Ngày 27/4/2019, tại tỉnh Ninh Thuận, Tập đoàn BIM Group chính thức khánh thành cụm nhà máy điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á, với công suất 330 MWP. Sau khi dự án có vốn đầu tư hơn 220 triệu USD hòa lưới điện quốc gia, Tập đoàn BIM Group đang sở hữu hai nhà máy lớn nhất khu vực, bên cạnh Khu kinh tế công nghiệp muối lớn nhất Đông Nam Á, có diện tích hơn 2.200ha cũng nằm tại Ninh Thuận.
Trong ngày khánh thành 3 cụm nhà máy điện mặt trời của BIM Energy (thuộc Tập đoàn BIM Group), ông Đoàn Quốc Huy - Phó chủ tịch HĐQT BIM Group, Tổng Giám đốc BIM Energy cho biết: “Trước khi đầu tư vào lĩnh vực NLTT, chúng tôi đã có hơn 10 năm kinh doanh, sản xuất tại Ninh Thuận. Khi nhu cầu thực của ngành điện Việt Nam phát triển khoảng 10%/năm trong vòng 10 năm trong khi điện truyền thống không còn nhiều cơ sở phát triển, khi điện than bị hạn chế, thủy điện cũng gần hết, điện từ NLTT có cơ sở phát triển. Với thế mạnh và kinh nghiệm sẵn có từ kinh doanh ngành khác tại Ninh Thuận đã thúc đẩy BIM Group đi theo lĩnh vực NLTT tại Ninh Thuận và các tỉnh khác”.
Nằm ở khu vực Nam Trung Bộ có thời tiết khắc nghiệt, nắng nhiều, ít mưa, Ninh Thuận gặp nhiều bất lợi trong việc phát triển kinh tế, thu hút nhà đầu tư. Sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định 11/2017/QĐ-TTg, về tăng giá điện mặt trời lên 9,35 cent (khoảng 2.086 đồng//kWh) có hiệu lực từ 1/6/2017, đã mở ra nhiều cơ chế khuyến khích cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển NLTT vào Ninh Thuận.
Tuy nhiên, từ hơn 10 năm, BIM Group đã có những bước đi đầu tiên đón đầu những lợi thế từ nguồn bức xạ nhiệt ổn định của tỉnh Ninh Thuận, để phát triển muối công nghiệp. Thay vì muối ăn thông thường có giá thấp, thiếu sức cạnh tranh, BIM Group nghiên cứu thị trường và tạo ra sản phẩm muối của Ninh Thuận có giá trị cao, nhất là phục vụ sản xuất công nghiệp. Việc sản xuất cũng trên nguyên tắc dùng bức xạ mặt trời để hơi nước bốc hơi và gió thổi đi nơi khác nhằm kết tinh thành hạt muối, cũng là sự tận dụng đầu tiên của BIM Group từ gió và mặt trời tại Ninh Thuận.
Sau khi bắt tay với AC Energy - Công ty thành viên mảng năng lượng thuộc Ayala (Philippines), một tập đoàn có 184 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực NLTT của Philippines, BIM Group sớm thiết kế, đấu thầu quốc tế, lựa chọn nhà thầu có kinh nghiệm, năng lực để triển khai xây dựng Nhà máy điện mặt trời BIM 1, BIM 2 và BIM 3; đồng thời hoàn tất với thời gian thần tốc sau hơn 9 tháng chính thức thi công.
Tổ hợp nhà máy năng lượng điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á, với hơn 1 triệu tấm pin năng lượng mặt trời, ghi dấu ấn của chuyên gia đến từ 17 nước đã có mặt trên công trường để hoàn tất dự án trong thời gian thần tốc. Đáng nói hơn, BIM Group giải quyết bài toán logistics một cách hoàn hảo, khi hơn 2.000 container chở thiết bị đổ về dự án trong vòng 3 tháng, mà không gặp bất cứ sự cố nào.
Đây là một trong nhiều dự án mang theo khát vọng của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BIM Group về việc góp phần tạo ra một môi trường bền vững cho các thế hệ tương lai. Đồng thời tạo ra những nhà máy điện mặt trời sẽ mang đến một nguồn năng lượng sạch, không gây ô nhiễm, có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm thấp nhất biến đổi khí hậu và có lợi ích về kinh tế lâu dài, khi phục vụ 200 nghìn hộ gia đình mỗi năm và góp phần giảm gần 304.400 tấn CO2 thải ra môi trường mỗi năm.
Với định hướng trở thành nhà đầu tư tiên phong hàng đầu về NLTT tại Việt Nam, BIM Group đang tiếp tục các bước để triển khai dự án điện gió với công suất dự tính 320MWp. Nhà máy điện gió đầu tiên của BIM Group sẽ khởi công vào đầu năm 2020 và dự kiến hòa lưới điện trước tháng 11/2021. Đồng thời, BIM Energy tiếp tục triển khai xây dựng nhà máy điện mặt trời nữa với công suất 500Mwp, cố gắng khởi công trước năm 2025. Không những thế, BIM Group còn trăn trở để tận dụng tài nguyên đất để phát triển tốt nhất cả công nghiệp muối, điện gió, điện mặt trời... cùng một lúc, để phát triển NLTT hiệu quả, thân thiện với môi trường.
Thu Hà