Sau khi xuất hiện công văn ký ngày 5/9 của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa với nội dung chỉ thị bình chọn tin nhắn cho thí sinh Quang Anh, trên mạng lại tiếp tục xôn xao với công văn của Ủy ban nhân dân phường Đông Sơn (Thanh Hóa) cũng với nội dung về việc này.
Công văn số 93/CV-UBND gửi "các ông trưởng phố" ghi rõ: Đề nghị các phố thông báo trên hệ thống loa truyền thanh của phố và vận động nhân dân hãy bình chọn cho em Quang Anh - người con của phường Đông Sơn - Thành phố Thanh Hóa để em vươn xa với ước mơ ca hát của mình.
"Rất mong nhân dân Phường Đông Sơn quan tâm tham gia bình chọn cho em Quang Anh", công văn nêu rõ.
Về việc này, Luật sư Lê Vinh, trưởng văn phòng Luật sư Chương Dương (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, nếu thực sự có công văn đó của Sở GD - ĐT Thanh Hoá kêu gọi cho một thí sinh trong một chương trình giải trí trên truyền hình thì đó là đang có sự lạm quyền.
"Theo quan điểm chủ quan của tôi, nếu như có tồn tại một công văn như vậy thì rõ ràng là Sở Giáo dục và đào tạo Thanh Hoá đã lạm quyền một cách kỳ lạ. Tôi không hiểu tại sao, người có trách nhiệm lại có thể ký, đóng dấu vào một công văn kiểu như vậy.
Rõ ràng, chức năng của một Sở Giáo dục là làm các công tác liên quan đến quản lý giáo dục, thế mà lại có công văn yêu cầu bình chọn cho một thí sinh tham dự chương trình có tính chất giải trí của đài truyền hình còn công việc chuyên môn thì lại không can thiệp...
Cũng cần nói thêm, trường hợp này, nếu có một công văn như vậy thì những người có trách nhiệm trong việc ký công văn sẽ phải chịu trách nhiệm, giải trình tại sao họ lại ký công văn này và họ sẽ phải sẵn sàng chịu trách nhiệm cần thiết khác...", Luật sư Lê Vinh cho hay.
Cũng theo Luật sư Lê Vinh, theo quy định của pháp luật hiện hành không có điều cấm cụ thể đến việc cơ quan nhà nước ra công văn yêu cầu ủng hộ như vậy nhưng việc Sở ra công văn như vậy là không được phép.
"Nếu như có công văn như vậy thì đây là việc Sở Giáo dục không được phép làm. Bởi vì, ở đây ta có thể áp dụng nguyên tắc pháp luật là công dân được phép làm những gì pháp luật không cấm thì ngược lại cơ quan quản lý nhà nước không được phép những gì pháp luật không quy định.
Trong trường hợp này, rõ ràng không có quy định nào cho phép Sở Giáo dục làm việc này, ngược lại có rất nhiều quy định buộc họ phải làm đúng chức năng, nhiệm vụ trong việc quản lý giáo dục. Nhưng họ lại không làm mà lại đi làm việc này, như vậy là họ đã vi phạm.
Ở đây, cũng cần phải nói đến những tác hại vật chất mà họ gây ra đối với xã hội, chẳng hạn như việc phát lên hệ thống loa cũng gây tốn kém nhất định, rồi nhắn tin cũng gây tổn thất nhất định... ", Luật sư Lê Vinh nhấn mạnh.
Theo Tri thức trẻ