Những thay đổi lớn đang diễn ra trong Big Oil (nhóm các công ty dầu lớn nhất thế giới). Ngày càng có nhiều nghiên cứu gióng lên hồi chuông cảnh báo về biến đổi khí hậu. Các chính phủ cũng đưa ra những tín hiệu mạnh mẽ hơn về một tương lai năng lượng sạch hơn. Do đó, cách tiếp cận thông thường đối với dầu khí sẽ không còn được chấp nhận nữa.
Bài toán năng lượng sạch
Tại Mỹ, những gã khổng lồ về nhiên liệu hóa thạch như Chevron và ExxonMobil được cho là có rất ít ý định thay đổi đường lối hoạt động, bất chấp sức ép từ các cổ đông là các nhà hoạt động vì môi trường.
Còn ở châu Âu, các công ty dầu khí đại chúng lớn, bao gồm Shell, BP, Total (được đổi tên thành TotalEnergies từ năm 2021), Eni, Repsol và Equinor, đã đặt mục tiêu trở thành các công ty phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là điều rất quan trọng vì các công ty này đã phát thải tổng cộng 76.747 triệu tấn carbon dioxide (CO²) tương đương tính đến năm 2017. Con số này gần gấp đôi lượng phát thải CO² toàn cầu trong năm 2019.
Những Big Oil châu Âu nói trên đang trong quá trình chuyển đổi thành các “công ty năng lượng” thông qua phát triển các doanh nghiệp năng lượng sạch.
Theo dữ liệu từ công ty tư vấn và phân tích dữ liệu GlobalData (Anh) mà trang Energy Monitor thu được, các công ty dầu mỏ châu Âu đang phát triển phần lớn các hoạt động kinh doanh năng lượng tái tạo của họ ở châu Âu và các nước phát triển trên thế giới.
Từ năm 2017 đến tháng 8/2021, sáu công ty dầu khí đại chúng lớn nhất châu Âu tính theo doanh thu đã thực hiện thêm khoảng 1/3 thỏa thuận liên quan đến năng lượng tái tạo ở châu Âu, so với tổng số thỏa thuận về năng lượng tái tạo ở các khu vực khác trên thế giới.
Một số thỏa thuận tiêu biểu trong số này bao gồm: Equinor mua lại Wento, công ty dẫn đầu thị trường năng lượng tái tạo của Ba Lan, với giá 109 triệu GBP (bảng Anh) hồi tháng 5/2021; Lightsource, công ty con về năng lượng tái tạo của BP, đầu tư 255,5 triệu USD vào các dự án năng lượng mặt trời West Wyalong và Woolooga ở Úc hồi tháng 6/2021.
Dữ liệu cho thấy các Big Oil châu Âu cũng rót nhiều vốn vào các dự án về năng lượng sạch ở các nước phương Tây hơn là đầu tư vào lĩnh vực này ở khu vực Nam bán cầu.
“Các công ty dầu này cho rằng vì khu vực Nam bán cầu sở hữu phần lớn tiềm năng năng lượng tái tạo của thế giới, nên họ có thể khai thác và bán nhiên liệu hóa thạch lâu hơn ở các nước đang phát triển mà không lo gặp phải rủi ro hay hậu quả gì,” Bronwen Tucker, một nhà phân tích tại tổ chức phi chính phủ Oil Change International (OCI), cho biết. “Và nói chung là bởi vì năng lượng tái tạo không thích hợp để xuất khẩu, nó không đáng để họ phải theo đuổi các thị trường bên ngoài các quốc gia giàu có".
Báo cáo tháng 6/2021 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhấn mạnh chiến lược chuyển đổi của các công ty dầu mỏ châu Âu đã được “thúc đẩy một cách đáng kể bởi áp lực từ xã hội và các nhà đầu tư và bởi mong muốn bắt kịp với các mục tiêu nghiêm ngặt của chính phủ nhằm giảm lượng phát thải".
Dữ liệu của GlobalData cho thấy các Big Oil châu Âu dành chưa đến 1% đầu tư hàng năm cho phát triển công nghệ năng lượng sạch ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
Một tập dữ liệu khác từ GlobalData tiết lộ nơi các công ty dầu khí lớn kể trên đặt các công ty con của họ với hoạt động kinh doanh tập trung vào năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, cơ sở hạ tầng và pin cho xe điện, và lưới điện thông minh. Cụ thể, 80-90% các công ty con như vậy của BP, Shell và TotalEnergies được đặt ở châu Âu và Bắc Mỹ. Điều đó nghĩa là chỉ chưa đầy 20% các doanh nghiệp năng lượng tái tạo của các ông lớn dầu khí này được thiết lập ở phần còn lại của thế giới.
Liên quan đến vốn đầu tư, theo IEA, các nền kinh tế mới nổi cần một mức gia tăng “chưa từng có” trong các khoản chi cho năng lượng sạch để bước đi trên con đường tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Tuy nhiên, đầu tư cho năng lượng sạch lại đang thiếu. Thậm chí, khoản đầu tư này ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đã giảm 8% xuống dưới 150 tỷ USD vào năm 2020, và dự kiến chỉ phục hồi nhẹ vào năm 2021.
Vegard Wiik Vollset, đại diện của Rystad Energy, một công ty kinh doanh và nghiên cứu năng lượng độc lập của Na Uy, chỉ ra những thách thức mà các công ty dầu khí gặp phải khi đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Theo Vollset, trong khi các dự án dầu khí mang lại cho họ “lợi nhuận hai con số”, các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo có xu hướng mang lại biên lợi nhuận thấp.
“Điều đó có nghĩa là các nhà đầu tư năng lượng tái tạo sẽ có xu hướng muốn tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, trong khi điều này có thể là khó ở các thị trường đang phát triển nơi các tổ chức tài chính quốc tế lớn không muốn can dự quá mức,” Vollset nói.
Ông cho biết thêm rằng thực ra vốn để đầu tư vào năng lượng tái tạo không thiếu, nhưng các công ty năng lượng muốn đạt được những thỏa thuận có khả năng đảm bảo nguồn doanh thu cho họ trong một khoảng thời gian nhất định.
Ở các nước đang phát triển, theo Vollset, điều này thường liên quan đến sự hỗ trợ tài chính của chính phủ các nước khác thông qua các ngân hàng phát triển đa phương hoặc song phương.
Cam kết không đủ mạnh
Tuy nhiên, một số người cho rằng thất bại của Big Oil trong việc thiết lập một danh mục đầu tư năng lượng tái tạo phong phú, có tầm ảnh hưởng sâu rộng không phải do thực tế khách quan mà phần nhiều là do cam kết khử carbon của họ không đủ mạnh.
“Báo cáo Net Zero 2050 của IEA tuyên bố rất rõ ràng rằng không nên thăm dò thêm dầu và khí đốt nếu chúng ta thực sự muốn hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, nhưng các công ty dầu khí đã không đưa điều này vào trong chiến lược của họ,” Asad Rehman, giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ phát triển toàn cầu War on Want, cho biết. “Họ đang sử dụng mục tiêu dài hạn cho năm 2050 như một vỏ bọc để đơn giản là tiếp tục kinh doanh như bình thường. Họ đang cố gắng giả vờ rằng mô hình kinh doanh của họ đã thay đổi bằng cách thêm một tỷ lệ nhỏ công nghệ xanh vào danh mục đầu tư của mình”.
Mặc dù sáu công ty dầu lớn của châu Âu có đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0, vẫn có những mâu thuẫn xung quanh các cam kết của họ. Cụ thể, chỉ có Eni cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 ở cả Phạm vi 1, Phạm vi 2 và Phạm vi 3, theo phân tích của OCI. Trong khi đó, TotalEnergies chỉ hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 ở Phạm vi 3 “ở Châu Âu”. Các công ty còn lại đều đặt các mục tiêu chung chung như giảm cường độ phát thải của các sản phẩm cuối cùng của họ.
Robert Johnston, giám đốc điều hành về khí hậu và năng lượng của công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group, cho biết ngành công nghiệp năng lượng còn một chặng đường dài phải đi khi nhắc đến giảm phát thải khí nhà kính Phạm vi 3 (phát thải từ việc sử dụng sản phẩm).
Một tương lai xanh hơn
Tuy nhiên, Johnston dự đoán các công ty dầu châu Âu đang trong quá trình chuyển đổi sẽ đầu tư nhiều hơn vào năng lượng tái tạo ở châu Âu và trên khắp thế giới.
Ông cho biết Eni đang đầu tư vào các doanh nghiệp năng lượng tái tạo ở các nước châu Phi như Tunisia, Angola và Algeria; TotalEnergies đã ký kết thỏa thuận sản xuất năng lượng mặt trời ở Iraq; và Repsol đang phát triển cơ sở hạ tầng cho năng lượng tái tạo ở Chile (Nam Mỹ).
“Các công ty lớn ở châu Âu thường có mức độ tiếp xúc toàn cầu nhiều hơn và cam kết sâu sắc hơn đối với năng lượng tái tạo so với các công ty cùng ngành ở Mỹ và vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi thấy họ thực hiện những thỏa thuận như thế này,” Johnston cho biết.
Trong một tuyên bố, BP cho biết họ có kế hoạch “theo đuổi và xây dựng các cơ hội phát triển năng lượng tái tạo trên khắp thế giới”. BP coi hoạt động kinh doanh hydrocarbon là cốt lõi trong chiến lược của công ty, tạo ra các nguồn thu cho phép BP tăng đáng kể đầu tư vào carbon thấp trong quá trình chuyển đổi.
Người phát ngôn của Shell cho biết công ty đang gia tăng nỗ lực để trở thành công ty năng lượng có phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và theo dõi tiến trình này thông các mục tiêu ngắn hạn.
Theo Vollset, việc các tổ chức tài chính công – vốn ủng hộ đầu tư vào các dự án nhiên liệu hóa thạch ở các nước đang phát triển – đang bắt đầu lùi bước, sẽ mở ra cơ hội mới cho các dự án năng lượng sạch ở nước ngoài tiếp cận nguồn đầu tư công.
Mặc dù đầu tư vào năng lượng tái tạo còn ít, nhưng nếu quyết tâm, các công ty dầu khí sẽ đạt được mục tiêu của mình và thực sự chuyển đổi thành công ty năng lượng sạch, Vollset cho biết.
“Nếu TotalEnergies đạt mục tiêu sản xuất 100GW năng lượng tái tạo vào năm 2030, thì họ sẽ là một trong những công ty sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất trên thế giới,” Vollset nói.
Minh Đức