Cuộc tình 10 năm giữa bà chủ và người lái xe
Hàng mấy trăm người đã kéo đến, chen lấn xô đẩy vào xem cho bằng được, thản nhiên biến sự kiện trọng đại của người khác thành vở diễn sân khấu. Ngay sau đó, hàng loạt báo mạng, báo giấy đưa tin, thực hư lẫn lộn, thậm chí đơm đặt thái quá khiến "khổ chủ" càng thêm méo mặt. Có lẽ vì đã quá mức chịu đựng nên mới đây, cả cô dâu, chú rể đã tìm đến PV báo Người đưa tin để trải lòng mối "oan tình" họ phải gánh chịu.
Vì đinh ninh cô dâu đã 63 tuổi trong khi chú rể vừa mới 38 xuân xanh nên khi vừa giáp mặt, chúng tôi đã thấy ngỡ ngàng bởi giữa họ dường như không có cách biệt lớn về ngoại hình. Ngăm đen và thô ráp, ông Nguyễn Trường Sơn trông dày dạn phong trần hơn nhiều so với ảnh cưới, còn cô dâu Nguyễn Thị Liên cũng không kém phần mềm mại, điệu đà. Điều đó khiến chúng tôi ngờ ngợ. Quả nhiên, khi đề cập đến vấn đề tuổi tác, ông Sơn cười thiểu não: "Làm gì có chuyện vợ hơn chồng tới hai mươi mấy tuổi. Thực ra, tôi sinh năm 1970 tuổi Canh Tuất, còn Liên tuổi Mậu Tuất (1958-PV) hơn tôi tròn một giáp. Vậy mà người ta đồn thổi độc địa vậy đó".
Rồi để chứng minh, ông Sơn móc ví đưa cho chúng tôi xem giấy CMND có ghi rõ năm sinh 1970. Như được khơi nguồn, bà Liên ấm ức: "Quá quắt hơn, họ còn công khai phán xét trên mặt báo rằng anh Sơn lấy tôi vì tiền trong khi họ không biết chút gì về quá trình tìm hiểu, gắn bó giữa hai chúng tôi".
Cặp vợ chồng mới cưới ngoài đời.
DNTN Thương mại Kim Liên (số 683 đường Hùng Vương, thành phố Quy Nhơn, Bình Định) do bà Liên đứng tên làm chủ chuyên kinh doanh các mặt hàng bia và nước giải khát. Chồng trước của bà Liên vốn là tài xế xe tải, đã nhiều năm ôm vô lăng chuyên chở hàng nhà. Họ có với nhau ba mặt con.
Bất hạnh ập đến với gia đình này vào năm 1993 khi người chồng đột ngột bị tai biến mạch máu não. Sau một năm điều trị tại các bệnh viện TP.HCM không có kết quả, theo lời khuyên của bác sỹ, bà Liên đưa chồng về nhà chăm sóc. Để tiếp tục công việc kinh doanh trong lúc ba đứa con đều nhỏ dại, bà Liên phải thuê tài xế, phụ xe vận chuyển hàng hóa. Bắt đầu từ đó, ông Sơn trở thành người làm trong gia đình.
Kể về giai đoạn này, ông Sơn cho biết: "Tôi làm phụ xe cho gia đình Liên từ năm 1994, được khoảng hai năm thì ra ngoài làm cho người khác. Mấy năm sau, khi đã có bằng và lái xe thành thạo tôi mới quay về làm lại và gắn bó từ đó cho đến giờ".
Theo như lời bà Liên thì đây là quãng thời gian hết sức khó khăn đối với gia đình bà. Vừa phải quán xuyến công việc kinh doanh, vừa nuôi chồng ốm liệt giường. Cho đến năm 2002 thì người chồng bạc mệnh vĩnh viễn ra đi. Và niềm an ủi lúc này chỉ còn ba người con đang vào độ tuổi trưởng thành đã biết san sẻ gánh nặng công việc cho mẹ.
Do yêu cầu công việc, bà Liên thường phải dịch chuyển theo những chuyến xe hàng. Những lo toan, nhọc nhằn trên từng chặng hành trình bắt đầu làm nảy sinh tình cảm giữa bà chủ đang độ hồi xuân và người lái xe chưa vợ. Rồi như một lẽ tự nhiên, họ yêu nhau như bao đôi lứa khác ở trên đời. Lúc đầu còn kín đáo, lâu dần thành công khai. Dĩ nhiên gia đình hai bên đều biết. Nhưng lạ một điều tất cả mọi người đều im lặng như ngầm chấp nhận. "Vì sao vậy?", chúng tôi ngạc nhiên hỏi. Bà Liên trả lời nhẹ như không: "Có gì đâu. Vì từ khi chồng tôi mất, anh Sơn đã trở thành người trụ cột cáng đáng đủ việc trong nhà. Cho nên các con tôi từ hồi đó đã xem như người thân rồi". Còn theo lời anh Sơn, những năm ấy anh cũng thường xuyên đưa bà Liên về nhà tiếp xúc, thăm nom mọi người trong nhà mình. Và bằng tấm chân tình, tính cách sống thẳng thắn, bà Liên đã tạo được ấn tượng tốt với gia đình nên mọi việc đều êm đẹp. Cũng cần nói thêm rằng, cha anh Sơn là cán bộ Bình Định tập kết, còn mẹ là dân gốc Hà Nội.
CMND của ông Sơn có ghi rõ năm sinh 1970.
Chen nhau xem đám cưới vì lời đồn quái gở
Trong suốt câu chuyện kể của bà Liên, ông Sơn, chúng tôi luôn thường trực trong đầu câu hỏi: Vì sao hai người không tiếp tục sống và yêu nhau như hàng chục năm nay từng sống, lại ôm đồm tổ chức đám cưới làm gì cho miệng lưỡi người đời thị phi. Và trong sâu xa đây là ý nguyện của ai?
Thật bất ngờ khi nghe bà Liên thổ lộ rằng, trong giới quan hệ làm ăn, bà có nhiều người bạn đồng cảnh ngộ, là góa phụ hoặc đã qua một lần đò. Tuy nhiên, không ai có may mắn tìm được cho mình một bờ vai vững chãi để nương tựa lúc tuổi xế chiều như bà, lại là một người đàn ông trẻ, chững chạc, chung tình suốt chừng ấy năm. Vì vậy từ năm ngoái, một số người trong nhóm bạn đã hết sức nhiệt tình tâng bốc bà Liên và ông Sơn tổ chức cưới, với những lời có cánh sẽ ủng hộ tưng bừng về vật chất.
Bà Liên chua chát nói: "Không phải vì những lời hứa ủng hộ tiền bạc mà chúng tôi làm đám cưới. Mà vì tôi biết rằng đó là thói ganh ghét, đố kỵ của người đời, họ làm ra vẻ quan tâm đến hạnh phúc của mình nhưng thật ra là ngầm khích bác, thách đố xem tình cảm của hai chúng tôi có đủ lớn đến mức dám công khai kết hôn trước bàn dân thiên hạ hay không? Trong lúc chúng tôi thật sự yêu thương, gắn bó với nhau chừng đó năm thì sợ gì mà không cưới?".
Tuy nhiên, trước ngày cưới, không biết từ đâu, thông tin trai trẻ 38 tuổi vì tiền nên lấy vợ già 63 tuổi được loang ra. Cho nên sáng hôm đó khi tiến hành lễ đưa rước dâu, đám đông hiếu kỳ đã vây nghẹt quanh nhà cả đàng gái lẫn đàng trai, đông đến mức cô dâu, chú rể không thể bước xuống xe được và phải cho người mở đường vào nhà. Bà Liên thảng thốt nhớ lại: "Vào được bên trong nhà trai, tôi gần như kiệt sức phải lên lầu nằm nghỉ không nuốt nổi thứ gì. Thấy tình hình căng thẳng, khoảng 12h trưa tôi gọi điện cho cô Thu, quản lý nhà hàng Trầu Cau. Tôi kể chuyện vừa xảy ra ban sáng và đề nghị nhà hàng phải tăng cường lực lượng bảo vệ để ổn định trật tự trong tiệc cưới tối nay, nhưng cô Thu trả lời là không sao. Nhưng rồi, cuối cùng thì chuyện tồi tệ đã xảy ra...".
Theo lời ông Sơn, nhận thấy đội ngũ bảo vệ nhà hàng quá mỏng lại nặng về phục vụ bưng bê nên gia đình đã phải thuê ngoài đến 14 vệ sỹ. Tuy nhiên, khi chính thức vào tiệc, số vệ sỹ này đành bất lực trước một biển người chen lấn xô đẩy tìm đủ mọi cách vào bên trong. Ông Sơn cay đắng nói: "Có người vì tò mò. Nhưng cũng có người vì hám lợi nghe theo lời đồn đại quái gở của ai đó rằng đám cưới này được vào ăn miễn phí, khi về mỗi người còn được tặng thêm một trăm ngàn nữa. Cho tới hôm sau chúng tôi mới biết căn nguyên là như vậy".
Sẽ đưa đơn ra tòa vì bị đơm đặt, vu khống? Trong đám cưới chỉ có một người con trai của bà Liên đến dự là Trịnh Kim Lưu. Vì vậy, khi một số báo loan tin bà Liên bị con trai tạt nước để phản đối đám cưới, Lưu vô tình đã trở thành tâm điểm chú ý. Thực hư việc này ra sao? Cả ông Sơn và bà Liên đều khẳng định đó là điều hoàn toàn bịa đặt. Bởi suốt khoảng thời gian một tiếng đồng hồ diễn ra lễ cưới, Lưu chỉ có mỗi nhiệm vụ quản lý thùng tiền mừng. Còn việc hắt nước ra sàn, chẳng qua là hành vi thiếu văn hóa của một người khách cá biệt. Để làm rõ thêm vấn đề, chúng tôi đã liên lạc với anh Lưu. Qua điện thoại, anh Lưu bức xúc cho biết anh không hề có bất kỳ hành động nào như vậy trong đám cưới và việc quy kết anh tạt nước vào mẹ mình là một sự vu khống trắng trợn. Về việc tổ chức đám cưới của ông Sơn và bà Liên, anh Lưu cũng khẳng định rằng quan điểm của mọi anh em trong nhà từ trước đến nay là hoàn toàn ủng hộ. Tương tự như vậy, việc một số báo chí đưa tin cô dâu chú rể phải thoát ra ngoài bằng cửa sau là hoàn toàn bịa đặt. Vì khi tan tiệc, gia đình hai bên đều tháp tùng cô dâu chú rể ra xe đàng hoàng bằng cửa trước. Chính vì thế, một số bài báo đưa tin sai lệch làm vợ chồng bà Liên hết sức bức xúc. Vì lẽ đó, bà Liên đã gọi điện đến một số cơ quan báo chí đề nghị cải chính. Theo lời bà Liên, nếu yêu cầu này không được đáp ứng bà sẽ quyết định đưa vụ việc ra tòa. |
Thanh Trúc – Yên Khanh