Tôi gặp Bill Bensley trước ngày khai trương khách sạn 5 sao đẳng cấp quốc tế Hotel de la Coupole, MGallery by Sofitel chỉ khoảng một tuần. Vừa trò chuyện với chúng tôi, Bill Bensley vừa sắp đặt những món đồ cổ mà ông khuân về từ khắp nơi trên thế giới, vào những không gian vốn cũng đã khá nhiều đồ đạc của khách sạn. Mớ đồ hỗn độn khiến ông nhiều lúc phát cáu, khi nhân viên khách sạn chưa hiểu ý mình. Nhưng với ông, “more is never enough- nhiều không bao giờ là đủ”.
Xin chào Bill Bensley. Có vẻ như mọi thứ đã hòm hòm. Nhưng vẫn còn rất nhiều đồ cổ vừa mới được chuyển tới…
Chưa đủ đâu. Với công ty Bensley chúng tôi, “more is never enough- nhiều không bao giờ là đủ”. Những thứ tưởng chừng hơi quá lại tạo nên tầng tầng lớp lớp những câu chuyện ý nghĩa cho khách sạn, và chúng làm nổi bật câu chuyện mà chúng tôi cố gắng truyền đạt đến mọi người.
Ông sẽ kể chuyện gì ở Hotel de la Coupole?
Những câu chuyện có thật về Sa Pa, một thị trấn giữa vùng núi cao bỗng chốc trở thành thủ phủ nghỉ dưỡng mùa hè của người Pháp, từ năm 1914. Khách sạn là tác phẩm thứ hai từng được xây dựng trên Sapa bởi các kiến trúc sư người Pháp. Họ đã tạo nên một tuyệt tác đầy mê hoặc trên biển mây ngàn, tô điểm nó bằng 50 sắc thái màu vàng mustard (mù tạt)! Chuỗi DNA của khách sạn là nét giao thoa của sự xa hoa trong phong cách quý tộc, sang trọng từ sàn diễn thời trang Haute Couture của nước Pháp cùng phong cách đặc trưng của các dân tộc thiểu số ở Sa Pa. “Coupoles” tiếng Pháp có nghĩa là mái vòm, và đó là ý nghĩa cái tên của khách sạn.
Tôi đang nhìn thấy những suốt chỉ lớn, tranh vẽ phác thảo mẫu thời trang, máy khâu cổ… Thời trang có liên quan gì đến câu chuyện người Pháp ở Sa Pa?
Thời trang Pháp và thời trang dân tộc vùng cao là nguồn cảm hứng thiết kế của khách sạn, và đó là lý do chúng tôi chọn những món đồ đó để lột tả, khơi gợi nên câu chuyện. Sảnh khách sạn sẽ khiến người ta liên tưởng đến trung tâm thương mại sang trọng Galeries Lafayette ở Paris. Những rương hòm cổ chất cao, điểm xuyết thêm vào đó là mũ, ống chỉ thời xưa, những cuốn sách, những bộ váy lấp lánh, vòng cổ họa tiết bộ tộc vùng cao, áo lông thú, và thậm chí có cả những y phục trong quân đội. Điều này cũng là để tỏ lòng tôn trọng người Pháp đầu tiên đặt chân đến Sa Pa: Tướng quân Maussion. Nhờ có ông ấy mà Sa Pa được phát hiện.
Để có những món đồ này, chắc ông vất vả lắm, không dễ kiếm được đâu…
Tôi thích sưu tầm đồ cổ. Những thứ này tôi mang về từ các chuyến mua sắm tại các cửa hiệu bán đồ cổ và chợ trời khắp Paris, Lincoln, Bangkok và rất nhiều địa điểm khác nữa.
Ông nói mình đã tới Việt Nam đến gần 90 lần để tìm nguồn cảm hứng cho thiết kế ấn tượng của InterContinental Danang. Với Hotel de la Coupole, ông đã phải ghé thăm Sa Pa bao nhiêu lần trước khi hoàn thiện bản thiết kế?
Tôi đã ghé thăm nơi đây bao nhiêu lần ư? Ôi, thật sự là tôi cũng ngừng đếm rồi. Đối với tôi, việc thiết kế một khách sạn không bao giờ thật sự kết thúc, cả sau khi khai trương thì chúng tôi vẫn trở lại, thay đổi, điều chỉnh, để làm cho nó tinh tế hơn. Mỗi khách sạn đều kể một câu chuyện của riêng mình, và câu chuyện đó trong cách cảm nhận của khách nghỉ cũng sẽ khác. Mỗi lần quay lại đây, tôi đều khám phá thêm một khía cạnh khác của Sa Pa, để đưa nó vào thiết kế của mình. Và chính xác thì mỗi lần như thế, khách sạn càng đẹp hơn.
Ở Hotel de la Coupole, hạng mục nào được ông tâm đắc nhất? Hạng mục nào khó thi công nhất?
Tâm đắc nhất? Đó chắc chắn là bể bơi! Phải nói rằng nó quá tuyệt vời – có lẽ là nơi tuyệt vời nhất ở Việt Nam. Và nơi khó thi công nhất ư? Chẳng có gì khó trong lĩnh vực thiết kế cả! Với tôi, việc thiết kế cũng như khắc họa một bức tranh, tất cả đều là niềm vui thích! Một số trong đó sẽ phức tạp hơn những cái khác, có lẽ việc rắc rối nhất là khu vực bếp và phòng ăn, nhưng chúng tôi có những chuyên gia để giải quyết việc ấy – bởi tôi cũng chẳng thể luộc một quả trứng cơ mà.
Nhà hàng Chic trong khách sạn khiến nhiều người liên tưởng tới một sàn catwalk. Liệu rằng liên tưởng đó có đúng với ý đồ thiết kế của ông không?
Câu chuyện về nhà hàng Chic khá đặc biệt đấy. Mỗi kiến trúc sư thiết kế nên Hotel de la Coupole năm 1914 chịu trách nhiệm một khu vực của khách sạn và thiết kế chúng theo sở thích của mình. Đáng tiếc, một trong số họ đã ra đi trước khi khách sạn khai trương, vì thế họ quyết định cùng nhau thiết kế khu vực này để tưởng nhớ đến người bạn đã khuất. Họ không thể đưa ra một sự đồng thuận, một hướng đi nhất quán, cho đến khi gặp được Leon Baskt trong một quán bar ở Hà Nội. Ông là nhà thiết kế sân khấu và phục trang cho đoàn bale nổi tiếng một thời – Ballet Russes, và cũng là một chuyên gia trong lĩnh vực này. Ông ấy đã truyền cảm hứng cho họ và nhà hàng Chic mang thiết kế của một show diễn thời trang, với sàn catwalk được bao phủ bởi những bộ trang phục thời thượng của Leon và một “bữa tiệc buffet” của vô số những suốt chỉ với máy khâu, cứ như bạn đang ở sau sân khấu vậy. Một trong những nơi ưa thích của tôi ở nhà hàng Chic là trần nhà hình nêm bằng thạch cao tinh tế– càng ngắm càng thấy không đủ.
Các công trình của Bill Bensley đặc biệt chú trọng đến không gian xanh và sự giao hòa với thiên nhiên. Điều ấy được ông thể hiện như thế nào ở Hotel de la Coupole?
Khách sạn được đặt ở trung tâm thị trấn nên chúng tôi đã thiết kế một khu vườn ngay giữa hai tòa nhà. Gần như tất cả các phòng đều có thể nhìn xuống khoảng sân vườn xanh tươi ấy, hoặc khi thời tiết không mờ sương, khách nghỉ còn có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng những rặng núi trên Sa Pa. Thậm chí ngay tại sảnh, bạn cũng có thể trông thấy núi. Có rất nhiều cửa sổ cao và rộng, để chắc chắn núi non Sa Pa luôn ở trong tầm mắt của du khách. Khách nghỉ luôn được nhắc nhở rằng họ đang có những phút giây tận hưởng vẻ đẹp kì vĩ nhất mà thiên nhiên đã ban tặng cho Việt Nam.
Cảm ơn ông!
Thu Hà