàm mặt (ví dụ như chảy máu cam thăm khám mũi sẽ thấy có tổn thương niêm mạc mũi, tổn thương mạch máu).
• Ăn hay uống thức ăn làm biến đổi màu sắc của phân: Ví dụ như ăn thức ăn có máu nguồn gốc động vật (ví dụ như tiết canh, trong trường hợp này thì da và niêm mạc vẫn còn hồng hào).
• Do sử dụng một số thuốc: Fe, cam thảo, bismuth, than hoạt, phân có màu đen nhưng không thối khắm.
• Táo bón: Phân cứng, sẫm màu, không đen.
Xuất huyết tiêu hóa được chia thành 2 loại với ranh giới là góc Treitz (góc tá-hỗng tràng) gồm:
• Xuất huyết tiêu hóa trên: Tính từ thực quản đến D4 trên dây chằng Treitz
• Xuất huyết tiêu hóa dưới: tính từ góc Treitz trở xuống
Các nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa trên thường gặp:
Ở thực quản:
• Do dãn vỡ tĩnh mạch thực quản: Không báo trước, tự nhiên nôn ra máu đỏ tươi ồ ạt, máu có thể đông vón cục lại, máu không lẫn thức ăn.
• U thực quản, polip thực quản.
• Hội chứng Mallory – Weiss (vết rách ở thực quản).
Ở dạ dày:
• Do viêm-loét: Tùy theo mức độ mà lượng máu chảy ra nhiều hay ít, máu màu nâu nhạt hay đỏ sẫm, vón cục như hạt đậu, lẫn thức ăn và dịch nhầy.
• Ung thư dạ dày
• Viêm dạ dày
Tá tràng
• Viêm - loét tá tràng
• Chảy máu đường mật: Máu từ trong gan đổ vào đường mật xuống tá tràng do ung thư gan, sỏi mật, giun chui lên ống mật, áp xe đường mật, dị dạng động mạch gan, bệnh nhân nôn ra máu đông có hình thỏi nhỏ dài trông giống ruột bút chì.
Các nguyên nhân XHTH dưới thường gặp: 85% xảy ra cấp tính, tự lành và không có rối lọan về huyết động. 15% có chảy máu nặng, diễn tiến liên tục và có rối lọan huyết động.
• Trĩ hậu môn.
• Ung thư đại - trực tràng.
• Polyp đại - trực tràng.
• Viêm loét đại tràng – trực tràng xuất huyết.
• Chảy máu túi thừa.
• Dị dạng mạch máu.
Ngoài các nguyên nhân trên còn có một số nguyên nhân liên quan đến bệnh về máu, chẳng hạn như:
• Bệnh nhân bị suy tủy nên số lượng tiểu cầu giảm sút làm máu chảy. Bệnh ưa chảy máu do số lượng và chất lượng tiểu cầu giảm.
• Trong các trường hợp viêm gan, xơ gan hay suy gan dễ gây chảy máu do tỷ lệ prothrombin giảm.
• Bệnh nhân bị máu chậm đông do thiếu các yếu tố tạo nên prothrombin
• Bệnh bạch cầu cấp, mạn tính
• Một số thuốc gây ra tác dụng không mong muốn trầm trọng ở dạ dày nhất là khi sử dụng liều cao kéo dài (corticoid, nhóm giảm đau kháng viêm không steroid...)
• Khi sử dụng thuốc chống đông cần hết sức cẩn thận, theo dõi liều lượng, nồng độ nghiêm ngặt do có khả năng gây chảy máu.
Hỏi: Chúng ta có thể dựa vào các triệu chứng lâm sàng nào để chuẩn đoán bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa vậy thưa chuyên gia?
Trả lời: Một người bị xuất huyết tiêu hóa có thể có các triệu chứng báo trước sau đây:
• Các trường hợp bị loét dạ dày tá tràng sẽ đau vùng thượng vị dữ dội hơn bình thường, nóng rát vùng thượng vị, bụng đói cồn cào.
• Sau khi lao động gắng sức quá mức bệnh nhân tự nhiên cảm thấy chóng mặt, hoa mắt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn.
• Trong trường hợp xuất huyết tiêu hóa do vỡ tĩnh mạch máu sẽ chảy ra ồ ạt bất ngờ nên không có tiền triệu.
Biểu hiện lâm sàng điển hình của xuất huyết tiêu hóa:
• Ói máu (hematemesis): Màu sắc của máu ói ra có thể là màu đỏ tươi, bầm hay đen tùy theo thời gian lưu lại ở dạ dày. Thời gian lưu lại ở dạ dày càng lâu thì màu càng sậm. Chủ yếu gặp trong xuất huyết tiêu hóa trên.
• Tiêu phân đen (Melena): Phân sệt đen như bã cafe hay hắc ín kèm theo mùi thối đặc trưng. Gặp trong xuất huyết tiêu hóa trên và xuất huyết tiêu hóa dưới.
• Tiêu phân máu đỏ tươi (Hematochezia): Máu màu đỏ tươi hay đỏ bầm. Thường gặp trong xuất huyết tiêu hóa dưới những cũng có thể gặp trong xuất huyết tiêu hóa trên với lượng lớn và chảy nhanh.
• Thử nghiệm máu ẩn trong phân dương tính (Positive FOB) có hay không kèm theo thiếu sắt.
• Bệnh nhân có triệu chứng mất máu: Hoa mắt, chóng mặt, khó thở.
• Thay đổi huyết động (Hemodynamic change): Khi lượng máu mất 10-20% thể tích tuần hoàn thì huyết áp tụt trên 10mmHg, mạch tăng trên 15 nhịp. Khi đó bệnh nhân có thể vã mồ hồi, buồn nôn, tay chân lạnh, nổi da gà, da niêm nhợt, mạch nhỏ khó bắt, thậm chí có thể ngất xỉu.
• Shock: Khi mất trên 20% thể tích máu (bệnh nhân tím tái, da lạnh), huyết áp dưới 100mmHg.
Hỏi: Chuyên gia có thể cho lời khuyên về lối sống cũng như chế độ dinh dưỡng dành cho các bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa?
Trả lời: Người bệnh xuất huyết tiêu hóa nên thực hiện lối sống khoa học lành mạnh. Cụ thể:
• Ăn đúng giờ, không bỏ bữa, ngủ đủ giấc, tránh tình trạng stress kéo dài. Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên.
• Khẩu phần ăn hợp lý: Ăn nhiều rau xanh, hạn chế các thức uống chứa cồn (rượu, bia).
• Đối với những người mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng nên thường xuyên thăm khám để hạn chế biến chứng xuất huyết tiêu hóa.
Xuất huyết tiêu hóa gây ra nhiều biến chứng vô cùng nghiêm trọng cần phải xử trí nhanh chóng kịp thời. Khi gặp một bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa cần phải cho nằm nghỉ, phần chân thấp hơn phần đầu để máu và oxy có thể lưu hồi về tim và lưu thông lên não. Bạn phải gọi ngay cấp cứu để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.