Đây là thông tin mới nhất mà Cục trưởng cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin.
Để có những thông tin cụ thể về tình hình tiếp nhận, xử lý các trường hợp biếu, nhận quà Tết sai quy định, PV đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ.
Dịp trước Tết vừa qua, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị cấm biếu, nhận quà Tết sai quy định. Xin Cục trưởng cho biết kết quả bước đầu về các trường hợp biếu, nhận quà Tết sai quy định mà Cục chống tham nhũng nhận được dịp Tết vừa qua?
Theo thông tin bước đầu mà cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ nhận được trong khoảng 10 ngày Tết, qua số điện thoại tiếp nhận về thông tin chống tham nhũng, tin nhắn, fax,..., chúng tôi nắm được 56 nguồn tin về phòng chống tham nhũng. Thậm chí, có những nguồn tin sau khi nhắn tin cho tôi đã gửi thư hỏa tốc để chuyển các thông tin về Cục. Trong đó, có 23 nguồn tin về việc nhận, biếu, tặng quà Tết.
Lĩnh vực người dân thông tin nhiều nhất là hiện tượng mãi lộ trong trật tự an toàn giao thông, buôn bán hàng cấm, hàng giả, ăn chặn, an toàn thực phẩm. Đặc biệt, một số nguồn tin thông tin về việc mãi lộ để hàng lậu từ nước ngoài nhập vào trong nước.
Cục đã chuyển 19 nguồn tin cho người đứng đầu các địa phương, bộ ngành để xem xét, xác minh, giải quyết, xử lý ngay để có thể ngăn chặn các việc đó.
Còn 4 nguồn tin, Cục sẽ trực tiếp nghiên cứu và sau Tết sẽ phối hợp với các cuộc kiểm tra, thanh tra khác của Thanh tra Chính phủ để làm rõ xem mức độ có đúng như các nguồn tin phản ảnh.
Với các số liệu bước đầu như vậy, cá nhân ông đánh giá sao về việc biếu, nhận quà Tết năm nay?
Số lượng nguồn tin thông tin về việc biếu, nhận quà Tết có giảm nhiều so với năm ngoái. Tuy nhiên, cá nhân tôi đánh giá chất lượng nguồn tin năm nay tốt hơn, mức độ chính xác hơn. Thực tế là chúng tôi đã gửi các nguồn tin đó về địa phương, bộ ngành và nhận được phản hồi là các thông tin này là có cơ sở.
Ông có thể chia sẻ cụ thể trường hợp mà Cục đã chuyển cho các địa phương, bộ ngành?
Cụ thể như việc người dân phản ánh về việc mãi lộ với lực lượng cảnh sát giao thông, xe dù bắt khách hay mãi lộ để hàng lậu, hàng giả vào được nội địa, lưu hành trên thị trường… Tất cả các nguồn tin đó chúng tôi đều chuyển về cho các cơ quản lý ngành, địa phương. Các bộ, ngành địa phương sẽ phải kiểm tra xác minh thông tin và xử lý nghiêm túc nếu có vi phạm.
Thậm chí, Cục còn nhận được thông tin có người đi máy bay và mang tiền từ miền Nam ra Bắc để hối lộ hàng trăm triệu đồng. Các thông tin này có độ tin cậy cao và chúng tôi chắc chắn phải kiểm tra, xác minh kỹ thông tin như vậy.
Qua những thông tin, kết quả ban đầu như vậy có thể thấy Chỉ thị của Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ mang lại hiệu quả. Việc các cơ quan lấy ngân sách Nhà nước đi biếu xen các cơ quan, lãnh đạo là giảm. Số người từ các tỉnh kéo về TƯ đi Tết các bộ, ngành, lãnh đạo giảm hẳn. Nó thể hiện ở việc đường phố thông thoáng, xe ngoại tỉnh đổ về HN giảm. Đó là hai điều rõ nét.
Đặc biệt, năm nay chúng tôi chưa nhận được thông tin nào về việc xếp hàng đến nhà lãnh đạo ở TƯ chúc Tết trong khi đó năm trước có thông tin phản ánh về vấn đề này.
Như ông thông tin, những biểu hiện bên ngoài thì rõ ràng việc biếu, nhận, sai quy định năm nay có biến chuyển giảm đi rõ nét. Tuy nhiên, dư luận hoài nghi là các đối tượng lợi dụng việc này có thể chuyển vào hoạt động “bí mật”, “âm thầm” với hình thức hối lộ tinh vi hơn?
Đúng như vậy! Tôi có nhận được những cuộc điện thoại từ người dân trong những ngày Tết vừa qua. Họ chúc Tết tôi. Họ cũng chia sẻ những lo lắng về việc hối lộ, tham nhũng đi vào hoạt động “bí mật”, tinh vi hơn.
Đánh giá về hình thức là có giảm nhưng thực chất có giảm không? Theo tôi, những đối tượng có động cơ vụ lợi, lợi dụng việc này để hối lộ, tham nhũng sẽ chuyển hóa qua các hình thức khác.
Những người có động cơ đưa hối lộ thì họ không nhất thiết phải đưa vào dịp Tết. Dù ngày Tết là thời điểm mà người đưa và người nhận dễ dàng chấp nhận nhưng có Chỉ thị này họ có thể chuyển qua hình thức khác như chuyển tài khoản ngân hàng, chuyển bằng dự án, tặng chung cư, % dự án…. Những cái đó là biến tướng tinh vi mà không cần phải đến nhà, không phải đợi dịp Tết.
Nếu như qua các hình thức này thì rất khó phát hiện. Bản thân cơ chế pháp luật cũng chưa thể kiểm soát hết. Mặt khác, các doanh nghiệp “tự sản tự tiêu” thì càng khó có thể phát hiện được.
Theo cá nhân tôi, năm nay việc biếu nhận quà Tết sai quy định có giảm về mặt hình thức nhưng có thể chuyển hóa sang hình thức khác.
Chính vì thế năm 2017, chúng tôi phải tham mưu cho Thanh tra Chính phủ, Chính phủ để làm sao nhận thức rõ vấn đề này. Làm sao để có phương pháp thiết thực, hiệu quả, công tác, thanh tra kiểm tra để phát hiện được những biến tướng tinh vi này. Chúng ta mà vẫn làm theo cách hành chính như hiện nay rõ ràng hiệu quả mang lại không được như mong muốn.
Nói như ông, việc phòng và chống tham nhũng cụ thể là biếu, nhận quà Tết sai quy định phải thay đổi phương pháp?
Đúng vậy! Phải thay đổi phương pháp để thực tế, hiệu quả. Bởi thủ đoạn của những kẻ đưa hối lộ, nhận hối lộ tinh vi hơn nhiều để che đậy động cơ.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Đỗ Thơm