Big C ngừng đặt hàng, DN dệt may Việt đòi làm rõ
Như Người Đưa Tin đã đưa, ngày 2/7 trong thông báo gửi tới các đối tác cung cấp hàng may mặc hệ thống siêu thị Big C Việt Nam, Central Group Việt Nam, đơn vị sở hữu, cho biết kể từ tháng 7, Central Group Việt Nam tạm ngừng đặt hàng của các nhà cung cấp theo hợp đồng hợp tác thương mại đã được ký kết giữa 2 bên.
“Tất cả vấn đề phát sinh trước ngày 2/7 sẽ được tiếp tục giải quyết theo quy định của hợp đồng hợp tác thương mại”, thông báo của Central Group Việt Nam nêu rõ.
Tập đoàn này giải thích việc tạm ngừng đặt hàng là do có sự thay đổi chiến lược phát triển mô hình ngành hàng may mặc cho phù hợp với chỉ đạo của Tập đoàn Central Group Thái Lan.
Ngay sau khi thông báo được phát đi, nhiều người lên tiếng cho rằng hành động của Central Group Việt Nam đã đẩy hàng loạt các nhà cung cấp sản phẩm may mặc Việt Nam đang hợp tác với Big C đối diện với tình hình cực kỳ khó khăn.
Mặc dù, đại diện Central Group đã đưa ra lời trấn an: “Chúng tôi có hàng ngàn nhà cung cấp tại Việt Nam. Công văn chỉ gửi cho vài chục đơn vị để thay thế hàng chứ không phải là ngừng hoàn toàn việc nhập hàng may mặc của Việt Nam" và khẳng định “việc tạm dừng nhập hàng này sẽ kéo dài lâu nhất là 2 tuần", một số ý kiến lo ngại các mặt hàng khác của Việt Nam trong siêu thị do nước ngoài sở hữu có thể sẽ từng bước bị đẩy ra ngoài, nhường chỗ cho các sản phẩm ngoại nhập.
Nhìn lại 3 năm trước, vào năm 2016, khi có các dấu hiệu hàng Thái lấn hàng Việt tại hệ thống siêu thị Big C sau khi đổi chủ, lãnh đạo doanh nghiệp đã lên tiếng trấn an, cam kết 90-95% sản phẩm bán tại hệ thống là hàng Việt.
Thời điểm đó, ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc điều hành Big C Việt Nam, cho biết sẽ không có biến động về hàng Việt tại hệ thống. Hệ thống này cam kết tiếp tục đẩy mạnh và gia tăng hàng Việt, nhằm tạo điều kiện để hàng Việt đến tay người tiêu dùng.
Tuy nhiên, thực tế lại diễn biến theo chiều ngược lại.
Ngay khi Big C về tay tỷ phú Thái, siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội) đã đưa ngay lên kệ nhiều mặt hàng nguồn gốc Thái Lan như nước xả vải, nước giặt quần áo. Tương tự, Big C Thăng Long dành riêng quầy chuyên bán hàng Thái Lan tại các vị trí đẹp nhất, thu hút nhiều người tham quan, mua sắm.
Trên các kệ hàng bên trong hệ thống siêu thị Big C, hầu hết vừa bày hàng Thái xen lẫn với hàng Việt. Nhiều thương hiệu trong ngành hàng mỹ phẩm, dầu gội, sữa tắm, nước xả vải từ lâu đã quen với người dùng Việt Nam như Downy, Essence… vẫn cái tên đó nhưng nay thành xuất xứ từ Thái Lan.
Không chỉ hoá mỹ phẩm mà nhiều mặt hàng khác như bánh kẹo, gia dụng, giày dép, gạo, nước mắm… cũng “made in Thailand”.
Để chinh phục người Việt, hàng Thái không chỉ đa dạng về mẫu mã, chủng loại mà còn được “ưu đãi” bởi các ông chủ đến từ quốc gia này (như vị trí đắc địa trong trung tâm thương mại, siêu thị).
Thời điểm đầu tháng 10/2016, PV Dân trí ghi nhận tại quầy bán đồ vật dụng gia đình của siêu thị BigC Thăng Long, hàng loạt thìa, muỗng, bát, đũa nhựa, chén, bát sứ có xuất xứ từ Thái Lan chiếm một diện tích khá lớn trên kệ. Thậm chí cả tăm tre Thái Lan cũng được nhập về bày bán tại đây.
Hệ thống siêu thị Big C ngay khi đổi chủ đã xây dựng mô hình siêu thị tích hợp, bán buôn, bán lẻ rất nhiều sản phẩm khác nhau từ: thực phẩm tươi, đồ đông lạnh, hàng may mặc, đến các hàng điện tử. Trong đó có nhiều thiết bị điện tử được liên doanh từ Thái Lan như: bếp từ, lò vi sóng, máy xay sinh tố, quạt, nồi cơm điện của các hãng Panasonic, Sony, Mitsubishi, Sharp...
Kể từ ăm 2016 đến nay, không chỉ Big C mà các chuỗi siêu thị lớn tại Việt Nam đang dần có hình bóng của doanh nghiệp Thái Lan - điều này dẫn đến nguy cơ nếu doanh nghiệp Việt không cảnh giác, rất có thể bị thua ngay trên sân nhà.
Central Group là một tập đoàn đa ngành chuyên về bán lẻ có trụ sở tại Thái Lan. Tập đoàn thuộc sở hữu của gia đình tỷ phú Chirathivat, gia tộc được Forbes xếp hạng giàu thứ 2 tại Thái Lan năm 2018 với khối tài sản 21,2 tỷ USD. Tổng giám đốc hiện tại của Central Group là ông Tos Chirathivat, cháu trai của nhà sáng lập tập đoàn.
Tại Việt Nam, Central Group nổi lên sau thương vụ mua lại chuỗi siêu thị Big C năm 2016, với giá 1,05 tỷ USD. Hiện tại, tập đoàn này đang nắm giữ cổ phần chi phối trong công ty điện máy Nguyễn Kim và thành lập nhiều chuỗi cửa hàng bán lẻ khác.
Đình Văn (Tổng hợp)